Cách chọn trà cao cấp theo khẩu vị

Dù bạn đang chọn trà cho bản thân, hay làm quà tặng cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, thì giá của trà chỉ là một yếu tố nhỏ. Vì nhìn chung, các loại trà đến từ núi Vũ Di ở Phúc Kiến, cái nôi của trà Trung Quốc, luôn đắt đỏ nhất. Ngoài việc nhìn giá, còn phải nhìn khẩu vị.

Đầu tiên là sở thích uống trà. Vị trà đậm nhạt sẽ tùy vào loại trà bạn chọn. Kế đến là thói quen uống trà. Trà nhạt dùng thay nước, trà đậm tráng miệng sau bữa chính, hay trà ăn kèm bánh ngọt… những yếu tố này đều quan trọng khi chọn trà cao cấp.

Cuối cùng, hãy ưu tiên trà lá rời chứ đừng mua trà túi lọc. Vì trà túi lọc thường chứa vụn trà, là loại thấp cấp hơn.

Trà Trắng:

Hai loại cao cấp nhất là Bạch Hào Ngân Châm (Silver Needle) và Bạch Trà Mẫu Đơn (White Peony). Quy trình chế tác chúng được hoàn thiện từ thời nhà Thanh của Trung Quốc, vô cùng khắt khe. Nhìn chung, trà trắng có nước trong, vị nhẹ. Hợp để dùng cùng các loại bánh trái, hoa quả vị thanh.

Trà Xanh:

Đây là loại khó lựa chọn nhất, vì có quá nhiều loại trà xanh ngon thượng hạng trên thị trường.

Những ai thích trà đắng sẽ yêu thích Gyokuro và Matcha của Nhật. Đặc biệt, Gyokuro là loại trà đắt đỏ bậc nhất Nhật Bản. Cây trà được trồng dưới bóng râm thay vì dưới ánh mặt trời. Vì trồng dưới bóng râm, hàm lượng caffeine rất cao, tạo nên vị đắng thanh tỉnh. Để thưởng thức Gyokuro đúng cách, bạn không nên dùng nước sôi, mà cần nước ấm ở khoảng 40ºC đến 60ºC để hãm trà.

Còn nếu thích trà xanh vị nhẹ, bạn hãy thử Bích Loa Xuân (Biluochun). Dòng cao cấp nhất là Supreme, búp trà xoắn ốc đều và nhỏ. Trà Long Tỉnh (Longjing / Dragon Well Tea) cũng là lựa chọn tốt. Loại trà này từng đứng đầu trong thập đại danh trà Trung Hoa, từng được dùng tiến vua từ thời Khang Hy. Còn nếu muốn chọn loại trà xanh ít caffeine, hãy thử Hoàng Sơn Mao Phong (Huang Shan Mao Feng). Đây cũng là một loại danh trà lọt top Thập đại danh trà Trung Hoa.

Trà Đen:

Đối với người yêu thích trà đen phương Tây, những cái tên như Earl Grey (trà bá tước), Assam (trà đen Ấn Độ) hay English Breakfast (trà ăn sáng) đã quá quen thuộc. Những loại trà này luôn phù hợp cho các món ăn Âu đậm gia vị.

Còn trà đen châu Á cao cấp, phải nhắc đến Đại Hồng Bào (Da Hong Pao). Đây là loại trà được cho là đắt hơn vàng! Nó được trồng ở Vũ Di Sơn, thánh địa của trà tại tỉnh Phúc Kiến. Loại đắt nhất được thu hoạch từ lá những cây trà cổ. Vị đậm ngả hương gỗ, không để lại hậu vị đắng.

Một lựa chọn khác cũng rất ngon là Jin Hou (Golden Monkey). Lý do có cái tên này vì lá trà khi khô trông như bàn chân khỉ. Hương trà rất nồng, vị mượt như nhung.

Trà Ô Long:

Nổi tiếng nhất trong dòng trà ô long chính là Thiết Quan Âm (Tie Guan Yin). Loại trà này thu hoạch từ những cây trà xanh ở Nam Phúc Kiến. Hương vị thơm hoa cỏ, dư vị ngọt bùi. Trong quá khứ, đây là loại trà tiến vua cực phẩm. Để tạo nên hương vị ngon nhất, hãy đun nước sôi và để nguội một phút trước khi hãm trà.

Trà Phổ Nhĩ:

Giữa hai loại là Phổ Nhĩ sống và Phổ Nhĩ chín. Phổ Nhĩ chín là loại trà tốt cho những ai thường uống trà kèm theo món ăn đậm vị, như món hầm, kho, Dim Sum. Nó cũng là loại rẻ hơn, do có thể mô phỏng loại Phổ Nhĩ sống đã được lên men lâu năm.

Phổ Nhĩ sống sẽ là lựa chọn cao cấp hơn cho người thích thưởng trà nghệ thuật.

Giá trị của trà Phổ Nhĩ phụ thuộc vào thời gian lên men. Chẳng vì vậy mà nó được chia theo cấp độ lên men 10, 20 hay 30 năm. Trà Phổ Nhĩ ít hơn 10 năm tuổi sẽ có vị đắng gần hơn với trà xanh. Lên men càng lâu thì vị càng đậm, ngọt và bùi.

Thị trường có loại Phổ Nhĩ lá rời, nhưng đây là loại bình thường để uống liền. Loại cao cấp nhất luôn được ép thành bánh trà. Khi được ép vào khuôn thì chúng tiếp tục lên men. Bánh trà càng mỏng dẹp thì quá trình lên men càng nhanh.

(Theo bazaar)
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết