CẢNH GIỚI CAO CỦA CUỘC SỐNG: BIẾT ĐỦ, BIẾT ĐIỂM DỪNG, BIẾT LẼ PHẢI

Làm người, có ba cảnh giới tưởng đơn giản nhưng lại khó đạt được, đó chính là: Điết đủ, biết điểm dừng và biết lẽ phải. Biết đủ để thấy đời hạnh phúc, biết điểm dừng để tiến xa hơn, biết lẽ phải để đi trên con đường chính Đạo, cuối cùng đạt được sự khoái đạt, ung dung và thoải mái.


Biết hài lòng

Có câu nói: “Chim hồng tước làm tổ trong rừng sâu, chuột uống nước sông mà no bụng.”, có nghĩa rằng, chim hồng tước chỉ cần sự tự do, có cành cây để làm nơi ở trong rừng, con chuột chỉ cần uống nước sông, cốt là có thể đỡ khát, no căng cái bụng, thế là đầy đủ, mãn nguyện.

Đối với con người thì không phải vậy, con người thường chạy đua với nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”. Thế nhưng, dù có nhiều tiền đến mấy cũng không ăn quá 3 bữa chính trong một ngày.

Đời người vốn dĩ không hề đau khổ, đắng cay, bất quá chỉ vì con người truy cầu quá nhiều, lòng người vốn dĩ không mỏi mệt, mệt là bởi vì luôn cảm thấy không đủ. Con người khi đến với thế gian là hai bàn tay trắng, không đem theo thứ gì, khi từ giã cõi tạm cũng trống rỗng, hư không. Duy chỉ có hài lòng, biết đủ với cuộc sống hiện tại, mới cảm nhận được hạnh phúc đích thực.

Vào thời Minh có một người tên là Lão Trương, xuất thân từ một gia đình nghèo khó, ông dạy con trai nỗ lực học tập và làm việc chăm chỉ, với ông, hàng ngày có cơm ăn, áo mặc, như vậy là đủ. Mỗi ngày, Lão Trương thường thắp hương cầu nguyện, tạ ơn ông Trời đã ban cho mình một ngày bình an. Vợ ông cảm thấy khó hiểu, bèn cười nhạo ông: “Ngày ba bữa với cháo, với rau, phúc đức cái nỗi gì cơ chứ?”.

Lão Trương từ tốn trả lời: “Điều may mắn thứ nhất, chúng ta đang sống trong thời hòa bình, thịnh vượng. Điều may mắn thứ hai, người già, trẻ trong nhà đều có cơm ăn áo mặc, không bị đói và lạnh. Điều may mắn thứ ba là, trong nhà không có ai nằm trên giường bệnh,…, đây lẽ nào không phải hạnh phúc sao?”

Làm người nên noi gương Lão Trương, không lưu luyến quá khứ, không nhún nhường trước hiện tại, không lo lắng về tương lai, luôn thản nhiên và hạnh phúc với những gì bản thân đang có.

Khổng Tử có 3000 đệ tử, nhưng ông hài lòng nhất về đệ tử Nhan Hồi, không chỉ có tấm lòng ham học, dù cho hoàn cảnh sống không mấy thuận lợi nhưng vẫn luôn lấy niềm yêu thích học hành, lấy đủ làm niềm vui.

Một người giàu có, nếu không biết đủ và hài lòng, sẽ sống mãi trong lo lắng, u sầu, cuộc sống sẽ không có niềm vui và sự như ý.


Biết điểm dừng

Trong “Kinh Dịch” có nói: “Khi nào dừng thì dừng, khi nào hành thì hành”, nghĩa là biết lựa sức mình, dừng lại đúng lúc và đúng thời điểm, như vậy tiền đồ mới có thể tươi sáng. Nếu không biết điểm dừng, thì cuối cùng cũng tự rước họa vào thân.

Có một vị thiền sư tu hành trên núi, nổi tiếng xa gần, rất nhiều người xuống núi tìm ông để cầu Đạo.

Ngày nọ, có một cậu thanh niên ghé thăm, đúng lúc thấy vị thiền sư đang gánh nước lên núi. Cậu quan sát lượng nước trong hai thùng gỗ của Thiền sư không đầy, chỉ có một nửa, liền thấy rất tò mò, cậu liền hỏi vị Thiền sư: “Tại sao Ngài không đổ thêm nước?”

Vị thiền sư mỉm cười, và nói với cậu thanh niên: “Con xem, ta đã đổ vừa lượng nước vào hai cái xô. Nếu như ta đổ đầy sẽ rất khó di chuyển, trên đường đi nước sẽ dễ bị tràn ra. Nếu thêm lượng nước là ngoài khả năng cũng như nhu cầu của ta”.

Cậu thanh niên suy ngẫm hồi lâu rồi hiểu ra: Một người có thể làm bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, tất cả đều tùy sức mà lành, nếu quá phạm vi năng lực của bản thân, thì cuối cùng sẽ tự chuốc lấy thất bại mà thôi. Làm người, không chỉ cần biết bản thân mình thực sự cần gì, mấu chốt là cần biết khả năng của bạn thân ở đâu.

Khi về già, cần hiểu rằng sức khỏe đã không thể như trước, đừng cố tỏ ra cứng cỏi trước mặt mọi người, mệt rồi thì hãy cho phép bản thân được nghỉ ngơi, khi dục vọng nhiều quá, hãy hiểu rằng thực lực của bản thân không đủ, lúc đó, hãy nên tự hạ thấp đi tiêu chuẩn và kì vọng của bản thân, thay vì là cứ chấp nhất vào con đường và mục tiêu “quá sức” đối với chính mình.

Biết điểm dừng không phải là hèn nhát hay yếu nhược, đôi khi cũng là một sự dũng cảm. Chính là “khi cần làm thì hãy làm, khi cần dừng thì hãy dừng”, cần lựa sức mình.

Trên thế gian này, danh lợi là vô biên, phiền phức cũng đầy rẫy, khó nạn liên miên, chỉ có cách “biết người, lượng sức mình”, biết cách dừng lại đúng thời điểm, như vậy mới có thể tìm được chốn bình yên trong tâm hồn.

 

Biết lẽ phải

Cái được gọi là biết điều, biết lẽ phải, chính là không nói về thành tựu trước mặt người kém, không tỏ ra bản thân giàu có trước người có hoàn cảnh khó khăn, không bàn về việc bản thân có sức khỏe tốt trước người có thân thể yếu ớt. Làm người, cần học cách khiêm tốn. Trên thực tế, luôn có những người luôn cho mình là đúng, cao minh và xuất sắc hơn người, kiểu người này luôn tỏ ra mình có bản sự và xuất chúng, nhưng kì thực là không biết lẽ phải.

Có một câu nói rất hay: “Trời không tự khoe mình cao, đất không tự khoe mình dày”.

Những người không suy xét đến cảm nhận của người khác, luôn chủ động khoa trương bản thân, kì thực là biểu hiện của người có EQ thấp.

Người biết điều và lẽ phải, họ biết lựa chọn và nói những lời nên nói, làm những điều nên làm, hiểu được cảm nhận của đối phương, bởi vậy, mọi người thường vui vẻ khi được kết giao với họ. Cuộc sống là quá trình tích lũy dần dần và liên tục, vì vậy chúng ta cần phải liên tục “phủi bụi” trong tâm hồn.

Làm người biết đủ và hài lòng, sẽ cảm nhận được sự thản nhiên, bình an trong tâm hồn, tích về cho mình thật nhiều phúc báo vì tấm lòng luôn khoáng đạt, rộng mở.

Làm người biết tiến lên và dừng lại đúng lúc sẽ tránh được nhiều tai họa, biết lựa sức mình để làm nên những điều lớn lao.

Làm người biết lẽ phải trên đời, không tự khoe khoang, không tự phô trương, luôn vui sống hòa thuận, sẽ có một cuộc sống tốt đẹp, thuận lợi.

 

Lan Hòa biên tập

Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết