MỘT TỘI HAI LẦN ĐÒN
Ngày ấy, dù chưa được học thứ tự xã hội “Quân – Sư – Phụ” của Khổng Tử, nhưng chúng tôi được giáo dục với nguyên tắc phải kính trọng và nghe lời thầy cô hơn cả cha mẹ mình. Và quả thật như vậy, vì đã có những lần tôi bị phạm lỗi, ăn đòn hay bị bắt quỳ ở trường, khi về đến nhà không hiểu sao có “tình báo nhân dân” đưa tin, thế là tôi bị bắt quỳ và ăn đòn tiếp.
Tôi có may mắn được lớn lên và thụ hưởng nền giáo dục từ cả hai nền Cộng Hòa của miền Nam, từ bậc tiểu học cho đến trung học và một phần của đại học. Những kỷ niệm, những câu chuyện của thời đi học đó, tưởng chừng như chỉ là những chuyện được giữ lại để kể với nhau khi trà dư tửu hậu, giữa những bạn già sống cùng thời. Hoặc nếu may mắn lắm, kể cho các thế hệ mầm non tò mò về những chuyện xưa tích cũ.
Nhưng rồi, những “câu chuyện giáo dục” ngày nay cứ lũ lượt hiện ra, không muốn đọc, không muốn thấy mà cứ bị đập vào mắt. Từ chuyện thầy giáo, cô giáo làm tiền học trò, đến chuyện bố mẹ học trò xách dao lên trường tìm thầy cô xin tí huyết. Từ chuyện giáo sư có tiền thật bằng giả, đến chuyện quan chức giáo dục nói ngọng níu ngọng no. Công bằng mà nói, hiện nay rất nhiều thứ bị lên án là “thời mạt pháp”, không phải chỉ riêng giáo dục. Nhưng giáo dục là sự nghiệp trồng người, là sự nghiệp mà trước đây đã được Viện Đại Học Đà Lạt ghi lên emblem của trường, chữ Thụ Nhân, lấy ý từ bài thơ nổi tiếng của Quản Trọng:
Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc
Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc
Chung niên chi kế, mạc như THỤ NHÂN
(Kế hoạch một năm, không gì bằng trồng ngũ cốc
Kế hoạch mười năm, không gì bằng trồng cây
Kế hoạch trọn đời, không gì bằng TRỒNG NGƯỜI)
Sự nghiệp trồng người mà cũng mạt thì còn trồng được gì nữa??
Viết về nền giáo dục thời trước là cả một đề tài dài hơi và sâu rộng. Ở đây, tôi chỉ muốn ghi lại để chia sẻ một số hồi ức của tôi qua suốt thời đi học. Để thấy rằng, vì sao tôi nghĩ chúng ta đang ở vào thời mạt pháp của giáo dục.
Thời tiểu học, dưới nền Đệ Nhất Cộng Hòa, xã hội còn mang khá nặng quan niệm và tập quán lễ nghĩa của xã hội thời Khổng Giáo. Tôi còn nhớ mỗi sáng, khi cả trường đang đứng xếp hàng trong sân làm lễ chào cờ, phía ngoài đường lộ trước sân trường có ai lỡ đi xe ngang đều phải ngừng lại, xuống xe đợi cho xong buổi chào cờ mới lên xe đi tiếp, không có ngoại lệ. Còn khi đang đi trên đường, nếu gặp xe tang đi ngang cũng phải ngừng lại và ngả mũ chờ cho xe qua khỏi.
Ngày ấy, dù chưa được học thứ tự xã hội “quân – sư – phụ” của Khổng Tử, nhưng chúng tôi được giáo dục với nguyên tắc phải kính trọng và nghe lời thầy cô hơn cả cha mẹ mình. Và quả thật như vậy, vì đã có những lần tôi bị phạm lỗi, ăn đòn hay bị bắt quỳ ở trường, khi về đến nhà không hiểu sao có “tình báo nhân dân” đưa tin, thế là tôi bị bắt quỳ và ăn đòn tiếp. Thậm chí có lần còn bị dắt đến nhà thầy/cô để xin lỗi!! Có thể như vậy là hơi quá so với thời đại tân tiến ngày nay, nhưng rõ ràng nhờ vậy chúng tôi đã nên người, và đã giữ được đạo thầy – trò trong suốt cuộc đời!
Tôi được học nhiều bài học, với nhiều thầy cô, mà mãi đến nay tôi vẫn nhớ như in, những ấn tượng khiến tôi chẳng thể nào quên. Bài thơ sớm nhất mà tôi vẫn còn nhớ, là bài “Vịnh bức dư đồ rách” (sau này mới biết là của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu)
Nọ bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười!
Biết bao lúc mới công vờn vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi?
Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sau con cháu lấy làm chơi
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi
Với hình vẽ sơ sài bản đồ nước Việt Nam rách tơi tả. Chỉ có vậy mà tôi nhớ mãi, như ấn tượng đầu tiên về giải đất hình chữ S của mình, chẳng cần phải kêu gọi tự hào gì cả!!
Những bài học thời tiểu học, mỗi bài đều mang một ý nghĩa về đạo đức, về xã hội, về trách nhiệm của công dân, đi kèm với những câu chuyện được trích ra từ sách sử. Các chủ đề được rải đều trong chương trình cả năm, dạy dỗ chúng tôi biết cách cư xử với cha mẹ, anh chị em trong gia đình, với bạn bè, người quen ngoài xã hội, cho đến cách cư xử với cả loài vật. Sau này, khi được đọc Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, tôi rất thích thú và có ấn tượng mạnh với bài Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư. Tôi cố tìm cho bằng được bộ sách nổi tiếng này, để rồi đã ngỡ ngàng nhận ra nội dung của quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ Đẳng cũng chính là nội dung của sách Quốc Văn lớp Ba (cũng là lớp Ba hiện nay) mà tôi đã được học, chỉ bớt đi vài bài mang tính chính trị thời Pháp thuộc. Cũng những câu chuyện về Cái Lưỡi, về Ông Châu Trí, về Quả Bứa … quen thuộc. Một bộ sách đã được soạn ra gần một trăm năm mà bây giờ mở ra đọc lại vẫn thấy tính nhân bản, tính đạo đức, tính học làm người bao trùm khắp các chương sách. Tôi tự nhủ, nếu bộ sách này vẫn được dạy trong các trường tiểu học hiện nay, dù có được cập nhật thêm chút cho phù hợp với xã hội hiện đại, liệu những chuyện của thời mạt pháp có vẫn xảy ra hay không!
Những thầy cô mà tôi được học, mỗi người đều có một vẻ, một phong cách rất riêng, những phong cách mà tôi khâm phục và nhớ mãi. Như cô giáo dạy Sử (Việt). Tôi vẫn dễ dàng nhớ lại hình ảnh Cô với cặp kính cận dầy cui, đang đi đi lại lại trong lớp, tay cầm một tập giấy chi chít chữ, và giảng cho chúng tôi nghe về một đoạn sử nào đó trong chương trình. Chương trình được ấn định bởi Bộ Giáo Dục, sách giáo khoa dựa theo để soạn nên đã có những nội dung cơ bản cần phải học. Nhưng cô luôn luôn đưa ra bài giảng riêng với những chi tiết không hề có trong các sách giáo khoa này, mà nếu bây giờ thì sẽ được gọi là những “behind the scenes” của chính sử. Vậy nên, trong khi cô giảng bài một cách say sưa như nói về một đề tài mà mình đam mê (nhưng cặp mắt lim dim sau cặp kính cận đó vẫn tóm ngay được cô/chú nào lo làm việc riêng hay nói chuyện với nhau), chúng tôi phải chép liên tục, ngoáy mù trời đến mức phải dùng đủ cách viết tắt cho kịp tốc độ giảng của cô. Tôi nghĩ, chắc cô cũng đã truyền được lửa đam mê môn Sử đó cho một vài học trò của cô. Chỉ tiếc là tôi còn có nhiều đam mê khác nữa nên không làm truyền nhân của cô được!
Năm lớp Chín (tức đệ Tứ), chúng tôi được học về Thế giới Sử, trong đó phần hấp dẫn nhất là hai cuộc chiến tranh Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến. Sử thế giới thường là một môn học khô khan, khó nuốt vì những sự kiện xảy ra xa xôi từ những đất nước xa lạ, con người xa lạ. Thế mà những giờ học lịch sử thế giới của chúng tôi lại trở thành những giờ học hấp dẫn, lôi cuốn nhất nhờ người Thầy tận tâm và đầy đam mê. Thầy có một bộ sưu tập rất đầy đủ tạp chí Paris Match về những sự kiện trên thế giới, và mỗi giờ học ông lại mang vào cuốn tạp chí có chủ đề về sự kiện xảy ra trong bài học hôm đó. Nhờ Thầy, chúng tôi đã mê say theo dõi từng bước diễn biến của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, bắt đầu từ vụ ám sát hoàng thân Franz Ferdinand ở Serajevo với những câu chuyện hậu trường đi kèm.
Nhưng lôi cuốn nhất vẫn là những câu chuyện về thế chiến thứ hai, vì cuộc chiến này dù sao cũng còn mới và gần gũi với Việt Nam. Thầy có rất nhiều tư liệu bằng hình ảnh chân thực từ các cuốn Paris Match được mang vào lớp. Nhờ những câu chuyện Thầy kể một cách say sưa và có minh họa bằng Paris Match, chúng tôi đã có những cái nhìn cụ thể về sự vươn lên nắm quyền lực và hình thành Đệ Tam Đế Chế (The Third Reich) của Hitler, về nhân vật Bộ Trưởng Tuyên Truyền Goebbels với những đòn tuyên truyền và phản tuyên truyền xuất sắc .. Về ngày D và giờ H (“ngày dài nhất” – The Longest Day) của chiến dịch đổ bộ tại Normandy, cho đến ngày tàn lụi của giấc mơ chủng tộc Aryan thượng đẳng. Và những khám phá về kế hoạch diệt chủng người Do Thái sau khi quân Đồng Minh tiến vào những vùng đất chết … Sự kiện, số liệu … chúng tôi có thể đọc được từ sách vở, báo chí, nhưng niềm đam mê của Thầy khi giảng dạy mà như kể chuyện đã khiến chúng tôi say sưa cuốn theo dòng lịch sử. Tôi chắc rằng đã có nhiều bạn được truyền cảm hứng từ Thầy để chọn ngành sư phạm sau này.
Năm lớp 10, Thầy dạy môn Địa Lý của lớp tôi là một người nhỏ bé, với cặp mắt to, nâu và những lời giảng bài thật dịu dàng, mềm mại. Nhưng khi đến bài nói về vùng duyên hải Nam Trung Phần, Thầy chợt như biến thành một con người khác khi mô tả nét đẹp của những cồn cát vùng Mũi Né, Phan Thiết, với sự hoang sơ và hùng vĩ lúc bình minh và kỳ bí khi hoàng hôn. Sự đam mê lộ rõ trên nét mặt Thầy, với niềm hạnh phúc khi truyền đạt những vẻ đẹp của đất nước cho hậu sinh chúng tôi, khiến tôi nhớ mãi và khắc ghi trong lòng, một ngày nào đó phải đến thăm cho bằng được những dang thắng này. Một hôm trên đường đi học, khi nhìn ra từ trên xe Lam, tôi chợt để ý một người với vóc dáng nhỏ thó quen thuộc, đang đội chiếc nón lá và đi bộ chậm rãi dưới cái nắng chang chang của mùa hè. Thật ngạc nhiên, khi tôi nhận ra đó chính là Thầy, và con đường mà Thầy đang đi bộ đến trường dài khoảng ba cây số! Thầy đi một cách chậm rãi và điềm đạm như đang đi dạo mát, y như cách Thầy giảng bài trong lớp. Hay như nhà hiền triết Diogenes đang soi đèn đi tìm người giữa ban ngày!
Những thầy cô dạy Việt Văn cũng đã truyền lại cho chúng tôi niềm say mê hiểu biết về nền văn học thời cận đại, thông qua những giai thoại về các nhân vật văn học của Việt Nam. Thầy dạy Việt Văn năm lớp 11 rất dí dỏm khi kể các giai thoại về Cao Bá Quát và Nguyễn Công Trứ, với những bài thơ và câu đối không tìm thấy trong sách giáo khoa, như câu chuyện đối đáp với sư thầy kiêu ngạo của làng Uy Viễn
Sư thầy treo câu đối trước cổng chùa, thách thức kẻ sĩ đối lại : “Thuộc ba mươi sáu quyển kinh, chẳng phật thánh thần tiên cũng khác tục!”
Nguyễn Công Trứ, lúc đó còn là nho sinh, bèn mỉm cười mà nguệch ngoạc đối lại “Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người!”
Hay cặp câu đối của Cao Bá Quát lúc bị đi đày làm giáo thụ ở Quốc Oai:
Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi
Cô giáo Việt Văn, trong khi chúng tôi đang thích thú nghe câu chuyện giai thoại về câu đối trên, bỗng làm chúng tôi cụt hứng khi phân tích sự vô lý (khiên cưỡng) của câu đối. “Nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi” vậy cộng lại ra một rưỡi à?? Rồi câu thơ của Nguyễn Khuyến
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Cũng bị Cô vạch ra: Đã là lá vàng trước gió khẽ đưa …. thì phải rất nhẹ nhàng, không thể đưa đánh vèo một cái như mũi tên bay được! Cô hay có những nhận xét tréo ngoe như vậy, khiến chúng tôi hiểu được là không có gì hoàn hảo, và mọi sự việc đều nên nhìn từ những khía cạnh khác nhau, giống như có một chủ đề mà Cô đã đưa ra cho chúng tôi biện luận: Chứng minh những thái cực thường gặp nhau.
Đi vòng qua Cao Bá Quát một chút, giờ phải quay lại với Uy Viễn Tướng Quân, vì tôi được học về ông những hai lần trong chương trình Việt Văn, lần đầu năm lớp 9 và lần sau năm lớp 11. Năm lớp 9, tôi được học Hàn nho phong vị phú:
Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no,
Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.
Và nhớ mãi, nhờ cách giảng bài theo kiểu hài lạnh (kể chuyện hài hước mà mặt vẫn phớt tỉnh Ăng-Lê) của Thầy Việt Văn với những mẩu giai thoại đi kèm. Nhưng giai thoại về Nguyễn Công Trứ được nghe kể nhiều nhất là năm lớp 11. Đó cũng là năm của Mùa Hè Đỏ Lửa, năm mà tôi phải chia tay nhiều bạn bè lên đường ra trận trong lúc đầu còn xanh, tuổi còn trẻ. Một mặt nghe và học những bài về Chí làm trai, về chữ Nhàn, mặt kia nghe bom đạn nổ từng đêm, nghe tin chết trận hàng ngày! Thế nhưng, với tài dí dỏm khi kể về những giai thoại ngoài lề, Thầy Việt Văn (thầy khác, nhưng vẫn với phong cách hài lạnh) đã khiến tôi nhớ mãi và thậm chí mơ tưởng đến mẫu hình người trai của Nguyễn Công Trứ
Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Để đến khi công đã thành, danh đã toại thì còn gì bằng được hát câu:
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo
Và hưởng Nhàn khi đã hiểu câu:
Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn
Cũng năm lớp 11, tôi được học Thầy Đinh văn Lô, ông thầy mà tôi đã được biết tiếng qua Trường Cũ của Duyên Anh, với đặc điểm “Thầy Lô có cái tật tức giận là nói lớn. Mà nói lớn là nước bọt văng tùm lum. Bọn ngồi bàn đầu phải lấy sách che mặt. Rồi tan học, bảo nhau lột giấy bao sách, vở”. Xin xác nhận điều này, mặc dù Duyên Anh có hơi quá lố một chút, vì tôi ngồi ngay bàn đầu nhưng chưa khi nào phải lấy sách che mặt rồi lột giấy bao. Nhưng có một điều khác mà Duyên Anh chưa biết về Thầy Lô. Năm đó Thầy là giáo sư chủ nhiệm lớp tôi. Chúng tôi có một chuyện nhỏ bị vướng tới chính quyền địa phương, và Thầy đã đứng ra bảo kê cho chúng tôi, vừa lo lắng vừa cằn nhằn như một người cha lo cho mấy đứa con quậy phá. Chúng tôi nợ mãi ơn Thầy, chẳng bao giờ trả được!!
Ngày trước, khi lên đến Đệ Nhị Cấp (lớp 10 đến lớp 12), chúng tôi đã được xem là người lớn, được Thầy Cô gọi là các anh chị, để khi bước vào bậc Đại Học, chúng tôi đã là những người trưởng thành và hiểu được trách nhiệm, bổn phận của mình đối với gia đình, với xã hội, với đất nước. Vì trước đó chúng tôi đã được trang bị đầy đủ cho hành trang vào đời của mình, những kiến thức cơ bản, kể cả những hình thức chính trị như chế độ Cộng Hòa Đại Nghị, chế độ Quân Chủ Lập Hiến, Tam Đầu Chế … ý nghĩa của Tam Quyền Phân Lập … và những hình thức Kinh Tế Tự Do, Kinh Tế Hoạch Định, những hình thái Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn, Công Ty Nặc Danh (Cổ Phần) …
Chuyện về thời đi học còn nhiều lắm, dài lắm. Nhưng chỉ với bấy nhiêu chuyện đó thôi, đã đủ để chúng tôi nhớ đến cả đời, để không bao giờ quên được những gì đã được dạy dỗ, được truyền đạt từ các Thầy Cô, với đường lối giáo dục lấy Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng làm nền tảng. Trưởng thành trong một nền giáo dục như vậy, có thể hiểu được vì sao chúng tôi xót xa, chán chường với những gì đang diễn ra của thời mạt pháp!!
Tôi chợt nhớ, có một đêm trăng tròn, chợt tỉnh giấc giữa đêm khuya, nhìn ra ngoài cửa và hiểu ra mình thức giấc vì ánh trăng vòi vọi trên cao đã chiếu vào phòng. Mùi hoa nguyệt quế thoang thoảng trong không gian, câu thơ ngày xưa bỗng hiện lên
Thị tại môn tiền Náo
Nguyệt lai môn hạ Nhàn
Một cảm giác khó tả dâng tràn trong tôi. Đã nhàn rồi đấy sao?
Nguyễn Văn Đạo
Viết để tưởng nhớ và ghi ơn các Thầy Cô: Cô Võ thị Hường – (Giáo sư Sử ), thầy Phạm Hoài Đức (Việt Văn), thầy Bùi Đức Chu (Sử – Pháp Văn), thầy … Chuyết (Địa Lý), thầy Đinh văn Lô (Toán), thầy Nguyễn Quang Xỹ (Việt Văn), cô Nguyễn thị Bất Tri (Việt Văn), cô Lê thị Túy Đại (Việt Văn), thầy Lê Hoàng Long (Âm Nhạc),…