Chán đi làm ư, hãy thấm nhuần 2 triết lý sâu sắc về sự nghiệp của tỷ phú Nhật Bản Inamori Kazuo

Tỷ phú Inamori Kazuo cho rằng xu hướng chán đi làm, chỉ muốn hưởng thụ của người trẻ thực chất chỉ là ham muốn thoáng qua, để lại nhiều hậu quả.

Sống Đẹp

 

Thời gian gần đây, các nhà quản lý toàn cầu đang đau đầu với vấn đề "quiet quitting" - nôm na là âm thầm nghỉ việc. Đây là thuật ngữ được dùng để ám chỉ những nhân viên không còn hứng thú với công việc, chỉ làm vừa đủ, không muốn gắn bó, tiếp xúc nhiều với đồng nghiệp. 

Xu hướng này không mới, nhưng chúng đang bùng nổ mạnh mẽ hậu đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp đang phải loay hoay tìm cách thúc đẩy, truyền cảm hứng cho nhân viên, đặc biệt là với người trẻ.

 

Tỷ phú Inamori Kazuo - người được mệnh danh là "vị thần kinh doanh" Nhật Bản đã từng bàn luận về vấn đề này. Ông là nhà sáng lập 2 đế chế tỷ đô là công ty Kyocera và tập đoàn viễn thông KDDT. Chưa kể, ông còn là người đã vực dậy hãng hàng không quốc gia Japan Airlines đang trên bờ vực phá sản. Dưới đây là 2 triết lý sâu sắc mà ông dành cho thế hệ trẻ chán đi làm:

Muốn có trứng, hãy chăm sóc gà mẹ

Inamori Kazuo từng viết, điều mà mọi người thực sự thích thú là quá trình lao động. Bạn có thể tìm thấy niềm vui tạm thời khi bỏ bê công việc để giải trí, nhưng điều đó không xuất phát từ đáy lòng. Không có niềm vui nào trong cuộc sống lớn hơn được làm việc chăm chỉ, nghiêm túc vượt qua khó khăn và cực khổ tạo ra thành quả.

Những điều này được nhà tỷ phú dành nhiều năm để đúc kết và chia sẻ kinh nghiệm mình học được với nhiều người. Ông không chỉ nổi tiếng vì những thành tựu kinh doanh mà còn bằng quan điểm quản lý khác lạ. Thay vì thúc giục công nhân tạo ra sản phẩm tốt nhất, ông khuyến khích tạo ra sự hoàn hảo. Trang web Kyocera của Nhật liệt kê 46 cuốn sách mà Inamori viết hoặc đồng tác giả, có nội dung về quản lý và triết học, nhận được sự quan tâm lớn của hàng nghìn sinh viên.

 

Trên thực tế nhiều người thuộc thế hệ trẻ (Gen Z) đang muốn cố gắng thoát khỏi văn hóa làm việc hối hả sau hai năm dịch. Nhưng sự khác biệt của Inamori với các nhà quản lý khác là hiểu được tầm quan trọng của việc chăm lo đời sống cho nhân viên. Thay vì ép buộc họ làm việc theo quy tắc, khuôn khổ, nhà tỷ phú thu hút lao động bằng cách cho phép họ làm việc độc lập.

Ở những năm 1950, cụm từ "sự gắn kết của nhân viên với công ty" chưa phổ biến, nhưng Inamori hiểu nhu cầu tối quan trọng đối với sự tham gia của nhân viên trong bộ máy hoạt động. Ông thúc đẩy sự minh bạch triệt để về kết quả kinh doanh và mong muốn biến Kyocera là nơi nhân viên sẽ trở thành ông chủ.

Học cách yêu thích công việc

2-triet-ly-ve-su-nghiep-cho-nguoi-tre-chan-lam-cua-inamori-kazuo

Cuộc thăm dò của Gallup hồi tháng 6 trên 15.000 công nhân Mỹ, cho thấy số người hết hứng thú với công việc, mong muốn nghỉ việc có thể chiếm một nửa lực lượng lao động Mỹ. Xu hướng này đang gia tăng ở thế hệ Millennials và Gen Z, những người thường phàn nàn khi không được hỗ trợ và thiếu cơ hội phát triển tại nơi làm việc. Khảo sát của ResumeBuilder.com chỉ ra 21% người lao động Mỹ đã ngừng cống hiến cho công việc.

Inamori Kazuo cho rằng người quản lý không chỉ cần nghĩ cách để đạt mục đích cho công ty, mà còn phải quan tâm đến hạnh phúc của mỗi nhân viên. Nếu chỉ chú tâm hướng tới lợi nhuận, mối quan hệ giữa ban lãnh đạo và công nhân sớm bị phá vỡ.

 

Theo Viện Chính sách Kinh tế Mỹ, lương của các CEO đã tăng 1.300% từ năm 1978, hiện cao hơn 351 lần so với lao động bình thường. Khoảng cách và sự tách rời giữa người lao động và cấp quản lý dường như là hệ quả tất yếu.

Tỷ phú người Nhật nhấn mạnh, người lao động không phải công cụ dễ dàng bị thay thế, loại bỏ khi hết giá trị sử dụng. Lãnh đạo doanh nghiệp cần làm việc chăm chỉ, thậm chí là siêng năng hơn nhân viên, luôn đồng hành và chấp nhận ngủ trên sàn nhà máy nếu cần.

Với Inamori, đây không chỉ là lời nói suông. Ông đã chiến đấu để duy trì nhân công, chống lại việc tái cơ cấu khi công ty ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970.

Riêng với xu hướng "quiet quitting", ông Inamori từng khuyên người lao động nên tìm kiếm công việc đúng sở trường, học cách yêu thích khi nhận nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Đây là cách để chống lại trào lưu nghỉ việc trong im lặng không bền vững.

Theo Bloomberg

Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết