Về Vương Dương Minh
Ngày xưa, có một triết gia người Trung Hoa tên thật là Vương Thử Nhân (1472 – 1528), biệt hiệu là Vương Dương Minh. Ông là một nhà nho, cha đậu Trạng Nguyên, lớn lên ông cũng đỗ tiến sĩ. Từ nhỏ, người ta hỏi ông học để làm gì, ông trả lời học để làm Thánh, trong khi bao nhiêu người khác nói học để làm quan. Là một nhà Nho nhưng ông nghiên cứu đạo Lão, đạo Phật, ngồi thiền, luyện võ, bắn cung…cái gì cũng giỏi. Sau cùng, ông nghiên cứu triết học. Ông làm cuộc cách mạng lột xác đạo Nho. Đạo Nho từ thời Khổng Tử, tới Mạnh Tử qua nhiều nhà chú giải nổi tiếng như Chu Hy nhưng đến đời Vương Dương Minh, ông không bằng lòng. Ông nhận thấy rằng cái nền của Khổng Tử đặt ra có nhiều điều hay nhưng chưa đào sâu, chưa phát triển mạnh. Mạnh Tử có phát triển thêm một chút nhưng ông thấy vẫn chưa đủ. Tới Chu Hy bắt đầu hơi lạc. Ông củng cố lại đạo Nho, giải thích lại toàn bộ đạo Nho, làm cho đạo Nho gần với đạo Phật. Ông chủ trương Tâm là Đạo, Đạo là Trời; biết Tâm là biết Trời. Cách nhìn của ông về Tâm rất gần với đạo Phật. Ông chính là niềm hãnh diện của đạo Nho thời đó (đời nhà Minh). Lúc đó, đạo Nho kém thế so với đạo Phật, đạo Phật phát triển hơn. Vì học Nho chỉ để làm quan, có lễ giáo với gia đình vậy thôi, nên tâm linh con người cứ hướng về đạo Phật.
Cuộc đời Vương Dương Minh nhiều nỗi thăng trầm. Ông có công trạng rất lớn với triều đình, đi đến đâu dẹp loạn tới đó, nghĩa là ông đi tới đâu là an dân tới đó. Công trạng của ông bao trùm mọi lĩnh vực như giáo dục, kinh tế, chính trị. Nhưng ông luôn luôn bị đố kỵ, bị gièm pha, bị xua đuổi, bị đi đày. Có lần vua đày ông vào miền nước độc để giáo hóa người Thượng. Chính lần đi đày đó, ông đã ngộ được điều gì trong tâm.Từ đó, ông cải cách đạo Nho khác hẳn, thành đạo thực dụng (tri hành hợp nhất). Ông cũng cảnh tỉnh đạo Phật vì thời đó đạo Phật cũng chìm trong sự mơ mộng, mơ hồ. Ông xây dựng đạo Nho gần với đạo Phật, nghĩa là đi sâu vào tâm linh nhưng trong cuộc sống rất thực tế. Trong đó, phần lớn ông nói về cái trí lương tri, ngày nay gọi là lương tâm.
Vương Thử Nhân nói về trí lương tri (lương tâm). Ông nói không thiện không ác là cái thể thanh tịnh của tâm. Khởi thiện, khởi ác là cái động của ý; ý nghĩ của người thì có thiện, có ác. Vậy biết thiện, biết ác là lương tri. Cái trí lương tri này làm thiện, bỏ ác là cách vật tức là biết tu sửa. Tu tức là phải làm thiện bỏ ác, phải biết thiện biết ác, đó gọi là lương tri. Cái ý của con người khởi, có khi khởi thiện, có khi khởi ác. Khi (khởi) ác còn sâu trong tâm thể bất động như là không thiện không ác thì đó chính là bản thể của tâm. Vương Dương Minh là một nhà Nho mà phân tích cái tâm như vậy, rất là độc đáo.
Ông nói người thường ai cũng có tập nhiễm. Nếu không dạy người ta thực hành các công phu của lương tri (lương tâm) để làm thiện bỏ ác thì chỉ là treo cái không tưởng của bản thể không thực tế, chẳng qua nuôi thành cái hư tịch là cái bệnh rất nặng phải chữa. Ý ông muốn nói: nhiều người đi tìm bản thể của tâm; tâm lặng lẽ bất động, rồi không đặt vấn đề biết thiện biết ác. Mà nếu nói tâm thanh tịnh, trong tâm thanh tịnh đó không có cái trí để biết thiện, biết ác. Người này sẽ rơi vào hư vô, đây là bệnh nặng.
Cái bệnh này, ông phê bình ai? Ông phê bình đạo Phật. Vì vào thời đó, người ta rất mê cái KHÔNG của đạo Phật. Ông nói cái KHÔNG của tâm đó có gì hay nếu nó không biết được thiện ác. Phải có cái trí lương tri biết thiện biết ác thì mới thực tế để chúng ta áp dụng trong cuộc sống, để chúng ta sống tốt đẹp giữa con người với nhau trong cuộc đời này. Ông phân tích điều này rất hay. Chúng ta đồng ý tâm mình thanh tịnh, bất động, lặng lẽ nhưng tâm đó phải có cái trí để biết (trí tri) được đúng sai. Nghĩa là chúng ta sống rất điềm đạm, thanh thản nhưng khi có gì đưa đến là chúng ta biết ngay đúng sai. Vì thế, chúng ta không làm điều gì sai trái. Đó mới là trí tuệ. Vương Dương Minh gọi đó là trí lương tri. Theo ông thì trí lương tri (lương tâm) có sẵn. Để phát triển trí lương tri đó phải do giáo dục, tức là phải có những vị thầy tốt, những gia đình tốt, môi trường xã hội tốt, con người được dạy dỗ kỹ để biết thiện, biết ác mà vượt qua những tập nhiễm, những thói quen xấu.
Lúc đó, ông chưa phân tích về bản ngã nhưng ông lý luận nhiều về trí lương tri này, và chính nó đã tạo nên cả một hệ thống lớn trong nền triết học của ông. Nền triết học đó thổi vào cuộc sống. Những đệ tử của ông thời đó sống rất tốt. Họ năng nổ hoạt động và sống rất thanh thản. Chỉ tiếc là ông bị sự đố kỵ nên đất nước Trung Hoa thời đó, người ta không ứng dụng nhiều, và triết học đó truyền qua Nhật Bản. Người Nhật áp dụng và họ đã thành công. Qua bốn, năm thế kỷ, người Nhật ảnh hưởng triết học Vương Dương Minh, họ xây dựng một đất nước vừa thực tế, vừa tinh tế mà vừa trầm lắng, để ngày nay Nhật Bản trở thành cường quốc về kỹ thuật trên thế giới.
Vào thời đó, người Nhật rất thích đeo hình Vương Dương Minh. Triết thuyết của ông tràn sang Nhật rất mạnh, còn người Trung Hoa thì không áp dụng. Cho nên đến thế kỷ 19, Nhật đánh chiếm Trung Hoa nhờ sức mạnh của một nền triết học. Một nền triết học chân chính đã cho dân tộc Nhật một sức mạnh kỳ lạ: vừa thầm lặng, tinh tế mà vừa mãnh liệt làm cho nước Nhật trở thành bá chủ của thế giới. Nhưng khi trở thành bá chủ, khi có sức mạnh, người Nhật lại bị cái tham vọng lôi cuốn và gây tội lỗi, nên đã bị kết tội.
Nhìn lại đất nước mình, chúng ta ngày nay cũng cần có một đạo lý giống như vậy. Chúng ta cần một đạo lý để xây dựng tâm hồn mỗi người dân biết thiện biết ác, nghĩa là luôn luôn làm điều thiện bỏ điều ác mà vẫn giữ một đời sống thanh thản, trầm tĩnh, điềm đạm nhưng lại rất năng nổ, rất thực tế. Chúng ta cần một đạo lý để xây dựng sức mạnh của dân tộc và tiến xa hơn là xây dựng sức mạnh của nhân loại, để con người nhiệt tình dấn thân, hy sinh làm lợi cho cuộc sống này. Cái cốt lõi là con người biết làm điều thiện, bỏ điều ác mà vẫn sống một cuộc đời an vui, thanh thản. Đạo lý đó có trong đạo Phật.
Team Uống Trà Thôi sưu tầm