CUỘC ĐỜI CÓ MƯỜI ĐIỀU MÀ DÙ CÓ CỐ GẮNG ĐẾN MẤY CŨNG VÔ ÍCH!

Có rất nhiều thứ dù bạn có nỗ lực đến đâu cũng không có tác dụng. Lâm Tắc Từ là người sống vào cuối triều đại nhà Thanh đã đề xuất mười điều vô ích trong kiếp sống nhân sinh, chính là nói có mười điều mặc dù khi nhìn thì tưởng là tốt, nhưng khuyên bạn đừng làm, nếu không cũng chỉ là vô ích.


1. Tâm còn bất thiện, phong thủy vô ích

Rất nhiều người mê tín về phong thủy, hơn nữa người càng giàu có, càng làm quan to thì càng tin vào phong thủy. Ví dụ, sau khi bạn thăng quan phát tài, bạn muốn mời một cao nhân về quê để tu sửa phần mộ của tổ tiên và thay đổi gia trạch trong gia đình.

Nhưng có một câu nói rằng nhân phẩm chính là phong thủy tốt nhất của đời người. Nếu trong lòng còn có điều bất thiện, làm trái với thiên đạo, rõ ràng là tự chuốc lấy diệt vong. “Phong thủy vô ích” là nói nếu là người bất thiện, làm nhiều việc bất nghĩa, thì người đó không những mắc tội làm hổ thẹn tổ tông mà còn làm tổn hại đến con cháu.

Người ta cũng thường cho rằng chọn được phong thuỷ tốt, mảnh đất đẹp là có thể dưỡng được phúc khí, tài lộc cho con cháu đời đời. Thế nhưng, cái gốc của phong thuỷ không phải ở long mạch hay huyệt mộ mà chính ở lòng người. Tâm tốt thì dẫu ở vào nơi hiểm địa cũng gặp dữ hoá lành, chuyển hoạ thành phúc.

2. Bất hiếu cha mẹ, thờ Thần vô ích

Nghĩa là nói nếu một người không hiếu kính với cha mẹ thì việc cầu Thần bái Phật cũng chỉ là lãng phí công sức mà thôi. Người xưa có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trăm đức hạnh thì hiếu đứng đầu.

3. Anh em bất hòa, bạn bè vô ích

Nếu một người thậm chí không thể hòa hợp với anh chị em ruột thân thiết nhất của mình, bạn có tin rằng người đó sẽ coi bạn như anh em tốt không?

Vì vậy, đối với những người không xử lý tốt mối quan hệ gia đình thì dù có kết bạn với bao nhiêu người đi nữa cũng chỉ là vì lợi ích chứ không phải là bạn bè chân thành.

4. Hành vi bất chính, đọc sách vô ích

Xưa có câu: “Trượng nghĩa mỗi đa đồ cẩu bối, phụ tâm đa thị độc thư nhân”, nghĩa là người trượng nghĩa đa phần đều là người thấp bé trong xã hội, mà kẻ phụ bạc phần nhiều đều là người có học. Người không có đạo đức càng đọc nhiều sách thì càng làm nhiều việc ác, bởi vì người đó sẽ sẽ có nhiều thủ đoạn hơn và năng lực mạnh mẽ hơn.

Nói một cách đơn giản, học là tu thân, làm điều chân chính. Nếu học cả bồ sách Thánh hiền, mà chỉ là để khoe khoang bản thân, hành vi bất chính, có thể nói là đọc sách vô ích.
 

5. Làm việc ngang bướng, thông minh vô ích

Có thể xung quanh chúng ta đều có những người như vậy. Rõ ràng là họ rất thông minh và thường là tâm điểm của mọi người, nhưng họ không có thành tựu gì trong cuộc sống. Một số thậm chí còn đi lạc lối và phải ngồi tù.

Những người như vậy chỉ có trí thông minh nhỏ mà không có trí tuệ lớn. Họ dựa vào cái gọi là thông minh của mình để luôn cư xử khác biệt và không muốn nghe lời khuyên từ người khác. Cổ ngữ có câu: “Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp”, bậc tài trí giả nhìn như ngu dốt, kẻ dũng mãnh nhìn như khiếp nhược. Do vậy bạn phải luôn giữ vững sự khiêm tốn.

6. Lòng dạ cao ngạo, học rộng vô ích

Có kiến thức thì là một lợi thế, nhưng nếu dùng để khoe khoang hay so sánh với người khác thì sẽ trở thành nhược điểm, thậm chí có khi dẫn đến tai họa. Chẳng hạn, cái chết của Dương Tu là một bài học rút ra từ quá khứ.

Đọc sách học rộng để làm gì? Để thông hiểu cổ kim, để tung hoành ngang dọc, biết đóng biết mở, có đầu có đuôi, là để tu thân dưỡng tính mà thôi. Người càng có học thức thâm sâu, càng là người khiêm tốn.

7. Thời vận không còn, cố cầu vô ích

“Cố cầu” là truy cầu bừa bãi, cố gắng truy cầu thời cơ vốn không thuộc về bản thân mình, trái lại, nên tự truy cầu bản thân, vì lúc này dù cho có được cơ hội thì cũng sẽ mất đi rất nhanh.

Rất nhiều người thành công không phải vì họ thực sự có bản lĩnh cao siêu mà vì họ gặp đúng thời cơ hoặc họ có nền tảng tốt. Thời vận cũng là một sức mạnh, khi hết thời vận thì chú ý tăng cường tu dưỡng tâm tính bản thân, nâng cao sức mạnh bản thân, chỉ khi đó bạn mới có thể gặp được thời vận thực sự của bản thân mình.

8. Lấy bừa của người, bố thí vô ích

“Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử coi trọng của cải nhưng không thể tùy tiện nhận của cải khi chưa biết được nguồn gốc và mục đích của nó. Của cải và địa vị là thứ mà mọi người mong muốn có được, nhưng nếu như không hợp với đạo nghĩa, thì người quân tử sẽ không nhận.

Có một số người sau khi trở nên giàu có bằng việc kiếm tiền bất chính, họ muốn giảm bớt tội lỗi cho mình bằng cách quyên góp tiền bạc, làm việc thiện thì công đức đó có thể bù đắp được, nhưng thực ra không phải vậy.

Lấy bừa của người, rồi đi bố thí, nói theo cách mĩ miều là mượn hoa dâng Phật, thì thực ra chỉ là giả thiện. Chi bằng dựa vào sức của đôi bàn tay, cần cù, ra sức lao động, bố thí bởi thiện tâm, như thế mới có thể yên lòng, đạt lý.


9. Không giữ nguyên khí, thuốc men vô ích

Nhiều bệnh nhân là như vậy, lúc bình thường họ không chú ý đến sức khỏe của mình, chỉ đợi đến khi mắc bệnh rồi thì họ mới tìm linh đan diệu dược.

Mạnh Tử nói: “Ta giỏi dưỡng cái khí lớn lao của ta”. Nguyên khí là trạng thái nội tâm tinh thần phong phú, chính khí tràn trề, là cội nguồn hăng hái vươn lên, tích cực tiến thủ của con người.

Khi nguyên khí bị tổn thương nhiều, thì gửi gắm hy vọng vào thuốc thần tiên cứu chữa. Chữa được ngọn chứ không chữa được gốc, chữa được nhất thời chứ không chữa được cả đời.

10. Dâm ác phóng túng, âm đức vô ích

“Âm đức”, ý là tích âm đức, tích việc thiện nhỏ mà trở thành công đức lớn, phòng tránh việc ác nhỏ để tránh tổn hao công đức. Nếu cuộc sống phóng túng xa xỉ, hoang dâm vô độ, tuy làm nhiều việc thiện, tích nhiều âm đức, thì cũng uổng công vô ích.

Muốn độ cho người khác thì trước tiên phải tự độ cho mình, lấy mình làm gương, nghiêm khắc giữ mình theo giới luật, bắt đầu từ gian khổ, chất phác. Vì vậy, người xưa đã nói: “chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm, chớ thấy việc ác nhỏ mà cứ làm”.

 

Team Uống Trà Thôi sưu tầm

1 0 6,205 10
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết