Hiểu cơ bản về thẩm định tranh – Làm thế nào để phân biệt tranh thật, tranh giả [Kỳ 1]

Hiểu cơ bản về thẩm định tranh – Làm thế nào để phân biệt tranh thật, tranh giả [Kỳ 1]
Team Uống Trà Thôi sưu tầm

Trong bối cảnh hạ tầng và thượng tầng của thị trường mỹ thuật bất đối xứng về thông tin ở nước ta, nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Tác giả Ace Lê đã chia sẻ những kiến thức cơ bản về thẩm định tranh và đưa ra lời khuyên đối với các nhà sưu tầm và hoạ sĩ thời nay. Mời bạn cùng tham khảo và tìm hiểu về những điều kiện lý tưởng mà một hệ sinh thái nghệ thuật lành mạnh nên có.

Những năm gần đây, tranh Việt luôn tự phá kỷ lục ở các sàn đấu giá, thu hút sự chú ý rất lớn từ toàn bộ các bên tham gia thị trường, cả phía bán (nghệ sỹ, phòng tranh, sàn đấu giá, người môi giới), bên mua (nhà sưu tập, bảo tàng, quỹ nghệ thuật, giới đầu cơ), và nhóm dịch vụ đi kèm (thẩm định, nghiên cứu, giám tuyển, vận chuyển, bảo quản và phục chế, thiết kế triển lãm). Đi kèm với giá trị là giá tiền – và đi kèm với giá tiền là động cơ làm tiền.

Câu hỏi phổ biến nhất của rất nhiều người mới tìm hiểu nghệ thuật, là “làm thế nào để phân biệt được tranh giả – thật?”

Đây là vấn nạn không chỉ của Việt Nam, nhưng nó đặc biệt nguy hiểm trong thị trường tranh Việt: khi hạ tầng cơ sở của giáo dục mỹ thuật và chính sách luật còn yếu kém hoặc chưa hình thành, thì thượng tầng kiến trúc cho các dịch vụ thẩm định rất khó xây dựng một cách chắc chắn và bài bản.

1. Hạ tầng – giáo dục và luật pháp
Phổ cập giáo dục mỹ thuật còn sơ sài, dẫn tới một lỗ hổng kiến thức rất lớn trong quần chúng, và ngay cả lớp đại học. Mặc dù ta chỉ có dưới 100 năm lịch sử mỹ thuật hiện đại, hầu hết các nhà sưu tập đều phải tự đọc, mua sách cũ và sách nước ngoài, do hệ thống thư viện và lưu trữ còn chưa đầy đủ và được số hoá.

Thị trường mỹ thuật là một thị trường bất đối xứng về thông tin (“asymmetric information”), nên phía nào có nhiều thông tin quan trọng hơn, phía ấy sẽ nắm được quyền lực giá cả. Các nhà sưu tập mới bắt đầu sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều để cân bằng lại cán cân thông tin. Và khi ta mua phải tranh giả một lần, việc đấu tranh tư tưởng và đạo đức là rất lớn: sẽ chịu lỗ và giữ tranh, hay im lặng và đẩy nó đi cho nạn nhân thiếu thông tin tiếp theo?

Guy Isnard, một trong những cảnh sát đi đầu các cuộc điều tra về giả mạo tác phẩm nghệ thuật, đang chuẩn bị một cuộc trưng bày các tác phẩm nhái tranh Mona Lisa, tại Grand Palais of Paris, 1955. Photograph available on Pinterest.

Thêm vào đó, luật bản quyền rất sơ sài và chế tài gần như không có hiệu lực trong vấn đề mỹ thuật, nhất là với các tác phẩm của người đã khuất. Nhìn chung trên thế giới, luật bản quyền bảo vệ cho tác phẩm sáng tạo 50-70 năm sau khi tác giả qua đời, và quyền này được truyền xuống theo luật về quyền đạo đức (“moral rights”).

Chủ sở hữu của quyền này là vợ/chồng, con cái của nghệ sỹ quá cố, hoặc một đại diện pháp luật được bổ nhiệm – và chủ sở hữu này thường sẽ đóng vai trò tiên quyết trong việc (a) xác định một tác phẩm được mang tới là thật (“paternity right”) và (b) ngăn cản việc tác phẩm giả được dán nhãn là thật (“right to prevent false attribution”), kéo theo việc ngăn không cho bán hoặc phân phối nó.

Nhưng tại Việt Nam, phải làm sao khi có những trường hợp chính những thành viên gia đình lại là người sản xuất tranh giả? Công chúng sẽ phải nhờ đến ai?

2. Thượng tầng – các cơ quan và chuyên gia thẩm định
Mặc dù chủ sở hữu quyền đạo đức sẽ có tiếng nói cuối cùng trong việc xác minh tác phẩm, thông thường họ không phải là những người duy nhất được hỏi ý kiến. Do giá trị của các tác phẩm có thể là rất lớn, ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu sẽ đóng vai trò quan trọng.

Thị trường mỹ thuật phương Tây đủ lâu đời và phát triển đến mức mỗi hoạ sỹ tên tuổi đều có một, hoặc một nhóm chuyên gia nghiên cứu lâu dài, và được bổ nhiệm bởi gia đình nghệ sỹ làm cố vấn.

Những chuyên gia này có thể là những tổ chức nghiên cứu về những hoạ sỹ đó – ví dụ Học viện Wildenstein (nay đã chuyển thành Học viện Wildenstein Plattner) tại Paris chuyên về các tác giả Ấn tượng, với kho danh mục tác phẩm (“catalogue raisonnes”) đồ sộ. Hoặc có thể là những gallery lâu đời như Bernheim-Jeune, vừa đóng cửa năm 2018 nhưng phòng nghiên cứu vẫn đang vận hành, lưu trữ những danh mục hơn trăm năm tuổi.

Riêng về tranh Lê Phổ và Vũ Cao Đàm, Wally Finday Galleries ở Mỹ đã bán tranh hai hoạ sỹ này từ những năm 1960s trở lại, và năm 2014 thành lập nhánh Học viện Findlay với Chủ tịch là Stephanie Clark, cung cấp dịch vụ thẩm định cho tranh của họ với giá xấp xỉ US$1,000 mỗi tranh.

Về phía các bảo tàng lớn, họ đều có bộ phận thẩm định tranh rất gắt gao, và ít bị chi phối bởi thị trường như các học viện lập ra bởi gallery. Vấn đề là họ có đủ chuyên gia nghiên cứu sâu về tranh Việt hay không.

National Gallery Singapore là một trong những tổ chức tham gia cuộc chơi sớm nhất tại châu Á, sưu tập tranh Việt nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Tiến sỹ Phoebe Scott hiện đang là giám tuyển và chuyên gia nghiên cứu mảng Đông Dương của bảo tàng này, và đã cùng đội ngũ thẩm định và mua khá nhiều tranh Đông Dương trong giai đoạn gần đây.

Rồi lại có những tổ chức quốc tế phi lợi nhuận – trung lập hơn các học viện gallery, và minh bạch hơn các bảo tàng – sẵn sàng mở cửa ra cho công chúng yêu cầu giúp đỡ, ví dụ như International Foundation for Art Research (IFAR), lập ra năm 1969 tại New York, với giá đăng ký US$400 và giá thẩm định ít nhất US $3,000 mỗi tranh.

Nhưng những cơ quan thẩm định như vậy còn chưa có ở Việt Nam, nên các chuyên gia nghiên cứu độc lập sẽ đóng một vai trò rất quan trọng – và vẫn còn quá thiếu. Vậy nên, đứng ở vai trò người mua, chúng ta phải tự biết trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và mối quan hệ cần thiết để tự mình có thể đưa ra một số kết luận cơ bản khi mua tranh.

3. Các bước thẩm định tranh
Thẩm định tranh có ba phần: giám định lai lịch (“provenance”), giám định thị giác (“visual analysis”) và giám định pháp khoa (“forensic examination”)

3a. Giám định lai lịch
Giám định lai lịch đối chiếu các thông tin về lịch sử mua bán và sở hữu tranh với kho dữ liệu để định tính xác thực của tranh. Chuỗi thông tin hoàn hảo sẽ bao gồm đầy đủ từng giai đoạn chuyền tay tranh – thời gian, địa điểm, người bán, người mua; và các bằng chứng liên quan như giấy chứng thực, hóa đơn mua bán, catalogue bán, poster/brochure có đề cập tới tranh, các hình ảnh, video, bài báo hoặc cuốn sách có ghi chú về tranh, những dấu mộc và nhãn của gallery hoặc sàn đấu giá trên tranh hoặc khung.

Đó là những bằng chứng “cứng” không thể chối cãi – ví dụ bức “Chân dung cô Phượng” của Mai Trung Thứ đã xuất hiện trong bức ảnh triển lãm của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930, nên không ai có thể bàn cãi về tính xác thực của nó.

Ngoài ra người mua có thể cung cấp những bằng chứng “mềm”, ít được tin cậy hơn, là những lời thuật lại từ trí nhớ của những người liên quan về các thông tin trên. Điều này nói lên tầm quan trọng của việc văn bản hoá và lưu trữ thông tin (“documentation & archival”).

3b. Giám định thị giác
Giám định thị giác là quá trình phân tích bút pháp và chữ ký trong tranh, và so sánh chúng với hệ thống tác phẩm của nghệ sỹ, để kết luận xem phong cách có nhất quán hay không.

Điều này không dễ, và yêu cầu người nghiên cứu phải có bề dày kiến thức và kinh nghiệm với không chỉ tác giả đó, mà với cả giai đoạn đó. Các yếu tố thị giác cần để ý gồm: cỡ tranh, chất liệu, đề tài, bố cục, màu sắc, và thủ pháp nói chung. Riêng về chữ ký, có thể nói cho ta biết rất nhiều điều: chữ ký tay hay đóng triện, năm sáng tác, có lưu bút đi kèm hay không…

Tại Việt Nam, bị làm giả nhiều nhất là tranh Bùi Xuân Phái, và ông có rất nhiều phiên bản chữ ký thay đổi theo thời gian. Một cuốn sách của Bùi Thanh Phương và Trần Hậu Tuấn có tổng hợp lại sự thay đổi này, nhưng rất cần có thêm những nguồn khác để khảo chiếu và/hoặc phản biện cho đầy đủ hơn.

Chép tranh thì dễ – ở Việt Nam ta vẫn còn quá nhiều xưởng chép tranh các họa sỹ nổi tiếng hàng ngày – nhưng chép bút pháp, thần thái tranh lại rất khó. Nhưng cũng vì tính chủ quan của hai chữ “thần thái” mà nhiều người cầm tranh giả vẫn có thể khăng khăng mình cầm đồ thật, vì nghĩ ý kiến thị giác không khách quan như bằng chứng văn bản.

3c. Giám định pháp khoa
Ở Việt Nam còn chưa có cơ quan nào có khả năng và thiết bị để giám định pháp khoa. Đây là quá trình nghiệm soi tranh và các chất liệu cấu thành tranh bằng nhiều liệu pháp khác nhau.

Phòng thí nghiệm có thể chụp ảnh phân giải cao và chiếu tia cực tím để xem tác phẩm có những góc nào từng được phục chế hay chưa, hay nó được sáng tác và bảo quản nguyên vẹn. Hoặc họ có thể lấy mẫu sơn và toan rồi đem chiếu laser dưới kính hiển vi để phân tích chất liệu (đặc biệt là hữu cơ).

Nhưng một trong những bước quan trọng nhất là dùng máy quang phổ chụp tia X dạ quang dọc theo bề mặt tranh để phát hiện cấu thành hoá học của chất liệu sáng tác. Với cách thức này, tiến sỹ người Anh Nicholas Eastaugh ở phòng thí nghiệm tư nhân Art Discovery đã lật mặt được “kẻ giả tranh của thế kỷ” Wolfgang Beltracchi người Đức năm 2011 khi phát hiện ra sơn trắng titanium trong bức tranh giả của hoạ sỹ Hà Lan Heinrich Campendonk: năm 1915 (năm bức tranh giả được cho là sáng tác) thị trường chưa có loại sơn này.

4. Lời khuyên đối với các nhà sưu tập và hoạ sỹ thời nay là gì?
Với nhà sưu tập, ta không có cách nào khác ngoài việc tìm đọc thật nhiều thông tin, tổng hợp thật nhiều văn bản về tác giả và giai đoạn muốn mua. Việc này tuy tốn thời gian, nhưng nó giống như công việc của một trinh sát hay một phóng viên tác nghiệp, và đem lại những kiến thức và sự thỏa mãn nhất định khi ta xác định được chính xác độ thật / giả của tác phẩm. Nếu không có thời gian, ta cần kết nối và tham khảo ý kiến các chuyên gia liên quan.

Với hoạ sỹ / gia đình hoạ sỹ, phải luôn tạo thói quen in giấy chứng thực, chụp ảnh / video cùng tranh, và lưu lại hết tất cả những bằng chứng về sự xuất hiện của tranh trong sách, báo, catalogue. Ta hay chủ quan vì nghĩ rằng nghệ sỹ còn sống thì dễ tra cứu thôi, nhưng việc này rất quan trọng vì ngay cả nghệ sỹ đương đại cũng đang bị làm giả rất nhiều.

(Còn tiếp: Kỳ 2)

Nguồn:
International Foundation for Art Research
Học viện Wildenstein Plattner
Học viện Findley
Art Discovery

Thực hiện: Ace Lê

Về tác giả:
Ace Lê là Thạc sỹ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Nanyang Technological University. Anh là đồng sáng lập của nhóm giám tuyển độc lập Of Limits, đơn vị được trao giải 2020 Platform Projects Curatorial Award bởi NTU CCA Singapore.

Team Uống Trà Thôi sưu tầm
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết