TRUYỆN NGỤ NGÔN AESOP: ẾCH ĐÒI CÓ VUA

Lũ Ếch đã chán ngán với việc tự trị. Chúng có quá nhiều tự do nên đâm ra hư hỏng. Chúng chẳng làm gì khác ngoài việc ngồi vòng quanh và kêu lên ồm ộp một cách buồn chán. Chúng mong ước có một vị vua để có thể giúp chúng giải khuây bằng sự phô trương và các nghi thức hoàng gia, đồng thời cai quản chúng theo kiểu khiến chúng biết rằng mình đang bị cai trị.

 

Lũ Ếch tuyên bố, chúng không cần một chính phủ mềm yếu thế này nữa. Vì vậy, chúng gửi lời thỉnh cầu đến Thần Jupiter xin Ngài ban cho một vị vua.

Thần Jupiter thấy lũ Ếch là những sinh vật đơn giản và ngu ngốc, nhưng để giữ cho chúng yên lặng và khiến chúng tưởng rằng mình có một vị vua, nên Ngài đã ném xuống một khúc gỗ lớn, rơi tùm xuống ao làm nước bắn tung tóe.

Lũ Ếch trốn hết vào đám lau sậy và bụi cỏ, tưởng rằng vị vua mới là một gã khổng lồ đáng sợ nào đó. Nhưng chúng sớm phát hiện ra Vua Khúc Gỗ nhạt nhẽo và hiền hòa như thế nào. Chẳng mấy chốc, lũ Ếch con đã dùng khúc gỗ làm bệ nhảy, còn lũ Ếch già thì biến khúc gỗ thành nơi tụ họp, ở đó chúng lớn tiếng than phiền với Thần Jupiter về chính phủ của chúng.

Để dạy cho lũ Ếch một bài học, Thần Jupiter — Vua của các vị Thần — liền phái một chú Sếu đến làm vua Xứ Ếch.


Sếu hóa ra là một kiểu Vua rất khác so với Vua Khúc Gỗ già nua. Hắn lập tức nuốt chửng những chú Ếch tội nghiệp từ mọi phía, và chẳng mấy chốc lũ Ếch nhận ra rằng mình đã ngu ngốc đến thế nào. Chúng kêu rên thảm thiết, van xin Thần Jupiter loại bỏ tên bạo chúa độc ác này trước khi họ nhà Ếch bị tuyệt diệt.

 

Tranh minh họa “The Frogs Who Wished for a King” (Ếch Đòi Có Vua) của họa sỹ Milo Winter, từ tác phẩm “The Aesop for Children” (Truyện Ngụ Ngôn Aesop Dành Cho Trẻ Em), năm 1919. 


“Thế nào!” Thần Jupiter hét lớn “Các ngươi vẫn chưa hài lòng sao? Các ngươi đã có thứ mình muốn, vậy thì các ngươi chỉ có thể tự chịu trách nhiệm cho những bất hạnh của mình.”

Kiên nhẫn giải quyết vấn đề hiện tại trước khi tìm cách khác, vì cách khác chưa chắc đã mang lại hiệu quả tốt hơn.

 

*****
Aesop (khoảng năm 620–564 trước Công Nguyên) là người kể chuyện Hy Lạp được biết đến với rất nhiều những câu truyện ngụ ngôn, hiện nay được gọi chung là “Aesop’s Fables” (Truyện ngụ ngôn của Aesop). Những câu chuyện của ông, cùng với giá trị đạo đức, đã có ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn hoá và văn minh của chúng ta, góp phần giáo dục và vun bồi nhân cách cho trẻ em, và cùng với sức hấp dẫn phổ quát, những câu chuyện này còn giúp người lớn nhìn nhận lại mình, lựa chọn giữ lấy đức hạnh, lưu tâm với những cảnh báo ẩn ý.
 

Hữu Minh biên dịch

Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết