Odilon Redon người tự minh họa giấc mơ

Odilon Redon (1840 – 1916) là một nghịch lý khuất lấp. Ông sống giữa thời đại Ấn tượng và hậu-Ấn tượng trăm hoa đua nở của những Renoir, Gauguin và Van Gogh. Song, ngoại trừ được công nhận trong nội địa hạt của nghệ thuật và lịch sử nghệ thuật, thì tên tuổi của Redon lại không được công chúng biết đến rộng rãi như các danh họa Ấn tượng trên.

Redon bắt đầu vẽ từ rất sớm, vào năm 10 tuổi, ông đã nhận được giải thưởng vẽ ở trường. Năm 15 tuổi, Redon bắt đầu học vẽ chính thức, nhưng do sự thúc giục của cha mình, ông đã chuyển sang học kiến ​​trúc. Việc ông không vượt qua được kỳ thi tuyển sinh tại trường Paris’ École des Beaux-Arts (Trường Mỹ thuật Paris) đã khép cánh cửa sự nghiệp kiến ​​trúc sư. Điều này trái ngược hẳn với em trai ông, Gaston Redon, người sau này trở thành một kiến trúc sư thời danh.

Song, cuộc đời của Redon có cơ duyên được hành ngộ những người thầy, người bạn tốt. Dù không đỗ vào trường, Redon vẫn được Jean-Léon Gérôme, một họa sĩ trứ danh thời điểm bấy giờ, giảng dạy hội họa tại đây. Trở về quê hương Bordeaux, Redon quyết định theo học điêu khắc, và Rodolphe Bresdin trở thành người thầy hướng dẫn ông cách khắc, còn Henri Fantin-Latour dạy ông in thạch bản. Ông còn học tập và tiếp thu từ Jean-Baptiste-Camille Corot, người đã dự phóng phương pháp plein-air (trực họa ngoài trời) và Eugene Delacroix, họa sĩ tiên phong cho phong trào hội họa lãng mạn Pháp.

Sự nghiệp nghệ thuật của Redon bị gián đoạn vào năm 1870 khi ông gia nhập quân đội để phục vụ trong Chiến tranh Pháp-Phổ. Khi chiến tranh kết thúc, ông chuyển đến Paris, hầu như chỉ sáng tác trên chất liệu than chì và in thạch bản. Mãi đến năm 1878, tên tuổi của ông mới xuất hiện với tác phẩm Thần hộ mệnh nước (Guardian Spirit of the Waters) và xuất bản cuốn sách tranh in thạch bản đầu tiên của mình, với nhan đề Trong giấc mơ (Dans le Rêve) vào năm 1879. Đây cũng là khoảng thời gian Redon ngao du lần đầu ở Bỉ và Hà Lan, nơi ông khám phá và ngưỡng mộ các tác phẩm của Trường phái Flemish và đặc biệt là Rembrandt, người mang lại cho ông những bất ngờ mới về nghệ thuật.

Vào những năm 1890, ông bắt đầu sử dụng phấn màu và sơn dầu, những chất liệu ngự trị trong suốt phần đời sáng tác còn lại của ông. Năm 1899, ông triển lãm cùng các danh họa thuộc nhóm Les Nabis (gồm các họa sĩ Bonnard, Denis, Ibels, Piot, Ranson, Roussel và Vuillard) tại phòng tranh nổi tiếng của Durand-Ruel. Năm 1899 cũng đánh dấu album in thạch bản cuối cùng của ông, Khải huyền của Thánh John gồm 13 tác phẩm, dưới sự đặt hàng của nhà buôn tranh nổi tiếng Ambroise Vollard. Năm 1903, ông được trao tặng Bắc đẩu bội tinh. Odilon Redon qua đời ở Paris vào ngày 16 tháng 7 năm 1916.

Odilon Redon không hòa mình vào phong trào chủ đạo lúc bấy giờ là Ấn tượng, bởi cá tính ông cho rằng các danh họa Ấn tượng đã trình hiện thực tại như một chiếc máy ảnh, họ chỉ dùng mắt mà không nhìn. Trái lại, Redon muốn tìm về với bản nguyên truyền thống, một nghệ thuật giàu truyền thống với nhiều nghệ sĩ vĩ đại được truyền cảm hứng bởi văn chương và lịch sử. Kết quả là ông đã quyết định đứng về phía Tượng trưng.

Chính bởi lý do này, Redon đã bị ghẻ lạnh và không được chấp nhận ngay trên chính quê nhà của mình – nước Pháp. Vào đầu thế kỷ XX, các tác phẩm in thạch bản của ông chỉ được bán với giá rẻ mạt khoảng 7 franc rưỡi, còn một bức họa xuất sắc nhất chỉ có giá một trăm franc (trong khi giá tranh của các họa sĩ Ấn tượng cùng thời đã lên mức hàng nghìn đến chục nghìn franc). Redon cũng thường bị cáo buộc là một nghệ sĩ “minh họa” văn chương. Phong cách tượng trưng của ông không phải lúc nào cũng được phần lớn mọi người lĩnh hội và chỉ được một số ít tinh tuyển đón nhận. Redon từng viết: “Tôi không bao giờ sử dụng từ ngữ ‘minh họa’ vốn dễ gây hiểu sai. Bạn sẽ không tìm thấy nó trong catalogue của tôi… Những từ ngữ như truyền đạt hay diễn giải có thể được sử dụng, nhưng thậm chí ngay cả chúng cũng không mô tả chính xác quá trình tôi đưa một thứ gì đó mình từng đọc vào những tông màu đen và trắng.” [1]

Con đường sáng tạo của Odilon Redon, khái quát nhất, có thể được chia thành hai chặng. Chặng thứ nhất, là các tác phẩm theo phong cách noirs (đen trắng) trên chất liệu than chì và in thạch bản, người viết tạm gọi là hắc thái dương (mượn ý từ hình tượng chủ đạo mặt trời đen/le soleil noir của ông trong giai đoạn này). Chặng thứ hai, hồ điệp mộng, bắt đầu từ thập niên 1890 trở đi, khi ông dần từ bỏ phong cách noirs trước khi chấm dứt hoàn toàn sau năm 1900, để chuyển sang tranh màu trên chất liệu pastel và sơn dầu.

Những tác phẩm trong chặng sáng tác đầu của Odilon Redon luôn là một hợp đề giữa ác mộng và ước mơ, còn sáng tạo đối với ông là nhằm khám phá những cảm xúc và cơ chế tâm thần bên trong chính mình. Đen và trắng, những đối cực lưỡng phân mạnh mẽ là đặc trưng của Redon: có những hình tượng thất bại, chạy trốn khỏi ánh sáng (ánh sáng đóng vai trò là biểu tượng của hạnh phúc và viên mãn, cũng như của cái gọi là thực tại), những sinh thể bóng tối; và phía bên kia, là những hình tượng ánh sáng đã vượt thoát khỏi bóng tối nhờ trải nghiệm siêu nghiệm thông qua tôn giáo hay tín ngưỡng thần bí. Với Redon tồn tại hai thế giới, thế giới của tự nhiên và ban ngày, và thế giới của đêm và mộng mơ. Mặc dù là vẽ mơ, nhưng quá trình trình hiện những cảm xúc và giấc mơ của Redon lại không hề mang tính chất mộng mơ, trái lại, đầy kỹ thuật và sáng tỏ có chủ ý. Các tác phẩm thời kỳ đầu của Redon có yếu tố ảnh hưởng kiến trúc mạnh mẽ, với các đường nét cứng chắc, mặt phẳng, hình học không gian được chú trọng, đồng thời được sắp xếp theo một kiểu dàn dựng sân khấu. Song song, kỹ thuật chiaroscuro (vẽ sáng tối) đóng một vai trò then chốt để xử lý hình bóng và hiệu ứng đường trừu tượng.

Qua lời kể của Vollard, nhà buôn tranh đại tài thế kỷ XX, Odilon Redon là một người yêu hoa và vẻ đẹp của phụ nữ (“Hoa! Ngay cả vào những ngày mà vợ chồng họ kém dư dả nhất, vẫn luôn có rất nhiều hoa trong xưởng vẽ. Nhưng thực tế là chỉ nhìn thấy hoa thôi là không đủ với Redon. Ông cũng muốn có những gương mặt xinh xắn để chiêm ngưỡng. Và bà Redon, luôn lo chiều lòng chồng mình, chu đáo đến độ mời cả các cô gái xinh đẹp đến những bữa tiệc của mình.” [5]). Khi bắt đầu vẽ hoa, Redon luôn đặt hoa thật bên cạnh hoa tưởng tượng trong tâm trí. Hiếm bao giờ Redon vẽ một lọ hoa thông thường. Trong những lọ hoa đầy tràn tươi đẹp của Redon, ta luôn tìm thấy hoa thật bên cạnh hoa của mơ. Ngay cả trong những lọ hoa trông giống thật nhất của ông, luôn chứa đựng phẩm tính của một giấc mơ. Giữa hoa, bình, và bóng đổ, có một dòng chảy, dòng chảy của ý thức về một hiện thực không chỉ được nhìn thấy, mà còn là một hiện thực được cảm nghiệm. Và lẫn trong dòng chảy này là hiệu ứng của âm nhạc, của Schumann, Chopin, Glück, Berlioz và Beethoven (“năm cánh của một ngôi sao thần bí đã nhấc bổng tôi thanh thoát xuyên suốt cuộc đời khiến tôi quên đi sự vất vả của nó.” [6]) để làm chất xúc tác hòa hợp giữa màu sắc, đường nét, hình khối và thi văn.

Hắc thái dương và hồ điệp mộng, hai bản diện, hai sắc thái của Odilon Redon, đã đưa đến những khả thể lý thú. Nếu dấu ấn trừu tượng và những dự cảm tiên đoán về Siêu thực lẫn Dada đã sẵn hiện diện trong những tác phẩm noirs của Redon, thì màu sắc đến từ những tác phẩm pastel lại có một ảnh hưởng lớn lao đến Henri Matisse và bảng màu dã thú. Nghệ thuật tự lập/độc lập của Odilon Redon, vì thế, không còn là nghịch lý khuất lấp, thay vào đó là nghịch lý ngoạn mục. Ông tự minh họa những giấc mơ của mình và đưa người thưởng tranh vào thế giới mơ của ông.

Uống Trà Thôi
Theo Tạp Chí Mỹ Thuật
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết