NGƯỜI TU VÀ DANH VỌNG
Chợt nhớ trước đây có lần tôi được đọc một câu chuyện, tên gì tôi chẳng nhớ rõ, nhưng đại khái câu chuyện kể về một vị thầy sau thời gian tu hành nghiêm mật trên núi nên bèn hạ sơn hoàng đạo dưới chốn kinh kỳ. Sau một thời gian hoằng hóa độ sinh, thầy được mọi người biết tiếng và ngưỡng mộ vô cùng vì đức hạnh và sự uyên bác kinh luật của ngài. Được vua sắc phong làm quốc sư, và mỗi lần thầy thuyết giảng đều được ngồi trên những pháp tòa trang nghiêm, bằng gỗ trầm thơm. Sau một thời gian hoàng đạo ở chốn kinh kỳ, thầy ra đi để tìm cách độ những người ở các nơi khác. Một hôm ngang qua một dòng suối thầy xuống tắm và đắm chìm trong cái sảng khoái giữa dòng nước mát, cảnh vật thiên nhiên xinh đẹp của núi rừng. Đột nhiên thầy giựt mình vì nghe những tiếng la ó của một bọn trẻ. Chúng nó thì cũng ngạc nhiên vì bất chợt trông thấy thầy nên bật la lên:
"Ê tụi mày ơi! Xem kìa, có ông thầy chùa đầu trọc đằng kia."
Khi vừa thoáng nghe, cơn giận từ đâu tràn đến và như xâm chiếm toàn bộ cõi lòng thầy. Thầy thấy mình bị xúc phạm, bị hủy nhục và chê bai. "Ta đây là đường đường một vị quốc sư, ngay cả vua cũng phải kính nể quỳ lạy, người người ai ai cũng tôn kính đảnh lễ, mà nay tụi nhóc này dám nói mình là thầy chùa đầu trọc". Nhưng rồi chỉ trong khoảng khắc sau đó, thầy chợt nhiên bật cười với chính mình vì sự giác ngộ kịp lúc:
"Mình là thầy chùa có đầu trọc, thì tụi nhỏ gọi là thầy chùa đầu trọc, chứ có gì đâu mà phải buồn, phải giận trong lòng."
Bỗng chốc thầy thấy được cái vô thường và giả tạo của cuộc đời. Những cái danh vị của quốc sư, của hòa thượng, những sự cung kính, khen ngợi, đảnh lễ, cúng dường từ mọi người bỗng trở thành huyễn hoặc và giả tạm. Cái còn lại trong thầy là sự an nhiên, như như tự tại của một người thoát khỏi mọi phiền trược tranh đua của cuộc đời. Câu chuyện tôi chỉ nhớ được đến đó, nhưng nó đã gợi cho tôi những hình ảnh và ý nghĩa thật đẹp của nội dung câu chuyện, về cái tâm tham danh vọng, chấp chước của người tu đối với cuộc đời.
Thật ra những ước vọng thầm kín trong mỗi con người là thích được người khác chú ý, tôn trọng và kính nể; dù người đó là một người thường hay một người tu. Có những danh vọng và chức vị nhỏ người ta muốn được tôn trọng và kính nể theo mức độ nhỏ; có danh cao, chức lớn thì người ta cũng muốn người khác biết đến và kính nể nhiều hơn. Thế nên theo thời gian tu hành nhiều năm, có phẩm bậc cao hơn thì người tu muốn được xem trọng cũng là chuyện thường tình; nhưng nếu lấy Phật pháp làm thước đo cho việc này, thì việc mong muốn được người tôn kính và trọng nể nhiều hơn qua lâu năm tu hành; thì đây quả là một mong muốn của bản ngã do thiếu chất liệu tu hành mà ra.
Khi người ta không có sự tu và hành trì thật sự thì người ta sẽ thấy cái danh vọng này là thật có, thấy có mình đáng hưởng cái danh này và thấy cuộc đời là thật và thường tại. Chỉ có cái nhìn và thấy như vậy thì người ta mới ham cái danh hão huyền để phải buồn, phải vui và tìm cầu chạy theo nó. Còn nếu luôn luôn nghĩ đến sự tu hành, nghĩ đến sự khổ não của chúng sinh mà hằng khởi những niệm từ, tâm bi mong cứu độ mọi loài, thường nghĩ đến giải thoát thì người ta sẽ đâu ham những cái danh giả tạo mà người khác ban tặng cho. Dù tôi vẫn biết tự trong thâm tâm và đáy lòng rằng, tôi còn rất ham thích những cái danh vọng của chức vị nọ kia, và các phẩm bậc của người tu, nhưng tôi mặt khác lại sợ nó vì những tác động tâm lý tiêu cực, để từ đó nó đưa đẩy tôi đi vào con đường sai lạc.
Nếu có những hành động nào cao cả và đẹp đẽ nhất trong sự gạt bỏ và chối từ danh vọng cuộc đời, để tôi lấy đó làm gương mà noi, thì đó là hành động ra đi của đức Phật trong quá khứ và đức Dalai Lama trong hiện tại. Có ai có danh vọng và quyền lực hơn đức Phật thuở bấy giờ, có ai có đầy đủ cuộc sống và sung sướng như Ngài vậy mà Ngài vẫn chối từ và thản nhiên ra đi. Trong kinh Tứ thập nhị chương đức Phật nói:
"Ta coi ngôi vị vương hầu như bụi qua kẻ hở; coi vàng ngọc châu báu như ngói gạch; coi lụa là như vải thô; coi đại thiên thế giới như hạt tiêu... ; coi thịnh suy như cây bốn mùa".
Đức Dalai Lama thì ngài cũng tỏ vẻ thản nhiên không kém khi rời ngôi vị lúc bỏ xứ ra đi. Gần đây ngài lại tuyên bố sẽ từ chức, một khi dành lại được độc lập cho Tây Tạng, trên hết dù được hàng bao nhiêu triệu người tôn sùng như là một hóa thân của đức Bồ tát Quán thế âm, ngài vẫn luôn luôn tỏ ra bình dị và tầm thường như một người tu tầm thường. Trước mọi người bao giờ ngài cũng nói rằng: "Tôi chỉ là một tu sĩ bình thường, như mọi người chứ chẳng khác." Như vậy mới thấy rằng một vị chân tu thật sự bao giờ cũng luôn luôn hạ mình xuống trước mọi người, nâng mọi người lên được qua lời nói và việc làm khi có thể; và hay thay là chính khi những vị ấy hạ mình xuống thì các ngài càng được người khác tôn sùng và nâng lên cao. Còn với tôi một người thiếu sự tu học và hành trì thì không hiểu sao lại cứ thích và tham những danh vọng hảo huyền, cầu sự cung kính tôn trọng của mọi người. Nếu có những ân phước nào lớn nhất, nếu có những nguồn cảm hứng nào thiêng liêng nhất cho tôi ngưỡng mộ nhìn lên để học theo những công hạnh và đức độ của các ngài, thì đó chính là đức Dalai Lama, một bậc thầy vĩ đại của nhiều người và cũng là thầy của tôi, người tôi hằng tôn sùng.
Nhân danh các điều thiện, các điều lành lợi ích cho mọi loài ấy, bản ngã dẫn ta đi và đi mãi với những cái tốt và đẹp nhất cho mọi loài. Nhưng để rồi một ngày nào đó khi ta trong một lúc tu hành quán chiếu lấy chính mình, mới chợt nhận ra rằng tất cả những ý tưởng, niệm lành cho người, cho mọi loài trước kia của mình chỉ là cái thực chất của bản ngã, nó mang mặt nạ vì lợi ích cho Phật pháp và chúng sinh ở bên ngoài. Xét và tìm đến cái bản ngã sâu tận bên trong của con người, thì ta mới có thể thấy nó luôn luôn gian manh và quỷ quyệt, nó có đủ mọi ma chước để quyến rũ và dẫn dụ những người tu đi vào con đường sai lạc và sa đọa. Thế nên tôi cũng hay dặn lấy chính tôi rằng: "hãy coi chừng cái bản ngã của ngươi."
Nếu những người tu hành vì lòng từ bi thương xót thật sự với những nỗi khổ đau và mê lầm của cuộc đời, nên xông xáo lao vào cõi trần tục này để cứu độ mọi người, thì cái động cơ tâm lý ấy quả thật đáng tán thán và đảnh lễ. Nhưng nếu để lao vào cuộc đời này với mục tiêu có được những danh vọng, sự tôn kính và cúng dường thì dù những việc làm phật sự, hoằng pháp lợi sinh kia mang ý nghĩa cao cả bao nhiêu đi nữa cũng là vô ích, vì nó đưa đẩy người tu ấy vào đường danh lợi khác gì thế gian.
Ngày nay, những người tu có thể nhân danh những cấp bằng cao học, hay tiến sĩ để vươn mình ra đời, làm việc phật sự lợi ích cho chúng sinh. Nhưng liệu những cấp bằng cao học, tiến sĩ ấy có đủ làm đại diện duy nhất cho tâm Bồ đề , tâm từ bi thương xót muốn thật sự cứu độ các chúng sinh hay không? Xã hội con người ngày nay là xã hội của danh và vọng, ai không có danh vọng người đó không được tôn trọng và nể vì, thế nên con người ta đua nhau truy tìm nó và gán lên người đủ thứ các chức vị, thanh danh. Nếu để đi vào cuộc thế và song song hành đạo giữa những người có nhiều danh vọng, mà người tu phải phương tiện dùng cái danh học, danh tu của mình để cảm hóa và nhiếp phục mọi người thì điều ấy chẳng trái; nhưng nếu lấy đó làm phương tiện tiến thân để có lợi, được danh, thì thật là sai hẳn cái mục tiêu mà người tu ấy ấy phát nguyện lúc ban đầu.
Đức Dalai Lama nói:
"Nếu một người tu mà trải qua bao tháng năm hành đạo không thấy mình tầm thường hơn, giản dị hơn và khiêm tốn hơn thời gian ban đầu, thì có lẽ là người tu đó đã đi lạc rồi!"
Nguồn: Vườn Hoa Phật Giáo