TÌM HIỂU VỀ HỒNG NÊ (PHẦN 5): HỒNG NÊ TRIỆU TRANG

HỒNG NÊ TRIỆU TRANG

Triệu Trang là một địa danh cách Đinh Thục trấn khoảng 3 kilomet về phía tây, hồng nê được khai thác ở khu vực này được gọi là "hồng nê Triệu Trang". Nói đến hồng nê thì phải nói đến đất "hồng nê Triệu Trang" vì "hồng nê Triệu Trang" là loại hồng nê được phát triển và sử dụng sớm nhất trong các loại tử sa hồng nê. Hồng nê Triệu Trang nổi tiếng không phải vì hồng nê của nó có chất lượng tốt nhất, mà bởi vì nó là nơi duy nhất sản xuất hồng nê trong những ngày đầu. Hiện tại Triệu Trang đã cạn kiệt nguồn khoáng hồng nê, vì vậy để nói về "hồng nê Triệu Trang" là hơi khó do không giống như các loại khoáng khác, "hồng nê Triệu Trang" không có tác phẩm chuẩn, rõ ràng và trực quan.

Vậy "hồng nê Triệu Trang" là loại hồng nê như thế nào?

Trong "Dương Tiện minh hồ hệ" của Chu Cao Khởi vào cuối thời nhà Minh và "Dương Tiện danh đào lục" của Ngô Hàn vào đầu thời nhà Thanh đều có cùng một ghi chép: "Đất sét non (nộn nê), khai thác ở núi Triệu Trang, có màu đất, có cấu trúc kết dính, có thể dùng để chế tác ấm trà. Thạch hoàng nê, khai thác ở núi Triệu Trang, là phần thạch cốt chưa tiếp xúc nắng gió". Trong "Dương Tiện danh đào lục" thì có thêm chữ "màu vàng" vào sau chữ "đất sét non". Đại sư Cố Cảnh Chu đã định nghĩa về hồng nê như sau : "Hồng nê có cấu trúc dạng vảy, rắn như đá và không hòa tan trong nước. Khoáng tầng nằm ở lớp dưới cùng của lớp đất sét non và được khai thác ở mỏ đất sét non (nộn nê) Triệu Trang và mỏ đất sét non (nộn nê) Tây Sơn.

Theo tình hình phát triển và sử dụng thực tế hiện tại, "đất sét non" và" đất sét non màu vàng"được ghi trong "Dương Tiện minh hồ hệ" và "Dương Tiện danh đào lục" là "chu nê Triệu Trang" và theo định nghĩa của đại sư Cố Cảnh Chu là "tiểu hồng nê Triệu Trang". Vì vậy, so sánh theo ghi chép xưa và thực tế phát triển và sử dụng, "hồng nê Triệu Trang" có hai loại: "chu nê Triệu Trang" và "tiểu hồng nê Triệu Trang".

"Chu nê Triệu Trang" từ lâu đã được ca ngợi là loại chu nê nổi tiếng nhất trong quá khứ và là loại chu nê tốt nhất được các học giả thời cổ đại và hiện đại đánh giá cao dựa theo thực tế sử dụng và chế tác. Tử sa chu nê Triệu Trang có chất lượng tốt hơn nguyên liệu khoáng hồng nê Triệu Trang. "Chu nê Triệu Trang" là một loại khoáng đất sét có màu vàng có hàm lượng sắt cao, được phong hóa từ đất sét non. Đất sét non trở thành màu vàng đất sau khi phong hóa, vì vậy nó được gọi là "nộn hoàng nê" (đất sét non màu vàng). Năm đó, đại sư Cố Cảnh Chu tan sở đi ngang qua bãi phơi phong hoá đất Hiệp Tân, sau khi phơi nắng cả mùa hè và một trận mưa to, ông đến cửa hàng đất sét non và lựa được hai xô hồng nê, hai xô hồng nê thuộc loại chu nê, là sản phẩm thu được sau quá trình phơi nắng.

Quặng nguyên bản của chu nê Triệu Trang có màu vàng đất, đỏ vàng với đất sét non màu trắng xanh (Hình 5-46), dạng cục đất sét, cấu trúc dạng bột mịn, liên kết yếu nhưng cứng, dễ phân rã khi tiếp xúc với nước. Thành phần khoáng chất là hydromica, kaolinit, thạch anh, oxit sắt và argillaceous, một lượng ít fenspat, canxit, đất sét kết dính v.v. Thành phần hóa học chính và hàm lượng phần trăm là silicat (SiO2) 46,45%, nhôm oxit (Al2O3) 19,76%, oxit sắt (Fe2O3) 8,21%, và magie oxit (MgO) 0,65%, canxi oxit ( CaO) 0,73%, kali oxit (K2O) 1,92%, natri oxit (Na2O) 0,34%, hao hụt khi nung (LOI) 9,78%.

Trong thành phần hóa học, hàm lượng silicat và oxit nhôm tương đối nhỏ, hạt thạch anh nhỏ, tỷ trọng sét lớn, độ nhớt tốt, khó tạo hình và khó nung. Nhiệt độ nung thấp, nhiệt độ nung của khoáng đất sét nguyên bản chỉ 1050°C, phạm vi thiêu kết hẹp, tỷ lệ co ngót khi sấy và nung lớn, thường trên 20%. Nó chứa nguyên liệu thô có độ chảy cao, hàm lượng sắt trioxit cao hơn các loại hồng nê khác, sau khi nung có màu sáng và tươi hơn, độ nung kết và thủy tinh hóa cao, âm thanh gõ sắc và giòn.

Ấm tử sa chu nê Triệu Trang có màu đỏ, bề mặt ẩm và sáng, khi pha trà bằng nước nóng sẽ hiển thị màu đỏ tươi và tinh tế. Với nó, nước trà sáng, sinh động, đẩy hương thơm và tăng vị ngọt. Khi sử dụng lâu sẽ có màu đỏ trầm và ấm. Chu nê Triệu Trang ngày càng hiếm và cạn kiệt. Ngoài chu nê Triệu Trang, chu nê tiểu môi diêu ở Hồng Miếu, phía tây Hoàng Long Sơn cũng rất nổi tiếng.

Tiểu môi diêu chu nê được khai thác bên dưới lớp đất sét dày hơn, lớp bùn khoáng chỉ dày từ 5-20 cm, sản lượng không lớn. Quặng thô có màu vàng xanh (Hình 5-47), dạng bùn, tỉ trọng nặng và trơn nhớt, khó chế tác và khó nung. Khi mới được phát hiện và sử dụng, nó chủ yếu được thêm vào các vật liệu bùn khoáng khác để tăng độ kết dính của vật liệu, ít được sử dụng riêng để làm ấm trà. Tiểu môi diêu nê có độ dẻo tốt, độ co ngót lớn trong quá trình sấy và nung, nhiệt độ nung thấp, nhiệt độ nung khi nung đơn lẻ là khoảng 1100 ℃, rất dễ bị xoắn, biến dạng và nổ cát, hiệu suất khi nung là ít hơn 60%. Sau khi nung, tác phẩm chuyển từ màu đỏ cam sang màu đỏ sẫm (như hình 5-48), bề mặt ấm nhiều dầu, màu nước trà đẹp, khi rót nước nóng vào cho màu đỏ tinh tế, huyền bí và quyến rũ.

Tiểu hồng nê Triệu Trang là "thạch hoàng nê" trong các tài liệu xưa, quặng đất sét tiểu hồng nê Triệu Trang được hình thành bên dưới đáy mỏ đất sét non, lớp quặng không dày, chỉ vài chục centimet và cứng như đá, như xương trong bùn, vì vậy nó được gọi là là “phần thạch cốt chưa tiếp xúc nắng gió”. Màu vàng, tương tự như màu của Hoàng Thạch, nên còn được gọi là "thạch hoàng nê", có người gọi là "hoàng thạch hoàng", sau khi nung đồ gốm có màu đỏ, tức là "đồ gốm có màu chu sa." Hầu hết "tiểu hồng nê" và "lão hồng nê" được hình thành ở lớp khoáng nằm giữa lớp hoàng thạch, ngoài ra một số ít được hình thành ở đáy của mỏ đất sét non (nộn nê). Tiểu hồng nê có màu vàng đất, lão hồng nê có màu vàng sẫm, vàng xanh, đồng nhất và cứng như đá, và không hòa tan trong nước.

Tiểu hồng nê Triệu Trang bề ngoài có màu vàng đất, bề mặt thường có đất sét mịn mềm màu xanh lục và trắng. Đặc tính đất sét nằm giữa đất sét non và hồng nê thông thường, có độ dẻo tốt, dễ tạo hình. Tiểu hồng nê Triệu Trang là một loại tiểu hồng nê có hình dáng, màu sắc, thành phần khoáng chất và các đặc tính liên quan không khác mấy so với các loại tiểu hồng nê khác, và tương tự như tiểu hồng nê Hoàng Long Sơn. Điểm khác biệt duy nhất là hàm lượng thạch anh trong vật liệu khoáng cao hơn một chút, độ cát nặng hơn một chút, nhiệt độ nung tương đối cao hơn, gần 1170 ° C, và tỷ lệ co ngót tương đối nhỏ, ở mức 12%. Sau khi nung, tiểu hồng nê Triệu Trang có màu đỏ sẫm, kết cấu nhẹ và độ thoáng khí nhất định. Tiểu hồng nê Triệu Trang đã được phát triển và sử dụng sớm hơn, vì vậy nó có tác động lớn hơn. Trong thời gian đầu, nó được sử dụng chủ yếu để sản xuất đồ gốm hàng ngày và ấm trà dáng thuỷ bình hồng nê. Sản lượng tiểu hồng nê Triệu Trang rất hạn chế, cuối những năm 1970 thì ngừng khai thác do nguồn trữ lượng khoáng sản gần cạn kiệt nên có tin đồn là “tuyệt chủng”. Có một thời, hồng nê Xuyên Phụ và hồng nê Phục Đông được sử dụng để thay thế chế tác thuỷ bình hồng nê, nhưng độ dẻo và độ mịn của nó không bằng loại tiểu hồng nê Triệu Trang.

Vào những năm 1980, người ta đã sản xuất thử nghiệm thành công sản phẩm hồng nê nhúng bùn thay thế để chế tác thuỷ bình hồng nê, tuy nhiên việc sản xuất bị dừng lại do quy trình phức tạp và năng suất thấp. Sau đó, chuyển sang sử dụng đất sét phối trộn nhân tạo, sử dụng hồng nê phổ thông, bổ sung một lượng bột sắt đỏ thích hợp để điều chế hồng nê thay thế để chế tác hồng nê thuỷ bình, phương pháp này vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Trong những năm gần đây, do quy mô xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, một lượng nhỏ tiểu hồng nê đã được đào gần Triệu Trang trong quá trình khai thác đá và xây dựng.

SG, 25/08/2021
Lão Tà - An Nhiên Tịnh Quán
(Dịch từ "Dương Tiện minh sa thổ" của Lưu Ngọc Lâm).
2 0 2,828 10
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết