Tiếng chuông đưa tôi đi...

Tiếng chuông đưa tôi đi...

Thắp một nén nhang trầm, tiếng chuông Tây Tạng quyện tròn căn phòng nhỏ, tôi để tôi phiêu lãng theo tiếng chuông về miền cao nguyên khoáng đạt. Không còn khung cảnh của xây dựng ngổn ngang, không còn khí hậu nóng bức của miền Trung gió Lào...

Tiếng chuông đưa tôi đi...

Tôi đi, nhưng chân tôi lại xếp bằng. Chúng bất động, chúng đứng im, chúng không di chuyển bất kỳ một khoảng cách nào cả. Nhưng dù thế, tôi vẫn đã đi, đi ra ngoài tôi, đi khỏi căn phòng, đi khỏi thị thành, đi khỏi biên giới quốc gia mà không cần Passport. Đôi chân tự do thế...

Tôi đi, và các ngón tay tôi không rời khỏi bàn phím. Chúng di chuyển quanh 24 chữ cái, chỉ đơn giản thế, nhưng ngón tay ấy đưa tôi đi rất xa, đến với các bạn đọc cách xa nhiều dặm, đến với miền tư tưởng uyên nguyên đang dần dần được khai phá mỗi ngày, mỗi ngày. Đôi tay tự do thế...

Tiếng chuông đưa tôi đi...

Tôi đi, đi bằng tâm, đi bằng sự tưởng tượng, đi bằng sự phóng chiếu, đi thật sâu vào bên trong, và thật ra cũng là đi ra bên ngoài. Trong và Ngoài lúc này trở thành Một - Một thế giới, một vũ trụ, một Pháp thân thường hằng bất diệt - Thiên Địa Nhân hợp nhất. Sự chia cách trong ngoài không còn ý nghĩa nữa. Tâm tự do thế...

Tôi đi, đi bằng tư tưởng, đi bằng những tri thức đã được thâu nạp, đi bằng suy tư đã đã đào luyện. Tri thức là thứ ngoại thân, nhưng khi được thâu nạp bằng sự suy tư, chúng trở thành thứ tự nội. Như thức ăn, sau khi nhai kỹ, qua sự co bóp của bao tử, chúng trở thành năng lượng nuôi dưỡng các tế bào bên trong thân thể. Trong không còn là Trong và Ngoài cũng không còn là Ngoài. Tư tưởng tự do thế...

Tiếng chuông đưa tôi đi...

Tiếng chuông là âm thanh vật lý, được kích hoạt bởi cái chuông và cái dùi chuông. Chuông không thể tự kêu nếu nó không bị tác động bởi vật ngoài nó, dùi chuông cũng không thể tự kêu nếu không có cái chuông để nó tác động. Bản thân tiếng chuông đã vô ngã, đã do duyên sinh.

Tiếng chuông ngân đều, ngân đều, đến khi sự tác động vật lý của dùi không còn đủ sức kích thích vào thành chuông thì tiếng chuông chấm dứt. Thời gian ngân của tiếng chuông phụ thuộc sự tác động mạnh yếu của dùi chuông và chất liệu tạo ra quả chuông. Thời gian cũng vô ngã, cũng do duyên sinh.

Tiếng chuông đưa tôi đi...

Đến lượt âm thanh của tiếng chuông tác động qua màng nhĩ, tạo ra những tác động nhất định lên não. Não sau khi chịu sự tác động của sóng âm, phân biệt đây là tiếng chuông, kia là tiếng thớt, đây là tiếng tụng kinh, kia là tiếng cãi nhau.... Từ đó mà có sự yêu thích hay ghét bỏ tiếng trầm, tiếng thanh, tiếng chát chúa, tiếng thô tục...

Giả sử màng nhĩ bị hỏng, tiếng chuông vẫn kêu, nhưng không có tác động nào lên não cả, thế thì cũng không có sự phân biệt tiếng này tiếng khác, âm thanh nọ âm thanh kia. Không phân biệt, thế thì không có yêu thích hay ghét bỏ... Đứng trước một âm thanh khen ngợi hay chê bai, tiếng chuông trầm hùng hay âm thanh chát chúa đều rất đỗi bình thường, bất động, vô nhiễm...

Tiếng chuông đưa tôi đi...

Ta không điếc bẩm sinh, cũng như ta không muốn cố gắng để trở nên bị điếc, nhưng ta có thể đối diện với bất kỳ âm thanh nào với trạng thái bất động, vô nhiễm. Ấy là lúc ta không cố phân biệt hay chia âm thanh thành sự đối đãi thấp cao, sang hèn, được mất, khen chê... Khi đó, bất kỳ âm thanh nào đến, chỉ đơn giản là nhận diện, là biết, mà không phân biệt, mà không khởi tâm yêu thích hay ghét bỏ.

Ta có tư tưởng tự do, ta có cái tâm cảm nhận tự do, ta có đôi tay tự do, ta có đôi chân tự do... Ta có sự tự do với thân tâm của mình, thì điều đó có nghĩa là, ta có quyền lựa chọn để mình bị mắc kẹt vào âm thanh được tiếp nhận, hay tự do với nó. Tự do với mọi âm thanh, thì không còn mất nhiều thời gian để thanh minh, để tranh cãi, để giành thắng thua cho riêng mình. Mắc kẹt vào âm thanh, thì mình tự tạo ra khổ đau.

Tiếng chuông đưa tôi đi...

Tiếng chuông không có trách nhiệm đưa tôi đi đâu cả. Tiếng chuông đơn giản là tiếng chuông, vận hành theo đúng lực tác động của vật lý giữa quả chuông với cái dùi chuông, do duyên mà sinh và cũng do duyên mà diệt. Nhưng tâm thức người nghe, muốn tiếng chuông đưa người nghe đi, thế thì khi ấy tiếng chuông trở thành phương tiện truyền tải ngôn ngữ, tư tưởng, thời gian, nơi chốn... mà người nghe muốn nghe, muốn cảm nhận, muốn tưởng tượng và muốn được đến... Tiếng chuông trở thành cái cớ, trở thành kích thích tố cho sự phóng chiếu phong nhiêu của tư tưởng.

Nếu tôi có đi quá xa, hoặc tưởng tượng quá đà, dẫn đến ảo tưởng, dẫn đến cuồng tưởng, dẫn đến bệnh tưởng... thì lỗi không nằm ở tiếng chuông, mà lỗi nằm ở người nghe đã không biết dùng cương để kìm con ngựa tư tưởng ấy lại. Nếu con ngựa có dẫn người nghe vào con đường hiểm nạn, hoặc phá ruộng lúa, hoặc xuống lũng sâu, hoặc kẹt núi non hiểm trở... thì việc đầu tiên nên trách, là trách năng lực điều khiển con ngựa trong ta chưa thuần thục. Muốn con ngựa ấy dẫn đi tham quan những cảnh đẹp kỳ thú, hoặc đi đúng nơi cần đến, thì việc đầu tiên là học cách huấn luyện ngựa, thuần cái tâm của chính mình, để khi cần dừng thì dừng, khi cần đi thì đi.

Tiếng chuông đưa tôi đi...

Tiếng chuông chỉ là cảnh bên ngoài, mà với người đã có khả năng huấn luyện con ngựa tâm đến mức thuần thục thì tiếng chuông nói riêng, bất kỳ âm thanh nào nói chung, cho đến bất kỳ sắc cảnh, mùi hương, cảm giác, tiếp xúc... nào bên ngoài cũng không phải là thứ có thể cám dỗ, không phải là kích thích tố để người đi bị sa đà vào đường hiểm. Đừng đổ thừa để che đậy năng lực huấn luyện con ngựa tâm yếu đuối của ta.

Người kỵ sỹ đích thực, huấn luyện con ngựa tâm một cách thuần thục, thì con đường càng hiểm trở, càng gai góc, càng nhiều cạm bẫy, càng nhiều chông gai, càng nhiều thử thách... thì càng muốn mạo hiểm, càng muốn khám phá, càng muốn phiêu du. Cái niềm vui của người thích những trò mạo hiểm là không thể nghĩ bàn, và đã chấp nhận mạo hiểm, nghĩa là luôn sẵn lòng đứng giữa lằn ranh của sống và chết. Và để rồi đến lúc, cái chết cũng là một thứ mà anh chàng kỵ sỹ ấy muốn thử thách, muốn khám phá cho biết.

Trí Không
Team Uống Trà Đi sưu tầm
https://www.youtube.com/watch?v=ZuEgnsUygUA&t=60s
0 0 13,914 0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết