‘Lễ nghĩa là để sửa tốt lòng dân’

“Dùng mệnh lệnh, pháp luật để dẫn dắt chỉ đạo dân, dùng hình phạt để quản lý dân, làm như vậy tuy có giảm được phạm pháp, nhưng người phạm pháp không biết xấu hổ, sỉ nhục. Dùng đạo đức để hướng dẫn chỉ đạo dân, dùng lễ nghĩa để giáo hóa dân, làm như vậy chẳng những dân hiểu được thế nào là nhục nhã khi phạm tội, mà còn cam tâm tình nguyện sửa chữa sai lầm của mình tận gốc từ mặt tư tưởng”… (Trích Luận Ngữ – Khổng Tử).

Trong xã hội hiện đại, pháp luật ngày càng kiện toàn, nhưng hành vi của con người vẫn phóng túng, tội phạm và các tệ nạn xã hội xuất hiện ngày càng nhiều: đồ ăn có độc, thuốc giả, mại dâm, ma tuý, tham ô, trộm cắp, giết người, v.v.., thậm chí độ tuổi đối tượng phạm pháp ngày càng trẻ hoá. Điều này cho thấy luật pháp kiện toàn không phải là điều kiện đủ để có một xã hội hài hoà, an định.

Lịch sử từng ghi nhận có rất nhiều triều đại thái bình thịnh trị mà ở đó “Người mua kẻ bán đi lại tự do mà không sợ giặc cướp, nhà tù bỏ không và dân chúng không cần khóa cửa”. Nếu như Trung Hoa có “Trinh Quán chi trị” thì Việt Nam cũng có “Hồng Đức thịnh thế” – thời kỳ rực rỡ huy hoàng dưới sự trị vì của vua Lê Thánh Tông. Bên cạnh hệ thống pháp luật nghiêm minh, những thời đại này đều có một điểm chung: Đề cao đạo đức, dùng đạo đức để giáo hoá người dân.

Vua Lê Thánh Tông: Một tấm gương sáng về đạo đức
“Lòng vì thiên hạ lo âu
Thay việc Trời dám trễ đâu
Trống rời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu…”

Mấy vần thơ tự bạch của Lê Thánh Tông (1442 – 1497) phần nào đã nói lên đức độ của một trong những vị vua hiền minh bậc nhất lịch sử Việt Nam. Vua Lê Thánh Tông đăng cơ lúc 18 tuổi, trị vì 38 năm với hai niên hiệu là Quang Thuận (1460 – 1469) và Hồng Đức (1470 – 1497).

Sử thần Vũ Quỳnh ghi: “Vua tự Trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi, văn hay, mà thánh học rất chăm, tay không lúc nào rời quyển sách. Các sách kinh sử, các sách lịch toán, các việc Thánh thần, cái gì cũng tinh thông”.

Không chỉ tài năng xuất chúng, vua Lê Thánh Tông còn là một tấm gương sáng về đức hạnh: “Sửa tam đức để thiện lòng người, coi học hành để chấn hưng văn hóa… Kính tôn bậc nho cố cựu, lễ phép với bậc đại thần. Thưởng phạt thì rõ ràng. Chính lệnh thì nghiêm minh… Siêng cần dân sự thì lấy việc làm ruộng, trồng dâu làm gốc… Không chuộng châu báu lạ kỳ, không ưa xa xỉ… Biết các quan là nguồn gốc trị loạn, nên đem liêm giới khuyên răn. Hết lòng hiếu kính triều trước, mà bỏ luôn thú vui phóng túng”.


Tượng đồng vua Lê Thánh Tông ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội (ảnh: Wikipedia).
Đạo trị nước của vua Lê Thánh Tông: Đề cao lễ nghĩa
Vua Lê Thánh Tông nhiều lần nhấn mạnh về tầm quan trọng của lễ nghĩa trong đạo trị nước an dân. Ông nói: “Lấy chữ lễ, nghĩa, liêm, sỉ mà dạy dân, khiến cho dân hướng về chữ nhân, chữ nhường, bỏ hết lòng gian phi, để cho dân được an cư, lạc nghiệp, giàu có và đông đúc”.

Khi đổi niên hiệu từ Quang Thuận sang Hồng Đức, nhà vua nói: “Người ta sở dĩ khác với loài cầm thú là vì có Lễ để làm khuôn phép giữ gìn”.

Năm 1485, vua dụ các quan phủ, huyện, châu trong nước rằng: “Lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân, nông tang để có đủ cơm áo, hai việc cần kíp đó của chính sự là chức trách của các thú mục”.

Thời Hồng Đức, hệ thống pháp luật rất kiện toàn, tuy nhiên pháp luật chỉ là biện pháp bổ trợ cho đường lối giáo hoá bằng lễ (đức chủ – hình bổ). Tư tưởng “Đức trị” được vua Lê Thánh Tông kế thừa từ Nho gia. Sách “Luận Ngữ” của Khổng Tử viết: “Dùng mệnh lệnh, pháp luật để dẫn dắt chỉ đạo dân, dùng hình phạt để quản lý dân, làm như vậy tuy có giảm được phạm pháp, nhưng người phạm pháp không biết xấu hổ, sỉ nhục. Dùng đạo đức để hướng dẫn chỉ đạo dân, dùng lễ nghĩa để giáo hóa dân, làm như vậy chẳng những dân hiểu được thế nào là nhục nhã khi phạm tội, mà còn cam tâm tình nguyện sửa chữa sai lầm của mình tận gốc từ mặt tư tưởng”.

Dưới sự trị vì anh minh sáng suốt của vua Lê Thánh Tông, Đại Việt đã trở thành một cường quốc ở Đông Nam Á, bờ cõi mở mang, kinh tế phồn thịnh, xã hội thái bình.

Đề cao đạo đức nhân nghĩa – lời giải cho các vấn đề xã hội đương đại
Trong xã hội hiện đại, pháp luật ngày càng hoàn thiện và thắt chặt nhưng quy phạm đạo đức lại ngày càng mai một và buông lỏng. Hệ quả là, khi không bị theo dõi giám sát, người ta lại vẫn thích gì làm nấy, kéo theo một loạt vấn nạn xã hội. Ví dụ như pháp luật có thể cấm và phạt hành vi hối lộ, nhưng không thể làm giảm lòng tham của con người.

Như vậy, muốn giải quyết tận gốc các vấn đề xã hội, cần nhắm thẳng vào cái tâm con người. Nếu như mỗi người đều có tiêu chuẩn đạo đức cao để ước thúc chính mình, thì dù không có luật pháp trừng trị, dù không có người giám sát, họ vẫn sẽ cư xử đúng đắn. Trong lịch sử có chép lại không ít ví dụ.

Dương Chấn là vị quan thanh liêm nổi tiếng thời Đông Hán. Truyện kể rằng: Trên đường Dương Chấn đến nhậm chức Thái Thú Đông Lai có đi qua Xương Ấp. Huyện lệnh của Xương Ấp là Vương Mật – người được Dương Chấn đề bạt khi ông đang làm Thứ Sử Kinh Châu. Vương Mật nghe nói Dương Chấn đi ngang qua địa phương, vì để báo đáp ân tình của Dương Chấn năm xưa đã đề bạt mình nên đã đến gặp Dương Chấn.

Vương Mật có mang theo năm cân bạc trắng, đợi đến nửa đêm lấy ra để biếu tặng Dương Chấn. Dương Chấn nói: “Chúng ta là bạn cũ, ta rất hiểu thái độ làm người của ông, ông cũng hiểu biết ta, vì sao lại làm thế?”.

Vương Mật nói: “Bây giờ là đêm khuya khoắt vắng người, không có ai biết cả”.

Dương Chấn nói: “Trời biết, Thần biết, ta biết, ngươi biết, sao có thể nói là không ai biết được?” Vương Mật nghe xong, hổ thẹn mà rời đi.

Cổ nhân có tiêu chuẩn đạo đức cao thượng, biết kính sợ Thiên – Địa, tin rằng mỗi một hành vi, lời nói, ý niệm đều có Thần minh giám sát. Văn hoá truyền thống của cả Nho gia, Phật gia và Đạo gia đều phổ biến quy luật nhân quả báo ứng, con người làm ra sự việc gì trước sau đều nhận lãnh hậu quả. Bởi thế nên, dầu ở chỗ không người cũng tự biết ước chế cái tâm của mình cho phù hợp đạo nghĩa.

Thiết nghĩ, nếu con người hiện đại có thể quay trở về với những giá trị tốt đẹp của văn hoá truyền thống, thì chuẩn mực đạo đức có thể hồi thăng, các vấn đề xã hội nhức nhối hiện nay cũng sẽ tự có lời giải đáp.
Thanh Ngọc
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết