Tinh túy chè Thái Nguyên

Trải qua nhiều thập kỷ mảnh đất và con người Thái Nguyên vẫn nỗ lực phát triển và gìn giữ nét tinh túy, văn hóa ẩm thực đặc biệt riêng của mình.

Ở Việt Nam, có khá nhiều tập tục văn hóa trong từng cái ăn và uống nhưng khi nhắc đến văn hóa uống thì nhất định phải nhắc đến uống trà Thái Nguyên. Đây là một nét văn hóa có từ lâu đời và tiềm ẩn đi vào trong nền văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Xưa, miếng trầu được xem là bắt đầu câu chuyện thì nay chén trà được xem là một thành phần thiết yếu không thể thiếu trong những cuộc gặp gỡ và hàn huyên tâm sự.

Văn hóa ẩm thực Việt Nam không chỉ là sự đa dạng trong các cách thưởng thức món ăn hàng ngày của người Việt, và các cách chế biến đến nguyên liệu của món ăn ra sao mà còn là sự lạ kỳ trong các uống.

Trong cách uống của người Việt Nam, phải kể đến cái thú uống nước chè (trà) là một cái thú có từ lâu trên đất nước ta, cho đến nay nó vẫn là một trong những điểm nổi bật trong văn hóa ẩm thực dân tộc.

Văn hóa trà Thái Nguyên của người Việt rất khác so với trà đạo của các nước Nhật, Trung... bởi trong từng cách pha, cách dâng trà và cách thưởng thức trà Thái Nguyên đều mang nét riêng biệt.

Cái thú uống nước chè để bắt đầu câu chuyện, bắt đầu của một ngày mới, trong những buổi làm đồng áng vất vả có chén trà xanh, rồi lãng mạn cao hứng thì vừa uống trà vừa ngâm thơ, âu đó là một cái nét đẹp trong cách uống trà vậy.

Mỗi khi cái tên Thái Nguyên được nhắc đến, gợi cho nhiều người về một vùng đất có một bề dày truyền thống cách mạng, vốn là một ATK của Đảng và Bác Hồ trước và sau cách mạng Tháng Tám. Với Hồ Núi Cốc, Đền Đuổm, con Sông Công… song cái đặc sắc nhất đóng góp vào văn hóa của vùng là cây chè và các sản phẩm từ chè.

Văn hóa trà Thái Nguyên ngầm được hiểu như là người nhỏ pha trà để mời người lớn, khách đến nhà chơi cũng đun ấm trà ngon mời khách. Mỗi buổi sớm tinh mơ, người dân Thái Nguyên đều pha một ấm trà để đón ánh bình minh hay bắt đầu những ngày mới làm việc bộn bề… Việc uống trà là để cho tinh thần sảng khoái, để hòa hợp với thiên nhiên và để suy ngẫm lại những chuỗi ngày đã qua hay làm việc vất vả.

Đất Thái Nguyên có điều kiện cho cây chè phát triển và nó thực sự trở thành một sản phẩm mang tính đặc thù của quê hương. Khác với các vùng đất trồng chè khác của đất nước, chè Thái Nguyên đã trở thành một “thương hiệu” nổi tiếng được người tiêu dùng đánh giá cao.

Đất Thái Nguyên, đặc biệt là vùng chè đặc sản Tân Cương được coi là một trong những vùng cung cấp những loại chè ngon nổi tiếng. Đây chính là vùng đất chè truyền thống của tỉnh. Sản phẩm chè của quê hương được đem đi khắp các vùng miền và cả thị trường nước ngoài, được những người sành chè và nhiều thị trường khó tính chấp nhận.

Để có được điều hạnh phúc và tự hào đó, Chè Thái Nguyên đã thực sự tự mình làm cho mình “đứng” được trong lòng người tiêu dùng. Điều đặc biệt là khi các loại chè được nhập khẩu từ nước ngoài về đây trồng như Bát tiên, Ô long… sau một thời gian dần dần bị “nội hóa”, trở thành “chè Tân Cương” “chè Thái Nguyên”. Sở dĩ ở Tân cương có những loại chè ngon cũng bởi một phần chất đất ở đây được trời phú cho tươi tốt và có “duyên” với cây chè.

Cũng chả vì thế mà mỗi khi người ta nhắc đến hai chữ Thái Nguyên, đâu chỉ là vùng đất gang thép, đâu chỉ là một thành phố công nghiệp, mà còn được biết đến một sản phẩm không có vùng đất nào của Tổ quốc có được, đó chình là “chè xanh”. Khi vỡ lẽ, du khách mới “à” lên một tiếng! “Có chè nữa”.

Văn hóa Trà Thái Nguyên còn thể hiện trong cách thưởng trà, uống trà cứ ngỡ như là một chuyện rất đơn giản nhưng uống thế nào để cảm nhận được cái hương thơm tinh túy của trà.
Người thưởng thức trà Thái sẽ cảm nhận được vị chát chát dịu nhẹ ở đầu lưỡi lúc ban đầu và thấm đậm vị ngọt dịu ở cổ họng sau khi uống cùng hương vị thuần khiết của thiên nhiên mà trà Thái Nguyên mang lại.

Người uống trà Thái ý tứ trong từng cử chỉ và dáng điệu, từ nghệ thuật pha trà, tráng ấm, cho trà vào ấm, rót trà mời khách tri kỷ, rồi đến cách cầm chén trà, cách uống trà, điệu bộ khi uống cũng phải tươi tắn, thoái mái để có thể cảm nhận được hết cái hương vị ngọt ngào, thơm mát của chén trà.

Trà Thái ngon là sau khi hãm, được rót ra chén, nghe tiếng rót trà như tiếng suối chảy từ xa vọng lại. Khi dùng trà, phải rót sao cho các chén trà đều có nồng độ như nhau bằng cách kê khít các miệng chén lại và đưa vòi ấm quay vòng đều các chén. Cách phổ biến trong truyền thống là rót ra chén Tướng (chén tống) rồi chia đều ra các chén quân. Cách này ngày nay ít dùng vì phần làm nguội trà, phần hơi mất thời gian.

Dâng chén trà theo đúng cách là ngón giữa phải đỡ lấy đáy chén, ngón trỏ và ngón cái đỡ miệng chén gọi là “Tam long giá ngọc”, người dâng trà và người nhận trà đều phải cung kính cúi đầu.

Trước khi uống đưa chén sang tay trái, mắt nhìn theo, sau đó đưa sang phải. Cầm chén uống trà phải quay lòng bàn tay vào trong, dâng chén lên sát mũi để thưởng thức hương trà trước, sau đó tay che miệng hớp một hớp nhỏ.

Người uống cũng phải chậm rãi mím miệng nuốt khẽ cho hương trà thoát ra đằng mũi và đồng thời đọng trong cổ họng, nuốt nước bọt tiếp lần một, lần hai, lần ba để cảm nhận. Đó là những nét độc đáo trong nghệ thuật uống trà của người Thái Nguyên. Nét văn hóa đặc trưng ấy đã làm nên một bản sắc bản sắc văn hóa rất riêng và khác biệt cho những con người nơi đây. Đồng thời, nó cũng là thước đo cho sự phát triển của một nền văn hóa của một dân tộc, một quốc gia hay một khu vực.

Ngoài ra, các nghệ nhân trà Thái cũng chỉ ra những điều kiêng kị khi uống Trà như: Tránh đun trà hoặc hãm trà trong phích nước nóng; Không nên nhai nuốt lá chè; Không nên uống trà đặc quá; Không nên uống trà lúc đói; Không nên uống nước trà pha để lâu...

Uống chén trà Thái Nguyên đúng điệu trong sương sớm là cái thú của người dậy sớm, tận hưởng vẻ đẹp rực rỡ của một buổi bình minh, đem lại sự thư giãn, minh mẫn cho tâm hồn. Uống trà cũng như uống rượu, ít khi người ta chịu uống một mình. Mà dẫu có độc ẩm thì cũng tìm bạn nơi chính mình, với vầng trăng tình tứ hay bình minh ửng hồng. Từ đó, tận hưởng những tác dụng tuyệt vời của trà xanh đối với sức khỏe.

Ngày nay, chúng ta đang tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa đất nước, sự tất bật khiến cho con người ta luôn thèm một cảm giác thanh thản và nhẹ nhàng để quên đi những giờ phút lao động mệt nhọc và căng thẳng.

Bên cạnh đó là, sự chia sẻ và lắng nghe giữa mọi người trong cuộc sống. Và vì thế, chè Thái Nguyên ngày càng có vị trí quan trọng trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Khi một người con Thái Nguyên đi xa, luôn tâm niệm trong mình niềm tự hào về “đứa con tinh thần” của vùng đất. Và khi du khách đến thăm Thái Nguyên, hãy thưởng thức chè dù chỉ một lần, cái cảm giác ngây ngất, được đắm mình trong cái ngào ngạt, thơm ngát, nhẹ nhàng nhưng lan tỏa khắp da thịt, thì lúc đó, bạn đã đến Thái Nguyên rồi đấy! Nghệ thuật uống chè trở thành một “đạo”, và là một thú vui hết sức tao nhã và đôi khi hết sức cầu kì.

Do đó, chúng ta thấy “trà đạo” của Nhật Bản là một trong những nghi thức văn hóa mang đậm phong cách phương Đông. Chỉ có trong cách uống chè ta mới thấy được những điều đó.

Khi bước chân lên mỗi vùng miền của đất nước là mỗi cảm nhận khác nhau trong bức tranh tươi đẹp chung của Tổ quốc. Chậm rãi, khoan thai, thong thả đi dạo trên những cánh đồng chè, những đồi chè của Thái Nguyên ngút tầm mắt, bạn sẽ cảm thấy lâng lâng và như hít sâu vào lồng ngực mình một thứ cảm giác chỉ có được ở nơi đây mà thôi.

Trồng chè, chế biến chè, sao chè và đảm bảo chất lượng qua thời gian là cả một quá trình nghệ thuật. Quá trình ấy là một nét đẹp cần được bảo tồn và lưu giữ cho con cháu muôn đời. Nhưng song song với đó là việc làm cho chè Thái Nguyên trở thành một thương hiệu để có thể cạnh tranh trên thị trường là điều vô cùng cần thiết.

Uống Trà Thôi
(Sưu tầm, Theo Tạp chí kinh tế)
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết