Ấm trà – Chứa đựng tinh hoa nghệ thuật trà

Với những người sành về trà, ngoài nguyên liệu chất lượng và cách ủ phù hợp, ấm trà cũng là một yếu tố quan trọng để có thể thưởng thức trọn vẹn sự tinh túy của thứ thức uống thanh tao. Không chỉ góp phần quyết định hương vị của trà mà mỗi chiếc ấm còn chứa đựng bản sắc văn hóa trà đạo của từng quốc gia.

Tại một số quốc gia, trà đạo là một loại hình nghệ thuật có lịch sử lâu đời và vẫn tiếp tục phát triển và lan rộng. Đều là hoạt động thưởng trà, nhưng mỗi nước lại có những cách thưởng thức và bộ dụng cụ pha trà khác nhau, đặc biệt là ấm trà. Từ vật liệu, quy trình chế tác cho đến màu sắc, họa tiết trang trí, mỗi loại ấm đại diện cho một nền văn hóa thưởng trà bản địa rất riêng.

- Ấm trà Trung Quốc – Tinh hoa của trà

Là quốc gia đầu tiên phát hiện ra trà, Trung Quốc có một nền văn hóa thưởng trà đáng ngưỡng mộ với lịch sử phát triển hơn 4000 năm. Đến nay, chất lượng của ấm trà Trung Hoa vẫn còn được xem là tiêu chuẩn, trong đó, nổi tiếng nhất là ấm tử sa (zisha).

Ấm tử sa làm từ đất sét đá tại vùng Nghi Hưng, được nung ở nhiệt độ cao hơn 1000 độ C để tạo ra kết cấu mỏng nhẹ cho phần thành và đế ấm, tối đa không gian giãn nở cho lá trà. Nhờ đặc trưng của đất vật liệu mà ấm tử sa có hàng nghìn lỗ khí siêu nhỏ, có thể tự hấp thụ hương thơm của trà. Dùng càng lâu, ấm không chỉ lên màu sáng đẹp mà còn lưu mùi trà, chỉ cần đổ nước sôi vào cũng thoang thoảng hương thơm. Vì đặc điểm này mà mỗi ấm tử sa chỉ được dùng để pha một loại trà nhất định để tránh làm mất đi hương vị đặc trưng do lẫn mùi trà khác.

Ấm tử sa mang một vẻ đẹp tao nhã và tĩnh lặng. Sự tinh tế và thanh lịch toát lên từ kiểu dáng đơn giản và họa tiết trang trí chứa đựng tinh hoa văn hóa quốc gia. Đặc biệt, màu sắc trầm của đất sét cũng mang đến tính thẩm mỹ cao cho sản phẩm.

- Ấm trà Nhật Bản – Lưu giữ khoảnh khắc chỉ xảy ra một lần

Sau Trung Quốc, Nhật Bản là quốc gia thứ hai đã làm chủ nghệ thuật thưởng trà qua nhiều thế kỷ. Mỗi chiếc ấm gắn liền với triết lý Wabi-sabi và 4 giá trị cốt lõi của trà đạo Nhật Bản: kin – sự tôn kính, kei – tôn trọng đồ ăn thức uống, sei – sự tinh khiết trong cơ thể, tinh thần và ji – sự bình tĩnh, tịnh tâm, không ham muốn.

Người Nhật vô cùng tự hào về hương vị thơm ngon trứ danh của trà xanh (matcha) nên ấm pha cũng được chế tác đặc biệt để thưởng thức loại trà này. Ấm được làm từ đất sét nung có thành phần hóa học tương tác với tannin, tạo ra hương vị êm dịu cho trà mà không bị đắng. Các loại ấm nổi tiếng có thể kể đến là ấm trà Banko, Arita Yaki, Onko, Mumyoi Yaki và Tokoname Yaki.

Kiểu dáng (kyusu) của ấm trà Nhật Bản khá đồng nhất, dùng thiết kế tay cầm để phân thành 4 loại: Yokode, Uwade, Ushirode và Houhin. Vị trí của tay cầm không chỉ tạo nên sự đặc trưng cho mỗi phong cách mà còn mang đến cảm giác khác nhau khi rót và thưởng trà.

- Ấm trà Anh Quốc – Tôn vinh nghệ thuật trang trí

Biết đến trà từ đầu thế kỷ 17 do các thương nhân Hà Lan đem trà vào Châu Âu, Anh Quốc đã bắt đầu ưa chuộng thức uống này và trở thành quốc gia tiêu thụ trà nhiều thứ hai thế giới. Trà chiều đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc trưng của Anh và ngày nay được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Trên bàn tiệc trà chiều, ấm sứ trắng với những đường nét cầu kì nhiều màu sắc, mang đậm phong cách cổ điển. Những hoa văn này được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, sự tỉ mỉ trong từng công đoạn trang trí đã thổi vào mỗi chiếc ấm những giá trị văn hóa rất riêng.

Mỗi chiếc ấm còn chứa đựng kỹ thuật chế tác thủ công sứ xương vô cùng tinh xảo. Để tạo ra ấm trà có kết cấu mỏng nhẹ nhưng vẫn cứng cáp, tráng men là công đoạn khó xử lý nhất. Men phải được tráng đều, không chảy và không được phép vón cục, đảm bảo thành phẩm có được độ sáng bóng chuẩn nhất và không phai mờ trong quá trình sử dụng.

Uống Trà Thôi
Theo elledecoration
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết