Làm sao để tâm an giữa dòng đời nhiều thị phi?

Người ta thường hay nói câu “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, ý nghĩa là một người sống cần có ý chí kiên định, tâm ngay chính không bị những điều xấu động đến tâm của mình. Ngoài ra còn phải biết sống tĩnh tâm, có nội tâm thanh tịnh để không bị vướng vào những thị phi của cuộc sống.

Hầu hết mọi người chúng ta ai cũng mong muốn có được một tâm hồn thanh tịnh trong cuộc sống của mình. Ai cũng muốn có được hạnh phúc để quên đi những khó khăn, vất vả và những lo âu trong lòng, tận hưởng những giây phút an lạc trong nội tâm, thoát khỏi những lo toan phiền muộn không đáng có.

 

Tuy nhiên trong cuộc sống đầy rẫy những bon chen, những thị phi, những dụ dỗ mê hoặc của nếp hiện đại thì thật sự khó mà làm được “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” được. Cuộc sống với những bộn bề lo toan khiến con người ta luôn bận rộn để mưu sinh mà quết mất đi những cái bình dị để có một nội tâm an lành giữa cuộc đời.

Có một cô gái rất thuần thành, hằng ngày đều hái hoa trong vườn nhà mình mang đến chùa dâng cúng Phật. Một hôm khi cô đang mang hoa tươi đến chùa, thì tình cờ gặp vị thiền sư từ trong chùa đi ra.

Thiền sư nói với cô gái: “Con mỗi ngày đều thành tâm mang hoa hương đến chùa cúng Phật như thế, y theo lời ghi: Người nào thường dùng hoa hương cúng Phật, đời sau sẽ được quả báo tướng mạo xinh đẹp”.

Cô gái vui vẻ đáp: “Đây là việc nên làm, con mỗi ngày khi đến chùa lễ Phật, tự cảm thấy trong tâm mát mẻ, giống như đã tẩy sạch hết các lỗi lầm. Nhưng về đến nhà thì tâm khởi lên buồn phiền, vì gia đình chúng con ở giữa phố thị ồn ào thì làm sao giữ được tâm thuần trong sáng thanh tịnh được.”

Thiền sư hỏi cô gái: “Con dâng hoa tươi cúng Phật, chắc là con có chút hiểu biết về hoa. Bây giờ thầy hỏi con, làm thế nào để giữ gìn cho hoa thường được tươi đẹp.”

 

Cô gái đáp: “Phương pháp giữ cho đóa hoa tươi đẹp là mỗi ngày phải thay nước và cắt bỏ một phần dưới của thân hoa, vì phần dưới thân ngâm trong nước nên dễ bị hư thối, khi hư thối thì không hút được chất dinh dưỡng, dẫn đến hoa mau héo tàn.

Thiền sư nói: “Việc giữ gìn tâm trong sáng thanh tịnh cũng như thế. Hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta cũng giống như nước trong bình. Chúng ta chính là hoa, chỉ có thường xuyên thanh lọc thân tâm thanh tịnh sửa đổi tập khí và không ngừng sám hối, tự kiểm điểm, cải thiện tật xấu, khuyết điểm, mới có thể thu nhập được nhiều hạnh phúc an vui.

Cô gái nghe xong, cảm ơn vị thiền sư và nói: “Cảm ơn thầy đã chỉ dạy. Hy vọng sau này con sẽ dùng chính hoàn cảnh cuộc sống của mình để sửa đổi những cái xấu của mình, để có được nội tâm an lành”.

Người ta thường nói “thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”, ý là tu tại gia là quan trọng nhất, vượt trên hai loại còn lại, khó nhì tu chợ, và dễ hơn khi tu ở chùa. Thường khi tu ở chùa thì người ta không còn tiếp xúc trực tiếp với những mâu thuẫn, đoạt tuyệt khỏi danh lợi tình nên người ta có thể tạm thời giữ được tâm tính, tuy nhiên khi quay trở về cuộc sống hiện thực thì họ có giữ vững được tâm tính không mới là điều quan trọng.

Tu tại gia chính là ngay trong hoàn cảnh gia đình phức tạp mà vứt bỏ những tức giận, những ham muốn ích kỷ, hóa giải những mâu thuẫn từ đó có được nội tâm an lành ngay trong chính cuộc sống đầy thị phi. Tuy nhiên để làm được điều này cũng không phải là điều dễ dàng, bởi chúng ta còn rất nhiều thứ danh lợi tình, và những ham muốn chưa có thể buông bỏ, xem nhẹ được.

 

Trong phật giáo giảng rằng: Người bảo vệ danh tiếng, thể diện, sĩ diện của bản thân, thì sẽ bực tức, oán hận khi có ai đó hạ nhục, coi thường mình.

Người bảo vệ gia tài, lợi lộc, thì khi bị mất mát tiền của sẽ đau như cắt từng khúc ruột, tranh đấu mãi khiến thân thể hao mòn.

Người bảo vệ sắc đẹp, thì ắt sinh lo buồn ủ rũ khi nhan sắc tàn phai theo năm tháng.

Người bảo vệ tình cảm nam nữ, thì không tránh khỏi thất tình khi bị hờ hững, phản bội.

Người bảo vệ tình cảm thân quyến, thì như ngọn cỏ trước gió, hễ người thân gặp phải chuyện gì thì chính mình cũng không gượng dậy được.

 

Trong cuộc sống, mỗi ngày chúng ta phải đối diện với biết bao những điều không vừa ý, những bực bội và những tình huống khó để vượt quá tầm kiểm soát của bản thân chúng ta. Nếu mỗi người thay đổi được những điều đó thì quá tốt nhưng không phải lúc nào cũng có thể làm được. Chúng ta phải học cách làm quen với những việc này và chấp nhận chúng một cách vui vẻ.

Con người luôn chạy đua với tiền bạc danh vọng, làm cuộc sống đầy căng thẳng, tiếc nuối quá khứ vàng son danh vọng và mong trẻ mãi không già. Chúng ta nên học cách xem nhẹ và hài lòng với những gì mình có. 

Muốn có tâm an lạc mỗi người hãy  cố gắng tu sửa thân bằng cách sống cuộc sống lành mạnh, thứ mà chúng ta bảo vệ trên đời này chính là đạo đức. Người bảo vệ đạo đức thì không bực tức khi bị sỉ nhục, không thất vọng khi bị lạnh nhạt, không bất an khi gia đình có chuyện chẳng hay, không lo buồn theo năm tháng, vì sỉ nhục, lạnh nhạt, hoạn nạn và tuổi già cũng không động đến được đạo đức của họ.

Đừng nên hy vọng vào môi trường sẽ giúp cho chúng ta an toàn, và cũng không hy vọng vào người khác đến bảo vệ chúng ta. Quan trọng nhất là hãy tự tìm sự bình an ở nội tâm hơn là tìm cầu từ thế giới bên ngoài, như vậy bạn sẽ có một nội tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.
Team Uống Trà Thôi sưu tầm

Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết