Chè cổ bao nhiêu năm tuổi?

Văn hóa Trà đã trở thành một biểu tượng đẹp trong Văn hóa truyền thống của người Việt, được tạo nên trong phong tục tập quán, trong sự giao thoa tín ngưỡng giữa Trời và Đất rất đặc trưng của người Việt Nam. Với người Việt, uống chè (trà) đã trở nên quen thuộc trong đời sống. Đi qua những vùng chè còn là một hành trình văn hóa đầy cảm xúc, từ câu chuyện người làm chè đến những khám phá thú vị xoay quanh cây chè khắp miền đất nước.

Cây chè Việt Nam được chia thành hai vùng rõ rệt: vùng chè đặc sản và vùng chè công nghiệp. Chè đặc sản còn gọi là chè cổ với những cây chè cổ thụ có thân to từ một đến hai người ôm, cao từ 10-40 mét, mọc trải dài khắp các tỉnh từ Đông Bắc đến Tây Bắc. Chè công nghiệp là những giống chè được người Pháp du nhập vào Việt Nam, phát triển nhân rộng ra các vùng chè nổi tiếng như ở Lâm Đồng, Phú Thọ, Mộc Châu, Thái Nguyên...

Có thể nói không quốc gia nào nắm giữ nguồn nguyên liệu chè cổ thụ phong phú, đa dạng, chiếm diện tích rộng lớn, có số lượng cây chè thân to như ở Việt Nam. Khắp các tỉnh từ Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Thái Nguyên... đều có những vùng chè cổ thụ nổi tiếng. Ngoài những vùng chè đã được người Dao, Mông, Thái, Tày... khai thác từ lâu đời, có những phát hiện mới như rừng chè nguyên sinh ở độ cao 2.200 mét trên đỉnh Phanxipan (Lào Cai), những cây chè to đến hai người ôm, cao trên 30 mét ở núi Hồng (Thái Nguyên).

Theo đại diện Viện Nghiên cứu Chè Việt Nam cho biết: “Trên bản đồ ngành chè thế giới, dải chè cổ kéo dài qua các quốc gia như Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam. Giống chè cổ ở các quốc gia này đều có nét tương đồng và được định danh là giống chè shan tuyết cổ thụ. Việt Nam cũng có vùng chè san tuyết rộng lớn, nhưng không thể lấy đó để khẳng định rằng Việt Nam là thủy tổ của ngành chè thế giới. Theo tôi, chỉ có thể nói rằng Việt Nam là một trong những cái nôi của ngành chè thế giới”.

Cụ Càn, 72 tuổi, người Dao ở thôn Nhìu Sang (Xín Chải, Hà Giang) kể: “Từ hồi bé đã thấy bố mẹ gùi chè về phơi ở sân nhà. Lớn khoảng 13-14 tuổi thì được mẹ đưa lên đồi chè dạy cho cách hái chè. Khi ấy cây chè đã to hơn thân người. Nay những gốc chè ấy vẫn không to thêm là bao. Biết thế thôi chứ chẳng nghe kể chè này do ai trồng cả”.

Chỉ ở Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) có cây chè lớn nhất vùng (là cây chè tổ Suối Giàng), thân to hơn một vòng tay người ôm, được các nhà khoa học xác định có hơn 300 năm tuổi. Còn lại những vùng chè cổ khác, tuổi của cây chè được phỏng tính theo cách ước lượng đời người sống theo cây chè. Ở bản Hấu Chua ven con sông Đà, phần ranh giới tận cùng của Điện Biên giáp Sơn La, ông trưởng bản Hạng A Chư được chúng tôi gọi là “vua chè cổ” bởi ông đang sở hữu một vườn chè cổ thụ hơn 400 cây, cao từ 8-15 mét, có nhiều gốc to hai người ôm không xuể. Ông Chư cho biết: “Bố mình hồi nhỏ có lấy hạt chè ngoài vườn, trồng lên một cây, nay đã hơn 80 năm, đường kính nó chỉ khoảng 30 cm. Vườn nhà mình có mấy cây to hơn hai người ôm, nghĩ chắc nó phải hơn 300 tuổi rồi”.

Được biết, nét đặc trưng của những vùng chè cổ thụ là người dân địa phương không tốn công gieo trồng chăm bón, chỉ thu hái theo vụ mùa và phó mặc cho đất trời nuôi dưỡng. Vùng chè cổ thụ thường ở độ cao trung bình từ 1.500 mét so với mực nước biển, quanh năm được mây núi, sương lạnh che phủ, thời tiết khắc nghiệt, giúp cây chè có sức sống mãnh liệt, tạo hương vị đặc trưng.

(theo tạp chí kinh tế)
0 0 10,682 0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết