NGUỒN GỐC TẬP TỤC CÂY THÔNG NOËL
NGUỒN GỐC TẬP TỤC CÂY THÔNG NOËL
« Mon beau sapin, Roi des forêts… », cứ mỗi dịp Noel về lời bài hát này do ông Ernst Anschütz, một người Đức sáng tác năm 1824 như lại văng vẳng bên tai. Noel đến người dân Pháp cũng như những nước theo truyền thống Kitô giáo đều hối hả tìm chọn một gốc thông đẹp nhất để bày ở góc nhà hay cạnh lò sưởi bập bùng ánh lửa. Trẻ nhỏ lại xúm xít phấn khởi tô điểm cho cây thông thật trang hoàng lộng lẫy, và mong đợi những món quà Noel bất ngờ dưới bóng cây thông. Những hình ảnh đó khiến ta chợt hỏi : Cây thông Noel có tự bao giờ và từ đâu mà đến ?
Truyền thống có từ đâu ?
Giống như hầu hết các biểu tượng Lễ Giáng Sinh, cây thông có nguồn gốc từ các tôn giáo ngoại đạo cách nay từ 2 000 – 1 200 năm trước Kitô giáo mừng ngày chí đông, ngày ngắn nhất trong năm. Thời kỳ đế chế La Mã, ngày 25 tháng 12 – vốn tương ứng với ngày đông chí – còn là ngày lễ thần Mặt Trời Sol Invictus.
Ngày lễ này diễn ra trước tuần lễ Saturnalia, tôn vinh Saturne, vị thần nông nghiệp. Thời gian này là dịp để mọi người tặng quà nhau. Điều này hầu như không đáng ngạc nhiên, ngay cả ngày Chúa Giê-su Giáng Sinh cũng đã được chọn theo cách như thế để mà xen kẽ với các ngày lễ đông chí ngoại giáo.
Vào thời đó, người La Mã cũng trang trí nhà cửa bằng các nhánh thông trong dịp lễ này. Với các xứ Bắc Âu, tại một số dân tộc người Đức và Scandinavia (Bắc Âu), đây còn là mùa lễ hội Yule, cũng mừng mùa đông chí. Theo thần thoại Bắc Âu, khi đêm xuống, thần Heimdall đến thăm từng nhà và để lại một món quà cho nhà nào đã hành xử tốt trong năm.
Trong tất cả những ngày lễ đó, việc sử dụng các cây thông xanh như là các yếu tố trang trí là muôn thuở. Còn gì mang tính biểu tượng hơn bằng những cây xanh có gai vào giữa mùa đông lạnh giá để mừng sự trở lại ngày dài và mùa xuân ? Hơn nữa, biểu tượng của cây như hình ảnh của sự sống và tái sinh cũng đã được phổ biến rộng rãi từ xa xưa và cũng không lạ lẫm gì đối với Kitô giáo.
Hình ảnh đó làm cho người ta nghĩ đến « cây sự sống » trong vườn Ê-đen, cách biểu đạt ẩn dụ thông thường về chiếc thập giá của đấng Giê-su. Thế nhưng, để biến tập tục này thành một truyền thống của Kitô giáo, Giáo Hội từ lâu đã phải chống lại các tín ngưỡng tôn thờ cây cối.
Chuyện kể rằng vào thế kỷ VII, Thánh Boniface xứ Mainz, « sứ đồ của người Đức » muốn thuyết phục các đạo sĩ người Giec-ma-ni rằng « cây sồi thần Thor » không phải là một cây thiêng, nên đã cho đốn hạ một cây trước sự chứng kiến của họ. Những người ngoại đạo đó sau này đã nhanh chóng cải đạo khi nhận thấy rằng thần Sấm Sét Thor đã không có phản ứng tức thì ngay sau vụ việc.
Tranh vẽ thánh Boniface hạ "cây sồi thần Thor".
Người Công Giáo lấy lại tập tục này từ khi nào ?
Người ta cho rằng tập tục này được người Công giáo sử dụng lại lần đầu là nhờ Thánh Colomban, một tu sĩ người Ailen vốn dĩ đã đi du hành rất nhiều tại Gallia. Một đêm Giáng Sinh, có lẽ ông ấy đã lên đỉnh núi cùng với một vài tu sĩ tu viện Luxeuil, do ông dựng nên dưới chân dãy núi Vosges năm 590.
Tại đây, họ đã tìm thấy một cây thông cổ thụ, vật tôn thờ của một ngoại đạo. Theo quan điểm của người Celts, cây vân sam (một họ thông) được ví như là « cây sinh sản ». Tương truyền rằng Colomban và những người đồng hành dường như đã treo đèn lồng của họ lên các cành cây nhằm tạo thành một cây thánh giá tỏa sáng. Thế nhưng cho đến giờ câu chuyện này vẫn chỉ mang tính huyền thoại vì chưa có một tài liệu nào thời kỳ đó chứng minh sự việc.
Theo giải thích của kênh truyền hình KTO, tập tục cây thông Noel dường như đã có tại châu Âu vào thế kỷ XI, nhưng xuất hiện một cách chính thức là vào thế kỷ XVI.
« Mãi đến thế kỷ XI, Giáo Hội vốn ngờ vực các tập tục ngoại giáo nên đã quyết định Kitô hóa tục cây thông Noel. Đây là lý do giải thích bí ẩn vì sao trong những vở kịch tôn giáo được diễn trong các nhà thờ mùa Noel, người ta đều thấy xuất hiện một cây nặng trĩu quả , được đặt ngay giữa sàn diễn, biểu tượng cho thiên đường.
Nhưng trên thực tế, tập tục cây thông Noel xuất hiện chính thức tại châu Âu vào năm 1546. Còn ở Pháp, chính tại vùng Alsace, người ta tìm thấy dấu vết đầu tiên, nhất là khi thành phố Selestat cho phép chặt cây trong mùa Noel ».
Báo Công Giáo La Croix trong một số ra đầu tháng 12/2017 cho biết bản ghi chép sổ sách kế toán của thành phố Selestat năm 1521 còn lưu lại rằng : « Bốn đồng silinh (tiền Áo) cho người gác rừng để bảo vệ ‘mais’ kể từ ngày Thánh Thomas (bắt đầu từ ngày 21/12) ». Đó là những khoản chi cho người bảo vệ rừng hòng ngăn chặn nạn chặt phá thô bạo các cây ‘mais’ (trong tiếng Thụy Sĩ cổ gọi là cây lễ hội).
Với chính quyền thành phố Selestat ngày nay, không còn cách diễn giải nào khác : « Nếu như thành phố Selestat phải bảo vệ rừng qua việc dự phòng một khoản chi như vậy, điều đó có thể là việc trang trí một cây vào thời điểm này của năm là khá phổ biến và là một phần của tập tục ».
Thành phố Riga, thủ đô của Latvia cũng chính thức tự nhận là nơi xuất phát tập tục cây thông Noel. Truyền thống này rất có thể do một phường buôn du nhập vào Latvia năm 1510. Mục đích ban đầu là dùng để đốt cho ngày chí đông, nhưng cuối cùng cây thông đã được giữ lại, trang trí và dựng tại khu chợ của thành phố để mừng Noel. Ngày nay vẫn còn một tấm đá lát đánh dấu vị trí.
Nghệ thuật trang trí bắt nguồn từ đâu ?
Nói đến cây thông Noel mà không thể không nói đến nghệ thuật trang trí. Cây thông Noel mà chúng ta biết đến ngày nay là kết quả của một sự hòa trộn kế thừa từ những phong tục ngoại đạo và những điều thần bí công giáo.
Thuở sơ khai, vào thời kỳ trước Công Nguyên, người Celts mừng sự hồi sinh của Mặt Trời bằng việc trang trí cây vân sam, biểu tượng của sự sống. Họ treo trên cành cây các loại hoa quả, lúa mì để cúng tế các vị thần.
Cùng với thời gian, sự phát triển mạnh mẽ của Công giáo, những thay đổi của khoa học – kỹ thuật, mà tập tục trang trí cây thông cũng có những biến đổi theo cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển xã hội.
Vào thế kỷ XI, biểu tượng của cây thiên đường được trang hoàng bằng các loại mứt kẹo, các loại bánh và những quả táo đỏ, ám chỉ đến những trái cấm trong vườn Eden và Eva. Thế nhưng, theo ông Fréderic Picard, phóng viên tờ Le Figaro, phải đợi đến thế kỷ 16, cây thông mới được thắp sáng lần đầu :
« Theo tương truyền, ông Martin Luther bị lóa mắt trước vẻ đẹp của cây thông phủ đầy tuyết. Những chiếc cành xanh lá phản chiếu ánh sao lấp lánh. Và ông tạo dựng lại hình ảnh này bằng cách để những ngọn nến trên cây thông của mình ».
Tập tục này được tiếp tục phát triển mạnh vào thế kỷ XVII. Cây thông Noel thời kỳ này được tháp sáng bằng những chiếc vỏ sò đầy ắp dầu. Đèn điện xuất hiện cũng đã làm thay đổi triệt để nghệ thuật trang trí cây thông. Dây đèn điện trang trí đầu tiên lần đầu ra mắt là tại Hoa Kỳ, năm 1882, do một người bạn của Thomas Edison, một nhà phát minh và thương gia nổi tiếng của Mỹ lúc bấy giờ.
Thế còn những quả cầu Noel thì sao ? Theo lời kể của Frédéric Picard, quả cầu trang trí Noel đầu tiên được chế tạo vào năm 1858 tại Moselle của Pháp một cách tình cờ.
« Một mùa hè khô hạn và một mùa đông khắc nghiệt đã làm cho mùa thu hoạch táo dùng để treo cây thông theo truyền thống bị mất mùa. May mắn thay, một người thổi thủy tinh đã nảy ra sáng kiến thay thế trái cây bằng những quả cầu bằng thủy tinh. »
Giờ đây, được trang trí bằng muôn ngàn ánh đèn mà cây thông Noel đã trở thành một phong tục được cả thế giới đi theo và chia sẻ. Có lẽ không có gì hạnh phúc bằng trong đêm Noel giá lạnh, dưới gốc thông xanh lấp lánh ánh đèn, bên bếp sưởi hồng, cả nhà quây quần hòa chung tiếng hát: "Chúc Mừng Giáng Sinh".
Minh Anh
Team Uống Trà Thôi sưu tầm