Thước đo

Có một bài viết trên mạng xã hội Trung Quốc, tên là “Đời người rốt cuộc đang theo đuổi điều gì”. Tác giả là một nhà văn nổi tiếng, nay đã ngoài 70 tuổi. Ông nói, ở tuổi ngoài 70, ông thường tự hỏi: “Mình còn lo lắng, phiền muộn điều gì nữa?” Bởi thống kê cho thấy, chỉ 44% người có thể sống tới tuổi ấy.

Mỗi sáng, khi ăn cơm, lỡ tay làm rớt nước sốt ra áo, rơi xuống đất, vợ lại càm ràm, dọn dẹp, cằn nhằn, suốt 55 năm nay. Nghe mãi cũng nhức đầu, cũng bực bội như trẻ con bị mắng. Nhưng nghĩ lại, còn được nghe bà ấy cằn nhằn được mấy năm nữa? Ăn vài hạt lạc, nhai mía, bị nhắc nhở, thế mà giờ lại thành một thứ “phúc phần” khó tìm.

75 năm cuộc đời, được mất vô số, làm sao mong điều gì cũng viên mãn. Nhưng với ông, chỉ một điều là đủ mãn nguyện: vừa được vợ chăm sóc, vừa được nghe tiếng càm ràm thân thuộc. Đời người, 70 khác 60, 60 khác 50, 50 khác 40. Đến tuổi này, không cần cố tỏ ra mạnh mẽ nữa. Như Lương Thực Thu tiên sinh từng nói: qua 50 tuổi, mỗi năm yếu đi; qua 60, mỗi tháng yếu đi; qua 70, mỗi ngày một khác; qua 80, tính từng giờ, từng phút. Nghe phũ phàng, nhưng là thật.

Ông tự hỏi: “Nếu sống đến 90 tuổi, ngồi luận đạo với mọi người, lúc ấy vợ còn cằn nhằn không nhỉ?”

Rồi ông chợt hiểu ra: bao người cả đời mải miết theo đuổi một thứ “ý nghĩa”, mà quên mất một chân lý — nhiều việc vốn dĩ chẳng cần có ý nghĩa.

Cuộc sống là một hành trình, là chuỗi trải nghiệm và cảm nhận nối dài. Ăn chơi hưởng lạc chưa hẳn là phung phí; khổ cực lam lũ cũng chẳng nhất thiết được ngợi khen. Cuộc đời không phải đường ray xe lửa mà là thảo nguyên mênh mông. Miễn là bạn muốn, bạn có thể thả hồn ngắm sao chờ bình minh — trải nghiệm của bạn chính là ý nghĩa lớn nhất.

Nhìn lại đời người: hồi nhỏ quên mang vở, như trời sập; lớn hơn trượt đại học, như ngày tận thế; yêu xa, chia tay, tưởng chừng không sống nổi. Nhưng tất cả rồi cũng qua. Những chuyện từng không chấp nhận được, nay đã trở thành quá khứ. Cuộc sống vốn là chuỗi lựa chọn, hối tiếc chỉ là thường tình. Thực ra, dù chọn con đường nào, con người rồi cũng sẽ tiếc nuối mà thôi. Người ta thường tô hồng con đường mình đã không chọn.

Nhìn quanh: có người 20 tuổi đã mất, người 90 vẫn vui sống; có kẻ học cao chạy ship, kẻ ít học làm chủ; người xinh đẹp 40 vẫn độc thân, người bình thường đông con cháu; người hút thuốc, uống rượu lại sống thọ, người làm việc cật lực lại đột tử tuổi thanh xuân. Đúng — sai, chuẩn mực, cuối cùng chỉ có lòng mình làm thước đo.

Đời người ngắn ngủi. Một ngày, bạn tỉnh dậy — thêm một ngày sống; không tỉnh dậy — một kiếp người khép lại. Thứ ta nên làm chỉ là dùng tâm nếm từng miếng cơm, ngắm từng đóa hoa, tận hưởng từng khoảnh khắc.

Hạnh phúc thực ra rất giản đơn: có nhà để về, có người đợi, có cơm để ăn.

Năm tháng yên bình, kỳ thực chỉ là bữa cơm nóng trên bàn, ngọn đèn sáng chờ bạn trở về.

Đời người có quá nhiều thứ không kịp: chớp mắt là hết ngày, ngoảnh đầu là hết năm, quay lưng là hết cả một kiếp. Hạnh phúc mà ta theo đuổi không nằm ở quá khứ hay tương lai — nó nằm ở phút giây hiện tại: bữa tối trên bàn, người thân bên cạnh, ba bữa cơm, bốn mùa xuân hạ, gia nhân quây quần mạnh khỏe bình an, ngọn đèn ấm áp trong nhà.

Ấy mới chính là phong cảnh tuyệt đẹp nhất nhân gian. Hãy sống cho thật tốt.

Team Uống Trà Thôi sưu tầm

Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết