Thám hoa Giang Văn Minh

Giang Văn Minh tự là Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, sinh năm 1573 tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá (nay là xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ông được mệnh danh là vị sứ thần “Bất nhục quân mệnh” (Không để nhục mệnh vua) vì đã dám đối đáp thẳng thắn trước triều đình nhà Minh.

Theo sử sách còn ghi lại, ngay từ thuở nhỏ Giang Văn Minh đã là một cậu bé khôi ngô tuấn tú, học đâu nhớ đấy, văn thơ lưu loát, ứng đối lanh lợi, tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng. Chính vì thế, sau khi đỗ đầu kì thi Hội, rồi lại đỗ Đình nguyên Thám hoa, ông lần lượt được bổ nhiệm vào các chức vụ như Binh khoa đô cấp sự trung (1630), Thái bộc tự khanh (1631). Năm 1637, Thám hoa Giang Văn Minh được vua cử làm chánh sứ cùng với bốn vị phó sứ là Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu hai đoàn đi sứ nhà Minh.

Chỉ trong hai năm thực hiện sứ mệnh ngoại giao cho đất nước, sứ thần Giang Văn Minh đã thể hiện rõ ý chí kiên cường không chịu khuất phục của nhân dân An Nam trước sự bành trướng hống hách của nhà Minh. Có rất nhiều giai thoại về sự ứng biến linh hoạt của nhà ngoại giao này trong thời kì ông cùng đoàn tuỳ tùng thực hiện sứ mệnh cao cả nhà vua giao phó.

Ngôi mộ của Thám hoa Giang Văn Minh vẫn được họ tộc chăm chút cẩn thận tại Đường Lâm.

Lần đầu tiên là ngay khi phái bộ của Giang Văn Minh sang đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh). Thời điểm đó sắp đến tiết khánh thọ nên đoàn sứ bộ không được vào yết kiến ngay mà phải “ăn chực nằm chờ” ở ngoài. Thêm điều nữa là những tên quan đại thần nhà Minh còn tỏ ý khinh thường sứ thần An Nam, chúng không thèm tiếp và luôn miệng hạch sách. Giang Văn Minh hết sức căm phẫn, một mặt ông luôn nghĩ trong đầu cách đối phó với nhà Minh, mặt khác vẫn cố gắng làm tròn sứ mệnh của vua Lê đã giao.

Một hôm, nhân ngày tiết khánh thọ của vua Minh, tất cả sứ thần các nước đều mũ áo chỉnh tề, mang theo lễ vật, riêng sứ thần An Nam lại nằm khóc lóc thảm thiết, cố ý để việc này lọt được đến tai vua. Được tin báo, vua Minh bèn cho gọi ông Minh vào chầu. Khi được hỏi nguyên cớ, sứ thần Giang Văn Minh bèn tâu: “Theo lệnh vua Lê, sứ thần được sang triều cống quý quốc thấm thoát đã hàng năm lưu lạc trên đất khách quê người nhưng vẫn chưa làm tròn trọng trách, còn lòng dạ đâu mà vui được. Nay đã đến ngày giỗ vị tằng tổ của thần mà thần vẫn chưa được về quê hương đèn hương tưởng niệm, như vậy chẳng là đắc tội với tiên tổ hay sao?”, rồi lại ôm mặt mà khóc. Nghe rõ sự tình, vua Minh liền cười mà phán rằng: “Nhà ngươi quả là một người trung hiếu vẹn toàn. Những tưởng chuyện gì chứ việc ông tổ đã ba đời rồi đến nay còn gì ràng buộc tình cảm nữa mà phải lo mang tiếng với người đời chỉ vì không về được quê hương tưởng niệm”. Nghe xong vua Minh phán, biết kế sách của mình đã đi đúng hướng, sứ thần Giang Văn Minh liền tâu rằng: “Thần cũng nghĩ vậy, nhưng khốn nỗi, người đời có nghĩ thế đâu! Ngay như việc Thiên triều bắt dân tôi năm nay lại phải cống người vàng để trả “nợ Liễu Thăng” mà Liễu Thăng thì đã chết cách hơn 200 năm rồi. Chuyện cũ đã mờ, mà dân tôi hằng năm cũng vẫn còn chưa được Thiên triều xoá bỏ lệ cũ. Hơn nữa vua tôi nhà Lê có tội gì đâu mà hằng năm Thiên triều vẫn đòi lễ cống! Đó chẳng phải là một việc vô lý, trái với đạo lý và thể diện của Quốc vương tôi sao? Ngày nay, Thiên triều khuyên thần đừng thương nhớ người đã quá cố, thì thần cũng xin Thiên triều noi theo mệnh lớn mà từ nay miễn cho nước tôi lệ đúc người vàng để tiến cống nữa. Đó chẳng phải là một việc tốt để gây lại mối giao hảo bền vững giữa hai nước láng giềng?”.

 

 

Trước lời tâu chân tình, lý lẽ đanh thép và đầy sức thuyết phục đó, vua Minh cũng tự thấy việc bắt dân An Nam hằng năm vẫn phải dâng lệ cống người vàng để trả “nợ Liễu Thăng” là vô lý, nên đã ra lệnh bãi bỏ lệ cống người vàng và cũng từ đây hằng năm dân ta chấm dứt được cái việc “trả nợ Liễu Thăng”.

Một giai thoại khác tuy có nhuốm màu bi thương nhưng cũng thể hiện rõ cốt cách tài cán của nhà ngoại giao Giang Văn Minh. Đó là vào một buổi nắng ráo sau gần một năm chờ đợi mà vẫn chưa được vào yết kiến, sứ thần Giang Văn Minh liền đem mũ áo và đồ văn thư nghiên bút ra phơi nắng, tiện thể ông cởi áo, phanh ngực và bụng ra để sưởi nắng. Bọn cận thần của vua Minh thấy sứ giả An Nam có hành động lạ thường, bèn vào tâu với vua Minh.

Khi được hỏi tại sao sứ thần không đi chơi ngắm cảnh trong tiết thanh minh mà lại nằm phanh bụng ra phơi nắng, ông Minh liền tâu: “Chẳng giấu gì Thiên triều, thần từ nhỏ vốn ham đọc sách thánh hiền, học đâu nhớ đấy nên bao nhiêu bồ chữ trong thiên hạ, thần đã thu về để nằm im trong bụng. Từ ngày sang quý quốc, khí hậu ẩm thấp, thần sợ chữ sách thánh hiền lâu ngày không dùng đến sẽ bị mốc nên nhân ngày nắng ấm, thần vạch bụng ra phơi cho khỏi mốc chữ đó mà thôi!”. Biết người đứng trước mặt mình không phải hạng tầm thường, vua Minh bèn vời Giang Văn Minh vào triều và ra một vế đối để thử tài cao học rộng và trí thông minh của sứ thần An Nam. Vế đối được đưa ra là:

                                                                    “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”
Nghĩa là:
                                                                    Cột đồng đến nay rêu đã xanh

Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ – tức Đại Việt – bị diệt vong).

Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu:
                                                  “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”
Nghĩa là:
                                                 Sông Đằng từ xưa máu còn đó

Vế đối thật hoàn chỉnh, lời lẽ đanh thép và đầy khí phách anh hùng của người chiến thắng, cố ý muốn nhắc lại chuyện Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán (938), Lê Hoàn đánh tan quân Tống (981) và Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên Mông (1288) trên sông Bạch Đằng, để nhắc lại cái nhục của những quân xâm lược phương Bắc đã bao lần muốn cướp nước Nam ta nhưng đều bị đánh cho tơi bời, tan tác. Vào thời bấy giờ, câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan của Thiên triều và sứ bộ các nước. Vua nhà Minh bừng bừng lửa giận quên mất thể diện thiên triều, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Hành động hèn hạ của nhà Minh này diễn ra vào năm 1639, chỉ hai năm sau ngày Thám hoa Giang Văn Minh dẫn đoàn đi sứ. Lúc đó ông 57 tuổi.

Mặc dù nghĩa vụ đi sứ dở dang nhưng đoàn sứ bộ do Thám hoa Giang Văn Minh dẫn đầu đã tỏ rõ khí phách hiên ngang của người dân An Nam không khuất phục trước ách đô hộ của Trung Quốc. Sau khi thi hài ông được đưa về nước, để tỏ lòng thương tiếc một tài năng ngoại giao hiếm thấy của kinh thành, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng đã đến bái kiến linh cữu ông và ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ, đồng thời truy tặng ông tước hiệu “Công bộ tả thị lang Minh quận công”.

Hiện nay, ngôi mộ của Thám hoa Giang Văn Minh vẫn được họ tộc chăm chút cẩn thận tại Đường Lâm, được xây bệ gạch tay ngai, xung quanh có tường hoa để bảo vệ. Còn ngôi quán, nơi làm lễ an táng ông, được nhân dân địa phương gọi là quán Giang để ghi nhớ sự tích của vị sứ thần khảng khái đã làm vẻ vang cho đất nước. Tên của Thám hoa Giang Văn Minh cũng được đặt cho một ngôi trường ở Thị xã Sơn Tây và một con phố ngay giữa Thủ đô.

 

Team Uống Trà Thôi sưu tầm

Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết