Cổ nhân dạy: Tha thứ là một loại trí tuệ cần tu dưỡng, cũng là cách tạo phúc báo cho mình

Tha thứ là một loại trí tuệ cần tu dưỡng
Team Uống Trà Thôi sưu tầm

Cổ nhân chỉ dạy: Làm người nên học cách tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Sự tha thứ không chỉ cải thiện đạo đức của bản thân mà còn cảm hóa người khác, giúp họ trở nên lương thiện hơn.

Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử thuyết: Người tốt ta dùng thiện đối đãi, mà người không tốt ta cũng dùng thiện đối đãi (nguyên văn: “Thiện giả ngô thiện chi, bất thiện giả, ngô diệc thiện chi”). Hiểu là: người đối xử tốt với ta, ta cũng đối xử tốt với người, người đối xử không tốt với ta, ta vẫn đối xử tốt với người.

Trong cuốn Luận Ngữ, Khổng Tử giảng: “Đạo của ta chỉ có một lẽ mà thông suốt hết thảy”. Còn Tăng Tử thì nói: “Đạo của thầy chỉ gồm đức Trung và Thứ mà thôi”.

Một ngày, Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Thầy ơi, có từ nào đủ để làm nguyên tắc theo đuổi cả đời không ạ?”.

Khổng Tử trả lời: “Vậy thì chỉ có thể là từ Thứ!”.

Cổ nhân rất coi trọng sự tu dưỡng đạo đức con người, dùng lòng vị tha của bản thân mà bỏ qua cho lỗi lầm của người khác. Biết tha thứ chính là cách giúp bản thân thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực, sự thù hận trong lòng, nhờ đó mà con người có thể sống ung dung tự tại, đạt đến cảnh giới cao của nhân sinh.

Thẩm Đồng cự tuyệt sắc dục, đỗ tiến sĩ
Thẩm Đồng, người huyện Đức Thanh, phủ Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, là một trong 62 tiến sĩ nhị giáp vào năm Thanh triều Quang Tự thứ 21 (tức năm 1895). Tháng 5 năm đó, ông được phong làm thư ký trong Nội các.

Hoàn cảnh gia đình Thẩm Đồng rất nghèo khó. Thấy vậy, người anh của ông là Thẩm Tốn Châu đã tiến cử ông làm thầy giáo cho một đứa trẻ tại nhà một người họ hàng thân thích có gia cảnh tốt.

Điều đặc biệt là nam chủ nhân của gia đình này chết trẻ, chỉ còn nữ chủ nhân và cậu con nhỏ. Một đêm nọ, nữ chủ nhân chạy đến phòng của Thẩm Đồng để cầu hoan, nhưng Thẩm Đồng kiên quyết cự tuyệt.

Ngày hôm sau, Thẩm Đồng rời đi khiến nữ chủ nhân lo sợ ông sẽ nói cho người khác biết chuyện giữa hai người, nên đã chuẩn bị hậu lễ và đề nghị ông quay lại tiếp tục làm thầy giáo nhưng Thẩm Đồng vẫn một mực cự tuyệt.

Nữ gia chủ sau đó nhờ Thẩm Tốn Châu thay mặt mình thúc giục, nhưng Thẩm Đồng vẫn không đáp ứng. Dự đoán có nội tình bên trong nên Thẩm Tốn Châu hỏi Thẩm Đồng, nhưng Thẩm Đồng im lặng không kể, chỉ nói là do bất tiện.

Thấy không còn cách nào khác, Thẩm Tốn Châu bèn mời Thẩm Đồng cùng đến đèn sách với con trai mình tại tư gia. Năm thứ hai, Thẩm Đồng và con trai của Thẩm Tốn Châu là Thẩm Tiết Phủ cùng đỗ tiến sĩ, cuối cùng làm quan tới chức Tuần phủ tỉnh Phúc Kiến.

Tha thứ cho người là tạo phúc báo cho mình
Theo tài liệu ghi chép, một người tên La Tuần ở Cát Thủy, Giang Tây sống ở triều đại nhà Minh. La Tuần tốt bụng, hào phóng và là người có uy tín ở địa phương.

Trong một lần La Tuần đến kinh đô tham gia hội thi và bị mất một kiện y phục bằng vải thô. Thí sinh cùng ở trọ với anh rất bất an trong tâm, sợ rằng La Tuần có thể hoài nghi mình là kẻ trộm. Khi người này phát hiện một người đang mặc chính bộ quần áo mà La Tuần đã đánh mất, vội kéo La Tuần đi tìm.

Khi hai bên có dịp gặp mặt nhau, bạn trọ của La Tuần cố ý chỉ vào y phục của người đó và hỏi La Tuần xem có đúng là trang phục của anh không. Tuy nhiên, La Tuần nói rằng đó không phải y phục bị mất của anh. Bạn trọ của La Tuần sờ lên y phục của vị kia, cảm thấy không sai, nhưng La Tuần kiên quyết phủ nhận.

Người bạn cùng trọ vô cùng tức giận, thấy vậy, sau khi trở lại nơi trọ, La Tuần từ tốn giải thích: “Mất một tấm áo cũng không khiến tôi tổn thất bao nhiêu, nhưng khiến anh ta lại bại hoại thanh danh, sau này làm sao có thể lập danh nơi thế gian được?”

Người bạn nghe xong, đột nhiên ngộ ra, vô cùng thán phục La Tuần. Sau cuộc khảo thí, La Tuần đỗ thủ khoa tiến sỹ, và sau được tuyển làm quan Lang Trung trong Binh Bộ.

Cho đến tuổi trung niên, La Tuần không có con. Một lần, ông đi ngang qua một tự miếu, phát hiện trong tự miếu có bảy chiếc quan tài chưa được chôn cất, bèn lấy bổng lộc của mình ra và thỉnh hòa thượng chôn cất số quan tài đó. Không lâu sau, vợ ông mang thai và sinh ra cậu con trai, đặt tên là La Hồng Tiên.

Con trai của La Tuần từ nhỏ đã được học hành tử tế, cộng với sự chăm chỉ, kiến ​​thức sâu rộng và nghiên cứu chuyên sâu về thiên văn, địa lý, điển chương, toán thuật, âm dương... nên ngay từ khi còn là một thiếu niên đã nổi tiếng khắp nơi. Vào năm Gia Tĩnh thứ 8, cậu đã có thành tựu xuất sắc trong các kỳ thi trong cung, được chọn làm Trạng Nguyên và được bổ nhiệm làm quan Hàn Lâm Viện, được ủy quyền biên soạn sử thư.

Sưu tầm: Team Uống Trà Thôi
0 0 13,398 0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết