Tích môn và bản môn
Tích môn và bản môn
''Ngày thường ta nhìn vào thực tại qua bình diện tương đối hay tích môn, nhưng ta cũng có thể nhìn các thực tại đó qua bình diện tuyệt đối hay bản môn. Thực tại có thể biểu hiện ra ở cả hai bình diện tương đối và tuyệt đối. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta đều có những điều cần làm trong bình diện tương đối, nhưng mỗi chúng ta cũng có những quan tâm trong bình diện tuyệt đối.
Khi chúng ta tìm Thượng đế hay Niết bàn ở tình trạng an bình sâu xa nhất, là chúng ta đi tìm tuyệt đối. Chúng ta không chỉ quan tâm tới những chuyện bình thường trong đời sống như danh vọng, lợi nhuận, địa vị xã hội, các dự án mà chúng ta cũng quan tâm tới bản chất chân thật trong ta. Thiền quán sâu xa là bắt đầu thực hiện sự quan tâm tới bình diện tuyệt đối của mình.
Khi bạn nhìn trên mặt biển, bạn thấy các đợt sóng lên xuống nhấp nhô. Bạn có thể mô tả sóng này cao, sóng kia thấp, sóng lớn hay nhỏ, sóng mạnh hay yếu và sóng đẹp hay không đẹp. Bạn có thể mô tả sóng lúc bắt đầu, lúc chấm dứt, sóng được sinh ra và sóng bị hoại diệt. Giống như trong tích môn hay trong bình diện tương đối, chúng ta quan tâm tới sinh-diệt, mạnh-yếu, đẹp-xấu, bắt đầu và chấm dứt… của mọi sự vật.
Nhìn sâu, chúng ta thấy sóng đồng thời cũng là nước. Một lọn sóng hình như muốn đi tìm bản thể của nó. Nó có thể đau khổ vì rối ren. Ngọn sóng có thể nói: “tôi không lớn bằng các ngọn sóng kia,” “tôi bị đàn áp,” “tôi không đẹp bằng các sóng khác,” ”tôi sinh ra đời và tôi sẽ chết đi.” Ngọn sóng có thể đau khổ vì các ý nghĩ đó. Nhưng nếu sóng uốn mình xuống để tiếp xúc với bản chất của nó thì nó sẽ thấy nó cũng là nước. Sự sợ hãi và rối ren của sóng sẽ biến mất.
Nước không bị ràng buộc bởi sự sinh diệt của sóng. Nước được tự do không sợ cao hay thấp, đẹp hay xấu. Khi nói về các tiếng cao-thấp, đẹp-xấu, đó chỉ là những từ ngữ nói về sóng. Đối với nước, những từ ngữ đó vô giá trị.
Bản chất thật sự của chúng ta có tính cách vô sinh bất diệt. Chúng ta không cần phải đi đâu mới tiếp xúc được bản chất chân thực của mình. Sóng không cần đi tìm nước vì chính nó là nước. Chúng ta không cần đi tìm Thượng đế hay Niết bàn, hay bản chất tuyệt đối, vì chúng ta là Niết bàn, là Thượng đế.''
=========
Thơ rằng:
Tích Môn
Năm xưa khi Phật nhập Niết Bàn
Thiên nhiên trở lại cõi trần gian:
Một thanh kiếm sắc vung trước trán
Tâm thức, thân thể hoá đôi đàng.
Phật tánh vốn không sanh không diệt
Nhưng để đạt được, khó vô vàn –
Như muôn loài hoa tàn rồi nở
Mỗi khi trần thế đón xuân sang.
Relativity
Buddha died just when nature was coming back to life:
One sword cleaves cleanly soul and body.
It is hard to obtain Buddhahood that is not born and does not die,
Flowers appear and disappear seamlessly in spring.
_____________
* Tích môn, bản môn: Trích trong sách: “Không sinh không diệt đừng sợ hãi” của Sư Ông Làng Mai.
* Pháp Hoan dịch từ bản dịch tiếng Anh của John Stevens trong Wild Ways: Zen Poems of Ikkyū. Boston, Mass.: Shambhala, 1995. Nguyên tác thơ của thiền sư Ikkyu Sojun (一休宗純, Nhất Hưu Tông Thuần).
* Đọc những tác phẩm khác của ông tại đây: https://phaphoan.ca/category/waka-haiku-kanshi/ikkyu-sojun-一休宗純-nhat-huu-tong-thuan/
* Đóng góp: https://phaphoan.ca/contact/