Nhận diện đồ gốm “phỏng theo” gốm cổ Quảng Đức

Thời gian gần đây, một số bạn đam mê gốm có lăn tăn, chia sẻ về một số hiện vật được gọi là “gốm Quảng Đức”, những hiện vật “độc, lạ, có một không hai” nhưng xuất hiện ngày càng nhiều và giá bán cũng ngất ngưởng. Trong khi gốm cổ Quảng Đức có tráng men số lượng còn lại không nhiều và loại hình cũng khá đơn điệu. Gốm gì vậy? Bởi suy cho cùng, gốm cổ Quảng Đức cũng chỉ là một dòng gốm địa phương, thương hiệu của nó không thể so sánh với gốm cổ Gò Sành, gốm cổ Chu Đậu hay gốm cổ Bát Tràng… Phàm điều gì bất thường luôn khiến chúng ta phải giật mình, cần nhận diện để phân biệt kỹ càng, nhất là đối với một trong những di sản văn hóa tiêu biểu của Phú Yên như gốm cổ Quảng Đức…

 

Dòng gốm khiêm nhường nhưng bí ẩn

 

Qua khảo sát di chỉ lò gốm cổ Quảng Đức tại xã An Thạch (huyện Tuy An), qua sưu tầm gốm cổ Quảng Đức và gặp gỡ ba nghệ nhân cuối cùng biết làm gốm cổ Quảng Đức tráng men; qua trao đổi với các nhà nghiên cứu gốm sứ, khảo cổ học trong và ngoài nước như cố GS Trần Quốc Vượng, TS Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học), TS Trần Đức Anh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế), GS Thomas Ulbrich, Kenry Nguyễn, Phillip Trương (các chuyên gia về gốm sứ tại Hàn Quốc, Pháp)… chúng tôi đều thống nhất với nhau rằng: Gốm Quảng Đức là một dòng gốm cổ với nét tạo hình mộc mạc, phủ men tro là chủ đạo, thường có dấu vỏ sò hằn lên cốt gốm, xuất hiện rải rác ở thị trường cổ vật, trong một số bộ sưu tập tư nhân, nhưng tên gọi của dòng gốm này ít người biết đến. Ở phố cổ vật Lê Công Kiều (TP Hồ Chí Minh) trước đây, giới buôn bán và sưu tầm thường định danh là gốm khu vực miền Trung (thời điểm 1992).

 

Đối với thị trường quốc tế, trên trang web www.asia.si.edu, ở địa chỉ http://www.asia.si.edu/collections/zoomObject.cfm?ObjectId=46374 có giới thiệu một hũ gốm hình trụ, được chú thích niên đại thời Nguyễn, cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, cốt sành phủ men tro chảy với nơi xuất xứ là miền Trung Việt Nam. Một hiện vật khác là chiếc nậm rượu ở địa chỉ http://www.asia.si.edu/collections/singleObject.cfm?ObjectId=46436 được chú thích niên đại khoảng đời hậu Lê - Nguyễn, thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX. Nơi xuất xứ hiện vật này được ghi rõ là ở Tuy Hòa, miền Trung Việt Nam. Riêng tên gọi gốm Quảng Đức không thấy các ghi chú nói đến. Điều đó chứng tỏ, gốm cổ Quảng Đức với người sưu tầm trong và ngoài nước vẫn còn là một dòng gốm lạ (thời điểm 1992).

 

Trong số ba nghệ nhân cuối cùng biết làm gốm cổ Quảng Đức tráng men, cụ Nguyễn Ky mất ở tuổi 81, hai cụ còn lại là Nguyễn Dần và Nguyễn Thịnh bấy giờ đều ở tuổi ngoài 70. Theo các cụ, làng gốm Quảng Đức đã có lịch sử trên 300 năm. Khai sinh dòng gốm này là dòng họ Nguyễn ở Bình Định mang nghề vào.

 

Trong báo cáo ngày 3/6/2007, Louise Allison Cort, giám định viên của Viện Smithsonian (Washington D.C., Mỹ ), ghi chép như sau: “… Theo tôi, bình vôi Quảng Đức có cái mang nhiều phong cách trang trí Trung Hoa là do ảnh hưởng của ba thế hệ thợ gốm từ Chaozhou [Triều Châu], Quảng Đông đến đây khoảng thế kỷ XVII, XVIII…”.

 

Như vậy, gốm Quảng Đức vừa tiếp nối dòng gốm Gò Sành (Bình Định) nổi tiếng từ thế kỷ XII-XIII đến thế kỷ XIV-XV dưới vương triều Vijaya của Champa, vừa do thợ gốm từ Triều Châu, Quảng Đông và người Việt cùng làm.

 

Về nguyên liệu làm gốm, theo cụ Nguyễn Thịnh, gốm Quảng Đức được làm bằng đất sét ở An Định. Đất sét xanh dùng chế tác đồ thông dụng, đất sét vàng dùng làm đồ cao cấp hơn. Đất sét xanh trộn với đất sét vàng làm đồ có kích cỡ lớn như chóe, chậu, hũ… Chưa có một căn cứ hay hiện vật gốm cổ Quảng Đức nào có cốt đất trắng.

 

Về củi đốt lò, chủ yếu là củi mằng lăng trong vùng và chở từ Kỳ Lộ (huyện Đồng Xuân) xuống bằng đường sông Cái. Ông Nguyễn Vĩnh Hảo, Giám đốc Bảo tàng gốm Gò Sành Bình Định, cho biết: “Thợ gốm Gò Sành và Quảng Đức còn dùng củi chành rành trong quá trình nung để tăng nhiệt độ lò và tạo nên hỏa biến, hoàn nguyên mà cho ra nhiều màu men riêng biệt”.

 

Về kỹ thuật chế tác, gốm Quảng Đức được làm bằng nhiều cách như dùng bàn xoay, đắp con chạch, làm khuôn…

 

Sản phẩm gốm Quảng Đức đa dạng về chủng loại như vò, chậu, chóe, bình vôi, nậm rượu, hỏa lò… với nhiều kích cỡ khác nhau. Tiêu biểu trong dòng gốm Quảng Đức là gốm tráng men. Đáng chú ý là trên các sản phẩm gốm tráng men hầu hết đều có in dấu vỏ sò. Người thợ gốm đã chèn vỏ sò (không loại trừ sò sống) xung quanh sản phẩm đặt trong bao nung, khi nung lên, sản phẩm sẽ được tạo men bằng kỹ thuật nung chảy trực tiếp. Đây chính là điều làm cho gốm Quảng Đức khác biệt với các dòng gốm khác.

 

Trên thế giới, việc sử dụng vỏ sò để tăng nhiệt độ lò hoặc kết hợp nung “hai trong một” để vừa được gốm, vừa được vôi đã xuất hiện khá sớm. Nhưng sò huyết tạo nên hiện tượng hỏa biến, hoàn nguyên trong quá trình nung để tạo ra nhiều sắc màu trên gốm cổ Quảng Đức là khá độc đáo.

 

Gốm Quảng Đức chấm dứt việc chế tác gốm tráng men khoảng từ sau năm 1945 do chiến tranh ác liệt. Nhưng sản phẩm gốm đất nung được duy trì thêm một thời gian rồi cũng chấm dứt hoàn toàn khi đồ nhựa, đồ kim loại lên ngôi.

 

Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, người từng có nhiều năm gắn bó với Bảo tàng Phú Yên và công tác sưu tầm, nghiên cứu gốm Quảng Đức, đánh giá: “Sự mộc mạc, thô ráp của gốm cổ Quảng Đức với màu men giản dị, khiêm nhường nhưng rất bí ẩn đã tạo nên sự hấp dẫn, ấn tượng đối với các nhà nghiên cứu cũng như những người sưu tầm. Gốm cổ Quảng Đức là một trong những di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Phú Yên”.

 

Những sản phẩm “phỏng theo” bóng bẩy

 

Những hiện vật “phỏng theo” gốm cổ Quảng Đức xuất hiện tại thị trường Việt Nam thời gian gần đây thường “độc đáo” về chủng loại, khác những sản phẩm phổ biến của gốm cổ Quảng Đức; kích thước thường rất lớn, hoặc rất nhỏ; “hỏa biến” rực rỡ, bóng láng, chưa có độ lạc tinh (“màu thời gian”). Đồ án trang trí cũng rất “độc đáo” như: đắp nổi linh vật trên thân gốm, khắc vạch rồng 5 móng (điều cấm kỵ dưới chế độ phong kiến đối với đồ dân dụng, không phải đồ quan dụng, ngự dụng). Hình vỏ sò in trên gốm có kích thước bất thường: quá lớn hoặc quá nhỏ, hoặc chỉ một đường thẳng. Điều này khác với hình dáng con sò trong tự nhiên, nhất là đối với sò huyết ở đầm Ô Loan thường không quá lớn. Đặc biệt, hầu hết gốm “phỏng theo” gốm cổ Quảng Đức hiện nay đều có cốt trắng, nhiều hiện vật được phủ màu bên ngoài và không bao giờ để lộ phần đáy ngoài của gốm để không cho thấy cốt đất trắng. Về hỏa biến, màu sắc và hình dáng hỏa biến rất nhiều, những chỗ hỏa biến có sự tác động của con người (điều này không khó với công nghệ làm gốm hiện đại), khác với hiện tượng hỏa biến tự nhiên của gốm cổ Quảng Đức… Và gốm “phỏng theo” gốm cổ Quảng Đức rất bóng bẩy, khác hẳn một dòng gốm dân dụng với đặc điểm thô ráp, khiêm nhường như nhận định của ông Phan Đình Phùng.

 

Việc sản xuất gốm sứ “phỏng theo” các dòng gốm chính thống nhằm kinh doanh hoặc đáp ứng một thú chơi không phải là điều mới mẻ. Tại Trung Quốc, thợ thủ công các đời sau đã làm gốm phỏng theo gốm sứ nổi tiếng các đời Tống, Minh, Thanh…

 

Tại Việt Nam, nhà sưu tập, nghiên cứu gốm sứ Trần Quốc Thái đã sang tận trấn Cảnh Đức, Trung Quốc để đặt thợ thủ công làm đồ sứ “phỏng theo” đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh và lấy tên là đồ sứ Thái Blue. Vấn đề đặt ra các cơ quan chức năng, người sưu tập gốm cần phân biệt đâu là đồ chính thống, đâu là đồ “phỏng theo” để tránh lẫn lộn, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của địa phương, dân tộc. 

 

Hiện tượng hỏa biến: Do sức nóng của lửa tạo nên trong lò nung, hình thành màu men xám tro, đen, không đồng đều trên gốm.

 

Hiện tượng hoàn nguyên: Khi các sản phẩm đã nung chín, thợ nung bít chặt cửa lò và lối thoát hơi, lò nung lúc này không còn oxy. Trong quá trình nguội dần, màu men của sản phẩm “hoàn” trở lại với màu của “nguyên” liệu tự nhiên dùng phủ men như màu men xanh của oxit sắt (hoàn nguyên từ màu vàng đổ ra màu xanh lá cây), màu men đỏ - gọi là men huyết đỉa của oxit đồng… thường thấy trên gốm cổ Quảng Đức.

 

TRẦN THANH HƯNG

Phó Chủ tịch CLB UNESCO Nghiên cứu - Sưu tầm - Cổ vật Phú Yên

Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết