Hạnh phúc là biết chấp nhận
Hạnh phúc là biết chấp nhận
Quảng Sanh
Đi bụi, phải ra khỏi ngôi nhà tù túng này thì nó cảm thấy thoải mái được. Nhà giàu thì sao? cha mẹ có địa vị thì sao? không ai quan tâm đến nó hết. Ý nghĩ đi bụi mỗi ngày một lớn hơn thôi thúc nó.
Thế rồi một hôm cả nhà hốt hoảng khi nhận được bức thư nó để lại: “Ba má! con đi đây, con đi để tìm giá trị thực sự của hạnh phúc, đừng tìm con nữa. Khi nào tìm được câu trả lời cho cuộc đời mình con sẽ tự quay về. Đứa con bất hạnh của ba má...Đại Phúc!”
Má nó khóc hết nước mắt. Ông Hoàng ba nó thì đập bàn kêu trời. Cái thằng ngịch tử, ông bà có cho nó thiếu gì, nhà lầu xe hơi, đi có người đưa, về có kẻ đón mà nó bảo nó không hạnh phúc, rồi còn bỏ nhà đi. Bà Mai má nó một hai bảo ông phải cho người tìm nó về, có đứa con độc nhất, nó mà có bề gì thì cái gia sản mà ông bà cố công gầy dựng cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Về phần Đại Phúc, sách cái ba lô với vài ba bộ đồ. Nó như chim được sổ lòng thích phải biết. Tài khoảng còn lại mà ba má nó cho đủ để nó sống được vài tháng. Trước giờ nó tiêu tiền tợn lắm, thích cái gì là vung tiền ra ngay. 15 tuổi đầu nó chưa từng làm ra tiền nên đâu biết quý. Ba má nó làm giám đốc xưởng gỗ Hoàng Phúc lừng danh, nói ra nó là cậu ấm chính hiệu thì việc gì phải làm cho cực.
Lần này bỏ nhà đi, nó thề nếu không tìm ra giá trị của hạnh phúc nó sẽ không quay về nữa. Một phần nó muốn chứng tỏ bản lĩnh. Phần khác nó muốn cho ba má nó thấy giá trị khi không có thằng Đại Phúc. Ai bảo ông bà cứ lo làm ăn, ngoài việc quẳng cho nó một mớ tiền, cung phụng đầy đủ mọi tiện nghi ra, ở chung nhà mà nó mém quên mất mặt của ba má mình. Nó lạc lõng cô đơn trên đống vật chất và chơi vơi không có chỗ dựa ngay trong ngôi nhà mà bao người hàng mơ ước. Phải nó cần thứ khác, cái mà nó còn chưa định hình được là gì, mà nó đang đi tìm đây.
Nó đi lang thang khắp nơi, tối về ngủ lại ở khách sạn, chưa có chứng minh nhân dân thì nó trả tiền gấp đôi người ta. Cái thời mà già kim ngân phá luật lệ này, hễ có tiền thì chuyện gì cũng được giải quyết nhẹ nhàng cả. Vậy là Chẳng mấy chốc mà nó tiêu sạch số tiền trong tài khoảng. Nó lại lang thang đến khu chợ lớn, những cảnh tượng diễn ra trước mắt làm nó phát ngán, khi thì bà bán hàng ven lề bị người ta đuổi vì lấn chiếm lòng lề đường, khi thì bác xe ôm chửi thề vì bị dựt khách, lại có vài ba người trông nhớt nhác cầm tập vé số trên tay mời người qua lại... cảnh khổ vì mưu sinh khiến bài toán trong nó càng nan giải hơn.
Đang lúc hết tiền chẳng biết sống làm sao. Bụng thì đói mà không ai giúp cho nó một bữa cơm. Mùi thức ăn của các quán nhậu gần đó càng thách thức cái bụng đang réo ầm ầm trong nó. Nó mệt lả ngồi nép bên lề đường, chợt thèm tô canh rong biển hải sản mà má nó kêu người làm chuẩn bị mỗi lúc nó học thêm về, mà có đôi lúc nó còn không thèm đụng tới. Giờ nó ngồi đó người qua kẻ lại cũng chẳng buồn quan tâm. May mắn nó gặp và làm quen được với một đứa bán vé số trạc tuổi nó.Thằng nhỏ đen đúa ốm tong teo tên là Nam. Nó ở chung với má và cha dượng. Hàng ngày cha dượng nó giao 100 tờ vé số bán hết mới được đến lớp. Nó học lớp học tình thương ban đêm gần chợ lớn, do một vị thầy ở chùa vì thương tụi nhỏ không đủ điều kiện đến lớp mà dạy cho tụi nó đánh vần ghép chữ. Thấy Đại Phúc ngồi trông dáng vẻ như hết sức sống. Thằng Nam đoán nó chắc lần đầu đi bụi nên mới thảm hại như vậy, cầm ổ bánh mì sáng còn chưa kịp ăn, nó nhìn Đại Phúc tội nghiệp lân la hỏi chuyện rồi chia cho nửa ổ bánh mì.
Đại Phúc cầm nửa ổ bánh mì của thằng Nam đưa, nó như nắng hạn gặp mưa rào, ngước mắt nhìn ân nhân rồi ăn lấy ăn để. Cuộc đời nó chưa bao giờ ăn qua món nào ngon bằng nửa ổ bánh mì của thằng Nam cho. Thằng Nam chẳng hiểu sao cái bánh mì khô queo hàng ngày nó ăn phát ngán lại được một đứa trông sang trọng thế này ăn một cách ngon lành như vậy...
“Ăn từ từ thôi, nước nè uống đi. nhà mày ở đâu? sao ngồi đây chi vậy?”
Uống sạch chai nước thằng Nam đưa. Nó ngồi dậy nhìn ân nhân rồi ngập ngừng nói:
“Mình không có nhà, bạn đi đâu cho mình theo với!”
Thằng Nam ngạc nhiên : “trời đất nhìn mày vầy mà không có nhà à, còn tao chắc hết biết đường đi luôn quá, mày trốn nhà đi bụi chứ gì?”
Đức Phúc lặng yên không nói rồi lủi thủi quay đi : “cảm ơn ổ bánh mì của bạn...”
“ấy ấy tao nói vậy thôi, giới thiệu cho mày biết, Tao ngoài là một đứa tự nuôi thân bằng nghề bán vé số ra Tao còn là một Phật Tử, sư phụ tao dạy phải biết giúp đỡ người ta lúc hoạn nạn, nếu mày chưa muốn về nhà thì cứ đi với tao ok.”
Cái mặt hất lên của thằng nam khi nói tới hai từ Phật Tử làm Đức Phúc phì cười, thôi thì chẳng cần biết Phật Tử là cái chi chi, miễn cho nó theo cùng là tốt lắm rồi. Lòng nó tự hỏi không biết ông sư phụ của Nam là người như thế nào mà được nó nhắc đến một cách tôn kính thế, biết đâu ông ta có thể chỉ cho nó biết giá trị đích thực của hạnh phúc thì sao...
Như thường lệ, 7h tối là lớp học của thầy Thiền Tâm lại bắt đầu. Đó là một ngôi nhà bằng gỗ trông có vẻ xập xệ, những cái bàn cũng bằng gỗ gần như mục nát. cái bảng đen xiu xíu nhưng được lau sạch sẽ kế bên chiếc ghế nhỏ của Thầy ngồi. Đại Phúc cũng kiếm một chổ gần cuối lớp. Nó đảo mắt một vòng quanh lớp, trung niên có, cỡ như nó có, nhỏ hơn nó cũng có, cách ăn mặt của mọi người thật nghèo nàn. Cái áo màu cháo lòng như vậy Má nó còn không thèm dùng làm giẻ lau nữa là, còn bên kia, bên kia nữa. Nó tự nhiên nổi trội giữa đám đông với vẻ ngoài sáng sủa bảnh bao, từ trên xuống dưới toàn là hàng hiệu.
Cả lớp đang ồn ào bổng nhiên im bặt đồng đứng dậy chắp tay trang nghiêm. Thầy Thiền Tâm xuất hiện với màu áo nâu sòng giản dị. Cả lớp đồng thanh cất tiếng chào thầy: “mô Phật ! chúng con chào thầy ạ”. Thầy mời cả lớp ngồi xuống xong rồi nhìn quanh lớp. Đôi mắt hiền từ nhưng đầy nét oai nghi của thầy làm cho mọi người cảm thấy thật ấm áp. Không hiểu sao sự xuất hiện của ông thầy nhà quê làm nó khớp. Nó tự nhìn lại mình và mọi người rồi nhìn ông thầy chùa, có một sự khác biệt quá lớn.Thầy bước từng bước chậm rãi đến gần bục giảng, dáng vẻ từ tốn thanh cao. màu áo nâu không lòe loẹt mà đẹp quá chừng. Nó thấy dường như bộ đồ mình đang mặt trở nên xấu xí, trần tục làm sao. Trong lòng nó chợt dấy lên một niềm hân hoan lạ bên cái dáng vẻ bình dị của ông thầy chùa
Thầy Tâm nhìn cả lớp rồi dừng ánh mắt về phía nó. Thằng Nam nhanh nhảu giới thiệu:
“Mô Phật thưa thầy! đây là Đại Phúc bạn mới của con, muốn đến lớp học của mình chơi cho biết ạ.”
Thầy cười hiền: “ừ ,vậy hả, đã đến đây rồi thì tự nhiên mà học hỏi nghe con !”
Nó dạ một tiếng rồi ngồi im re. Ông thầy chùa có làm gì nó đâu mà nó thấy tay chân mình lóng ngóng quá. Hôm nay sau khi kiểm tra lại 24 chữ cái. Thầy Thiền Tâm muốn các bạn chia sẽ về những ước mơ của mình, vì nghe đâu có một nhà hảo tâm muốn tài trợ cho lớp học. Đại Phúc ngồi đó lắng nghe từng người đứng dậy phát biểu, nhỏ Lan đứng dậy trước. Nó chắp tay hình búp sen chào thầy cùng cả lớp. Đại Phúc nhìn đôi tay con nhỏ khép lại hình búp sen sao mà đẹp quá. Nó cũng đưa tay lên tập bộ thử. Nhỏ Lan bắt đầu chia sẽ:
“Mô Phật thưa thầy! Gia đình con nghèo lắm, cơm hàng ngày ăn không đủ no. Ba con tối ngày nhậu nhẹt rồi về đánh má con. Mỗi lần như vậy má con lại bị đau mấy ngày không làm được gì, ông lại càng chì chiết hơn. Con thấy má con khóc suốt con thương lắm. tối tối con mà đi học về thế nào cũng bị ba la. ổng nói con gái học chi nhiều, lớn lên cũng bị xỏ mũi dắt đi, tụi mày cứ bày vẻ học với hành. Học có ra cơm cháo gì ăn được không. Con hứa với ba lớn lên không để ai xỏ mũi dắt đi đâu, ba nghe vậy rồi mới chịu im lặng để con đi học. Nhưng cứ dăm ba bữa ông quên ổng lại la tiếp. Con ước sao ba con đừng nhậu nhẹt cũng đừng đánh má con nữa. mỗi lần đi học về ba đừng bắt con nghĩ học..”
Nói tới đó nhỏ Lan khóc mếu máo. Đại Phúc trố mắt nhìn nó ngạc nhiên, không lẽ hạnh phúc của nó chỉ đơn giản vậy thôi sao. Đến lượt nhỏ Hà. Nhỏ ngập ngừng không biết nói sao. Thầy Thiền Tâm khích lệ: “không sao đâu Hà, con đừng ngại gì hết, có gì cứ nói ra, chúng ta là người một nhà, nếu có khó khăn gì cả nhà mình cùng giải quyết nghe!”
Con nhỏ hít một hơi lấy dũng khí rồi nói:
“Mô Phật thưa thầy con với má con sống nương tựa vào nhau. Con chỉ có má là người thân duy nhất trên đời. Con thương má con lắm. Má vì nuôi con mà hay qua lại với những người đàn ông lạ, cứ năm ba bữa má lại mang mình đầy thương tích về nhà. Cứ tối đến là má con lại đi, con ước sao má con kiếm được việc gì ban ngày mà làm đừng làm ban đêm để bị người ta đánh nữa... huhuhu..”
Thầy Tâm chợt hiểu ra cái nghề mà má bé Hà đang làm. Thầy nhìn nhỏ xót xa. Con bé còn nhỏ quá để hiểu thế nào là cái nghề: “sống làm vợ khắp người ta, đến khi chết xuống làm ma không chồng...”
“Ừ thầy biết rồi con ngồi xuống đi. Để đó rồi thầy giới thiệu cho má con làm ở xưởng may cô Tư gần chùa thầy nghe. Con cứ yên tâm mà học.’’
Đại Phúc ngồi đó nước mắt rơi tự bao giờ. Nó thương hoàn cảnh nhỏ Hà quá. Nhỏ chỉ có má thôi mà cũng không được gần gũi bao nhiêu. Thằng Nam đứng dậy chào thầy cùng cả lớp bẽn lẽn thưa:
“Mô Phật bạch thầy...ước mơ của con là ...là ...hàng ngày cha dượng chỉ đưa cho con 50 tờ vé số thôi thay vì phải bán hết 100 tờ thì con bị muộn giờ đến lớp mất. Con học biết chữ rồi sẽ đọc truyện đôremon cho hai đứa em con nghe. bạch thầy con muốn sau này lớn lên sẽ làm thầy giáo như thầy ạ hihi.”
Nói rồi nó đưa tay gãi đầu ngần ngại, Cả lớp cũng cười vui theo nó.
“Tốt lắm, thầy sẽ dìu dắt con đi để thực hiện ước mơ đó nhé. Nam à! Nghề nhà giáo là nghề cao quý và đầy ý nghĩa. sự nghiệp trồng người rất gian nan, nhưng để đào tạo nên một thế hệ trở thành những người hữu ích mai sau con hãy như thầy đừng thấy khó rồi nản nghe. ’’Thầy Thiền Tâm khi nghe qua một lượt ước mơ của những đứa học trò nhỏ của mình, rồi đứng dậy vừa bước chậm rãi vừa cất giọng:
“Được rồi mấy đứa con giỏi lắm, dù hoàn cảnh không được thuận lợi vẫn cố gắng phấn đâu vươn lên. ước mơ của các con thật dễ thương, cần được phát huy. Nhân có một nhà hảo tâm cũng là Phật Tử như các con, bác ấy già rồi, con cái thì định cư ở nước ngoài cả, bác vì không nỡ xa quê nên ở lại Việt Nam mà hương khói cho ông bà cửu huyền. Bác ấy muốn giúp các con học đến nơi đến chốn vì vậy các con hãy mạnh dạn mà thực hiện ước mơ của mình. tuy nói học chưa hẳn sẽ giàu có như ba bé Lan nói nhưng đa phần những người thành công toàn là những người có học các con ạ.”
Cả lớp học nghe như an ủi phần nào. Đại Phúc thì khỏi nói, nó ngồi yên như nuốt từng lời của thầy Tâm, nó càng nghe câu chuyện của các bạn càng nghĩ về thứ mà nó đang muốn tìm, bài toán trong nó đang dần được sáng tỏ bởi buổi chia sẽ của những người bạn mới ở lớp học của ông thầy chùa. Giọng thầy Thiền Tâm lại vang lên đều đều theo từng bước chân nhẹ nhàng chậm rãi:
“Các con à! khi chúng ta có mặt trên cuộc đời này, ai cũng muốn tìm được ý nghĩa về hạnh phúc, dù giàu sang hay nghèo khó họ vẫn có quyền được ước mơ. Để có được sự bình an, vui vẻ trong cuộc sống này. Các con biết không! khi mà các con được ngồi đây cùng thầy và các bạn chia sẽ những ước mơ, thì trên thế giới có những quốc gia chiến tranh liên tục xảy ra, không có nơi yên ổn mà sống qua ngày, có những nơi lại không có nước để dùng hàng ngày, có những bạn nhỏ như các con đang sống lay lắt qua ngày ở gầm cầu hay những khu ổ chuột. Các con có biết, có những người khi vừa mới sinh ra đã tay chân đã không đầy đủ. khi các con còn có những ước mơ cho riêng mình thì có những bạn bị nhiễm chất độc màu da cam rồi thiểu năng trí tuệ không thể có nổi cho mình một ước mơ ngoài sự khát khao mong chờ tình thương của người khác...”
Cả lớp im phăng phắc nghe thầy chia sẽ những hoàn cảnh khó khăn mà hồi giờ tụi nó chưa từng được nghe qua...
“Các con biết không trên thế giới đang nổi danh đình đám người mang biểu trưng của nghị lực là nhà diễn giả Nick vujicic. ông đã có một tuổi thơ bất hạnh khi sinh ra đã mắc một chứng bệnh bẩm sinh tetra-amelia- một loại rối loạn di truyền, gây ra tình trạng không có chân tay. Ban đầu ba mẹ của ông rất sốc nhưng cũng cùng ông vượt qua khó khăn bằng tình yêu thương của đấng sinh thành. Ông dùng bàn chân cùng hai ngón nhỏ xíu để gõ máy tính với tốc độ 45 từ trên một phút. Trong thời gian đi học Nick luôn mang cảm giác bị bỏ rơi trở thành kẻ kì cục vì mang ngoại hình quá khác thường. ước mơ của ông là muốn có đầy đủ tay chân như những người bình thường khác. Sau khi trở thành nhà diễn thuyết nổi tiếngtrên thế giới ông đã bộc bạch kêu gọi: “Đừng tuyệt vọng, đừng bỏ cuộc, hãy đứng dậy.” các con ạ! nơi đâu có nghị lực nơi đó sẽ có con đường. Chúng ta thật may mắn khi còn có chân để mang dép, còn có tay để viết chữ và làm nhiều việc. Hạnh phúc đơn giản là biết chấp nhận thực tại và trân quý với những gì mình đang có. Cố gắng nổ lực sống tốt mỗi ngày, mở lòng ra để cảm nhận và thấu hiểu những người thân bên cạnh chúng ta. Thầy hỏi các con nếu như có người đầy đủ cha mẹ để yêu thương, có hết tất cả những gì mà các con đang mong muốn mà vẫn không hạnh phúc các con nghĩ sao?”
Cả lớp đông thanh trả lời: “Dạ mô Phật không đâu ạ! được như vậy là tốt nhất rồi ạ!”
Thầy Thiền Tâm trìu mến nhìn những đứa học trò thân yêu cười hiền:
“Có đấy các con ạ! dù bất cứ hoàn cảnh nào nếu không biết dừng lại sự tham muốn của mình, không thấy được hết giá trị hạnh phúc đang có mặt ngay bên cạnh chúng ta. Thì dù có được thuận duyên hơn bao người vẫn cảm thấy không hài lòng. Vì vậy thầy muốn các con phải nổ lực hơn nữa bằng cách học tập cho tốt và trân trọng hạnh phúc ngay thực tại của chính mình có được không ?”
Đại Phúc ngồi yên lặng không nói gì, bài toán ẩn số trong nó dường như đã được giải mã. Ba má nó giờ chắc đang lo lắng lắm, chưa bao giờ nó thấy thương ba má nó như lúc này. Bất chợt thầy Thiền Tâm quay lại hỏi nó: “ Đại Phúc còn con, ước mơ của con là gì?”
Nó đứng phắt dậy, chắp tay hình búp sen trả lời dứt khoát:
“Mô Phật bạch thầy ước mơ của con là...con xin phép thầy và các bạn con về với ba má con đây.”
Nói rồi nó vụt chạy như ma đuổi, vừa chạy vừa hét vang trời trong sự ngỡ ngàng của mấy đứa nhỏ: “Ba má ơi! hạnh phúc của con ơi! thực tại của con ơi! con về với ba má đây!”
Ngoài trời những hạt mưa cuối thu bay bay hòa cùng nước mắt của Đại Phúc. Trong giảng đường còn đó những ước mơ đang từng ngày được thắp sáng và hình ảnh người thầy với màu áo nâu sòng giản dị lặng lẽ giữa đêm mưa.
Team Uống Trà Thôi sưu tầm