Giữ của & Xả của

Thuở xưa có hai anh em cha mẹ mất sớm, để lại một gia sản to lớn. Không hiếu dưỡng được song thân, họ rất lấy làm buồn tiếc. Thời gian vùn vụt trôi, hai anh em từ chí hướng đến ý thích khác biệt nhau rất xa.

Người anh thì mến đạo nghĩa, thường thường làm việc thiện như bố thí của cải, do đó gia sản càng ngày càng tổn giảm ; còn người em thì mê tài sản, trổ tài mánh lới làm các thứ kinh doanh, nên gia sản càng ngày càng tăng thêm. Vì thế, người em rất bất mãn đời sống của anh mình.

Một hôm, không chịu đựng được nữa, người em gọi anh ra lên mặt dạy dỗ :
– Anh em chúng ta bất hạnh nên cha mẹ mất sớm. Cha mẹ để lại gia tài cho chúng ta, chúng ta làm con, thì phải nhớ nghĩ đến từ tâm của cha mẹ, mau mau nỗ lực làm ăn buôn bán để giữ gìn và phát triển cái vốn gia sản sẵn có ấy khiến hương hồn của cha mẹ ở cõi trời được an ủi, thế mới đúng đạo làm con. Ðằng nay, anh từ sáng tới tối cứ lo chạy theo mấy ông sa môn xuất gia để nghe kinh Phật, không lẽ mấy ông ấy có thể cho anh áo quần tiền tài hay sao ? Gia đình anh càng ngày càng nghèo khó, tài sản càng ngày càng hao hụt, không những có lỗi với hương hồn cha mẹ mà còn làm cho làng xóm chê cười.
– Những gì chú nói, anh đã biết rõ hết, nhưng đó chỉ là những ý nghĩ thiển cận của thế tục. Chú nghĩ rằng mình phải bảo trì và khuếch trương sản nghiệp của cha mẹ mới là tận hiếu. Nhưng anh thì hoàn toàn không nghĩ như chú. Làm như thế chẳng qua chỉ cho chú có thêm điều kiện hưởng thụ, chứ vong hồn cha mẹ được lợi ích gì trong đó ? Còn anh thì lại lo giữ ngũ giới một cách nghiêm chỉnh, chuyên cần thực hành mười điều thiện, cúng dường Tam Bảo, lấy đạo cả mà cứu cha mẹ, khiến hương hồn cha mẹ được xa lìa nẻo khổ mà sinh về đường thiện, dần dần tiến đến chỗ giải thoát vĩnh hằng, đây mới là con đường báo hiếu chân chính. Ðạo và đời vốn tương phản nhau, cái mà đạo cho là sung sướng và quý giá thì đời lại chê là thấp hèn, đáng ghét. Những gì chú cho là khoái lạc hôm nay, chính là gốc rễ của phiền não về sau. Anh không muốn đuổi theo những khoái lạc huyễn ảo như thế, cái khoái lạc mà người có trí huệ mong cầu là cái khoái lạc vĩnh hằng kìa !

Người em nghe anh nói, cảm thấy mình không có lý lẽ để tranh cãi nhưng trong tâm thì không phục, bèn nén giận cúi đầu. Người anh biết em mình không thể nói một lần mà hiểu, bèn phát biểu tâm chí muốn cầu học đạo của mình. Người em biết anh mình tâm đã cương quyết hướng về đạo nên im lặng, nén hận mà bỏ đi.

Không lâu sau, người anh muốn cho việc học đạo của mình được chuyên tâm nên lìa bỏ gia đình, khoác y ôm bình bát làm sa môn, ngày đêm tinh tiến tu thiền, cẩn thận từng lời nói từng ý nghĩ, về sau chứng được quả A La Hán. Người em nghe tin này, không những không vui mừng mà lòng phiền não giận hờn anh càng gia tăng thêm. Người này từ sáng đến tối lo làm ăn để tăng trưởng sự nghiệp cho đến mức đầu óc choáng váng, còn việc nhân sinh giải thoát thì không mảy may chú ý. Cuối cùng, gia tài ức triệu nọ cũng không kéo dài được đời sống vốn có giới hạn. Quả thật là chết đi không đem theo được bất cứ vật gì, chỉ có cái nghiệp là theo sát bên thân.

Trong lúc sống người em quá ư tham dục nên bị đọa xuống kiếp súc sinh, đầu thai làm trâu. Con trâu sinh ra mạnh khoẻ mập mạp, liền bị một người nhà buôn mua về kéo xe muối. Kéo xe trèo dốc đường dài, lao khổ không phút nào ngừng nghỉ, con trâu mất sức, gầy mòn, mỗi lần lên dốc thở phì phò mà vẫn bị roi vọt, trông thật là thê thảm, thương tâm. Vừa đúng lúc ấy, người anh đi ngang dùng đạo nhãn quán sát con trâu, biết đây là em mình nên nói để khai mở trí huệ cho em :
– Chú một đời khổ cực, gia tài sản nghiệp chú gom góp được tính ra không biết bao nhiêu mà kể, bây giờ gia tài ấy đâu rồi ? Trước kia, chú nói đạo cả là vô dụng vì không đem lại quần áo ăn uống, tiền tài mới đáng quý vì nó giúp chú thỏa mãn được mọi dục lạc. Bây giờ đạo cả lại làm cho anh giải thoát được luân hồi, chứng được quả thánh, còn tiền tài mà chú quý trọng tại sao lại không cứu chú thoát kiếp trâu mà sinh về nẻo thiện ?

Nói xong, người anh vận dụng thần thông khiến con trâu thấy được kiếp trước của mình. Con trâu tuy không nói được nhưng đau khổ rơi nước mắt, biết mình kiếp trước có được thân người nhưng lại làm nhiều điều bất thiện, tham lam, ganh ghét, không tin Phật pháp, khinh chê thánh chúng, không nghe lời khuyên bảo thiện lành của anh, cho đến nỗi bây giờ đọa làm thân trâu, hối tiếc thì đã quá muộn.

Người anh biết em mình đã có tâm niệm hối hận và tự trách liền xin người chủ mua lại con trâu này, và đem mối quan hệ giữa mình và con trâu kể cho người chủ nghe. Người chủ trâu nghe xong tóc gáy dựng đứng rùng mình ghê sợ, không đòi tiền mà đem trâu dâng tặng cho người anh. Người anh dắt trâu về chùa phóng sinh, cho nó quy y Tam Bảo và dạy nó niệm Phật.

Không lâu sau, con trâu chết đi, sinh lên cõi trời Ðao Lợi. Về sau, người chủ con trâu nghĩ đến vấn đề sinh tử luân hồi, cũng xả tỏ tất cả chuyên tâm tìm học đạo, cuối cùng được mãn nguyện, chứng được thánh quả, giải thoát phiền não. Nỗ lực kiếm tiền cho chính bản thân mình thì tiền ấy không hề thuộc quyền sở hữu của mình ; còn dùng tiền tài để đem lại hạnh phúc cho xã hội, ích lợi cho chúng sinh, thì tiền tài ấy mới chính thật thuộc về mình. Có nhân thì tất nhiên phải có quả, đây là một đạo lý bất di bất dịch.

Trích “Phật Giáo Cố Sự Đại Toàn” / Việt Dịch: Diệu Hạnh Giao Trinh
Tam Uống Trà Thôi sưu tầm
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết