Konoshima Ōkoku 木島桜谷 (1877–1938)

Konoshima Ōkoku 木島桜谷 (1877–1938) là một trong những bậc thầy hàng đầu của hội họa Nhật Bản hiện đại. Trong những năm gần đây, sự nổi tiếng của Ōkoku đã vượt ra ngoài phạm vi của những người hâm mộ hội họa truyền thống Nhật Bản, đặc biệt là đối với các sáng tác về đề tài động vật của ông.

Sinh ra tại Kyoto trong một gia đình có tình yêu nghệ thuật, cha ông mặc dù là một thương nhân kinh doanh đồ nội thất nhưng lại có sự am hiểu sâu sắc về hội họa, thơ ca và trà đạo, cũng bởi thế gia đình của Ōkoku là nơi thường xuyên lui tới của các nghệ sĩ và trí thức đương thời. Từ năm 16 tuổi, ông đã học vẽ với Imao Keinen (1845–1924), một họa sỹ danh giá, người có những tác phẩm hoa điểu rất được ưa chuộng ở Kyoto lúc bấy giờ. Đồng thời, kế thừa tình yêu văn học từ cha mình, Ōkoku cũng đam mê nghiên cứu kinh điển và thơ ca Trung Quốc, đặc biệt là sách Luận Ngữ của Khổng Tử.

Sau khi tốt nghiệp Keinenjuku vào năm 1897, ông bắt đầu dấn thân vào các cuộc triển lãm và rất nhanh chóng gây dựng được danh tiếng nhờ tài nghệ và sức sáng tạo của bản thân. Bức tranh “Anh em nhà Uryu” trưng bày tại Triển lãm Nghệ thuật Quốc gia năm 1899 đã được bộ Nội vụ Hoàng gia mua lại. Năm 1903 (Minh Trị thứ 36), tác phẩm Yoraku của ông được trưng bày tại Triển lãm Công nghiệp Quốc gia lần thứ 5 cũng vinh dự được Hoàng đế mua lại.

Chủ đề sáng tác của Ōkoku rất rộng, bao gồm hoa điểu, sơn thủy và nhân vật lịch sử. Từ Triển lãm Bunten (triển lãm nghệ thuật thường niên của Bộ Giáo dục) thứ 1 cho đến Bunten thứ 6 năm 1907, ông đã bốn lần đoạt giải nhì và hai lần đoạt giải ba, đó là một thành tích đáng kinh ngạc mà hiếm có họa gia đương thời nào đạt được. Khi triển lãm Bunten được tổ chức lại thành Teiten (Triển lãm nghệ thuật của Học viện nghệ thuật Hoàng gia), Ōkoku, với uy tín của mình đã được mời tham gia ban giám khảo.

Vào thời Chiêu Hòa, phong cách của ông trở nên định hình ngày càng rõ nét. Sau khi trưng bày tác phẩm ''Mùa thu trong hẻm núi'' tại Triển lãm Teiten lần thứ 14 năm 1933, ông lui về làng Kinugasa sống cuộc đời của một ẩn sỹ, ngày nắng thì cày ruộng, ngày mưa thì đọc sách. Ông thường ăn mặc lôi thôi rách rưới giống như một kẻ hoang dã. Người ta cho rằng gần cuối đời ông mắc bệnh tâm thần, và vào ngày 3/11 năm Chiêu Hòa thứ 13 (1938) Ōkoku bị tàu hỏa đâm phải gần Hirakata và qua đời một cách bi thảm ở tuổi 62.

Sau cái chết của Ōkoku, quỹ Sakuratani Bunko (Anh Cốc Văn Khố) được thành lập vào năm 1942 làm nơi lưu giữ hơn 10.000 tác phẩm, bao gồm tranh, thư pháp, các nghiên cứu và phác thảo của Konoshima Ōkoku, cũng như kinh điển Nho giáo và thi ca Trung Quốc được sưu tầm bởi chính tác giả.

Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết