Gốm Vạn Ninh, Móng Cái – Trung tâm gốm sứ của Việt Nam một thời
Nghề gốm ở Quảng Ninh phát triển cách đây trên 5.000 năm với sự ra đời của gốm Hạ Long – một trung tâm gốm tiền sử thuộc Đông Nam Châu Á; tiếp đến là gốm Bồ Chuyến, gốm Đầu Rằm (Hoàng Tân), gốm Hòn Hai – Cô Tiên, thuộc Thời đại Kim khí, với nhiều loại hình phong phú, độc đáo. Đặc biệt, trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Móng Cái đã trở thành một trung tâm sứ của Việt Nam với tên gọi là sứ Vạn Ninh – một dòng sứ nặng lửa, được làm từ đất sét trắng, pha thêm chất chảy từ đá cao lanh, thạch anh…
Một trong những chiếc chóe của gốm sứ Móng Cái
Đồ sành sứ Móng Cái mang nhiều dáng dấp gốm sứ Nam Trung Hoa với nhiều chủng loại như: ấm chén, bát đĩa, ấm tích, liễn, âu, lọ, gối, đèn, bình vôi, điếu. Ngoài ra, cũng có những vật dụng có kích thước lớn như: choé, bình, chum, đôn, thống. Các sản phẩm của sứ Móng Cái có màu sắc không trắng trong hay trắng đục, cũng không phải màu xanh ngọc thạch mà là màu trắng phớt xanh. Màu trang trí chủ yếu là màu lam với các sắc độ đậm, nhạt, tươi, sẫm khác nhau được tạo ra bằng màu xanh cô ban.
Lộc bình Vạn Ninh – Móng Cái.
Theo kết quả nghiên cứu những di vật còn sót lại, khu lò gốm sứ Móng Cái được hình thành cách đây khoảng 130 năm tại phố Lò Bát, phường Trần Phú (Móng Cái) ngày nay. Khu lò do các chủ lò và thợ gốm người Hoa sang Móng Cái lập nghiệp và phát triển mạnh vào nửa đầu thế kỷ XX. Hoa văn trang trí cũng rất phong phú: Ngoài phong cảnh, sơn thuỷ, các loại hoa như hoa sen, cúc, mẫu đơn, phù dung, mai, tùng, trúc, các loại chim như chim trĩ, chim sẻ, chim công, chim ưng, hạc, còn có tứ linh rồng, phượng, lân, rồng. Đáng chú ý là ngoài những họa tiết, hình ảnh thông thường có ý thức đạo giáo, nho giáo và khá nhiều bản vẽ là minh hoạ các sự kiện, các điển cố.
Chum sứ Móng Cái miêu tả tích truyện Ma Cô Tiến Thọ Đồ.
Lò nung gốm sứ Móng Cái thời kỳ này thuộc loại lò bầu (lò rồng), có các buồng lò riêng biệt nối tiếp nhau dài khoảng 20 – 80m và có khoảng 18 – 20 buồng lò. Với công nghệ lò rồng nung, gốm sứ Móng Cái đã được giới chuyên gia khẳng định là nơi đầu tiên ở Việt Nam áp dụng loại công nghệ này, sau đó mới phát triển vào Bát Tràng vào đầu thế kỷ XX.
Thanh Bình