Bài kệ của cụ Từ Đạo Hạnh

Đọc sách gặp cụ Từ Đạo Hạnh, vị cao tăng pháp lực lừng lẫy thời Lý ấy đến nay trước tác chỉ còn vỏn vẹn bốn bài thơ.

Trong bốn bài ấy có một bài thấy ghi là “Vấn Kiều Trí Huyền”. Xong đọc thêm một ít nữa lại gặp bài thơ của Kiều Trí Huyền đáp lại Từ Đạo Hạnh.

Cụ Từ Đạo Hạnh mất năm 1117, đến nay đã 905 năm. Trong ngần ấy thời gian, mà xứ này còn giữ được (dù không có bản gốc) nội dung hỏi đáp của hai cụ như vậy thì thiệt là hy hữu. Đó là chưa kể, cụ Kiều Trí Huyền là ai, năm sanh năm mất thế nào cũng không biết luôn, người soạn sách thấy hai bài hỏi đáp thì đoán định là cụ Huyền sống cùng thời cụ Hạnh, vậy thôi.

Tuy nhiên vì hai bài hỏi đáp này đều là ý thiền, nên bèn hỗn dịch một phen:

=Vấn Kiều Trí Huyền=

Cửu hỗn phàm trần vị thức câm

Bất tri hà xứ thị chân tâm

Nguyện thùy chỉ đích khai phương tiện

Liễu kiến như như khổ đoạn tầm.

問喬智玄

久混凡塵未識金

不知何處是真心

願垂指的開方便

了見如如苦斷尋。

Hỗn dịch:

[Hỏi Kiều Trí Huyền

Đãi cát lâu nay chửa thấy vàng

Chân tâm nào biết dọc hay ngang

Mong ngài cúi chỉ cho manh mối

Đặng thấy như như khỏi lộn làng.]

=Đáp Từ Đạo Hạnh chân tâm chi vấn=

Ngọc lý bí thanh diễn diệu âm

Cá trung mãn mục lộ thiền tâm

Hà sa cảnh thị bồ đề đạo

Nghĩ hướng bồ đề cách vạn tầm.

答徐道行真心之問

玉里秘聲演妙音

個中滿目露禪心

河沙境是菩提道

擬向菩提隔萬尋。

Hỗn dịch:

[Tiếng ngọc vốn nằm trong khối ngọc

Tâm thiền cũng vậy có nơi nơi

Bao nhiêu cảnh ấy bồ đề cả

Toan đến bồ đề mới cách vời.]

***

Chuyện thì hay, và trong chuyện có hai bài thơ, cũng rất hay. Một bài mình nghe từ lâu, là nghe từ bản dịch, bốn câu lục bát, cứ ngỡ thiền sư nào đó làm, hóa ra là dịch từ bài kệ của cụ Từ Đạo Hạnh:

Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Xưa nay bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có có không là gì,

Đến chừng đọc được bài thơ của Từ Đạo Hạnh, vỡ lẽ rằng bốn câu lục bát kia là dịch từ bài chữ Hán, thì lại nhận thấy có nhiều bản chép cái bản chữ Hán ấy khác nhau. Trên mạng cũng dị bản lung tung. Nay theo bản dịch của Lê Hữu Mục, Khai Trí in tại Sài Gòn năm 1960, có bản chữ Hán thì bài thơ cụ Từ Đạo Hạnh như sau:

作有沙塵有
爲空一相空
有空如水月
勿著是空空。
Tác hữu sa trần hữu
Vi không nhất tướng không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước thị không không.

Xem lại nguyên tác, thì bài lục bát trên kia dịch rất hay 2 câu đầu, mà rất thoát 2 câu cuối, đặc biệt là câu 4 thì khác ý hẳn. Trong khi đó ý của câu 4 là một ý rất quan trọng: Vật trước hữu không không. Xem một lượt các bản dịch, dường như điểm chung đều bỏ chữ “vật trước” không dịch. Trong khi đây là một dạng thơ làm theo văn nói của cụ Từ Đạo Hạnh, lại nói theo thiền ngữ, dịch cho đạt, thật không đơn giản. Nghĩa của bốn câu ấy thế này: Nếu nhận mọi vật là có thì từ mảy bụi hạt cát cũng là có/ Còn nếu xem mọi vật là không thì tất cả đều không/ Có không như trăng trong nước/ Đừng làm cho có thì cũng tức là không không.

Thấy tình hình như vậy, nên chỉ có thể hỗn dịch thế này:

Nhận là có có từ bụi mảy
Xem là không tất thảy đều không
Có không như nước trăng lồng
Đừng thành có tức không không vậy mà.

Trong chuyện Từ Đạo Hạnh còn bài thơ Thu lai bất báo nhạn lai quy, nhớ năm xưa hồi năm thứ nhất đại học bập bõm đọc bài này trên cái tháp hậu viên tu viện Vĩnh Đức với bác Do Thien Dang. Không biết nay bác còn nhớ không.

秋來不報鴈來歸
冷笑人間暫發悲
爲報門人休眷戀
古師幾度作今師。
(徐道行)
Thu lai bất báo nhạn lai quy
Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi
Vị báo môn nhân hưu quyến luyến
Cổ si kỷ độ tác kim si.

Bài này, cụ Lê Hữu Mục dịch một bản thiệt hay:

Thu sang chẳng báo nhạn về đây
Cười bấy nhân gian nước mắt đầy
Nhắn với môn nhân đừng luyến tiếc
Thầy xưa mấy độ, đến thầy nay.

Bài này là Từ Đạo Hạnh làm trước khi “cởi thây mà đi”, tức quyết định tái sinh làm vua Lý Thần Tông, cụ làm dặn với đệ tử như vậy.
Cơ mà bản dịch của cụ Lê Hữu Mục hay nhưng không hỗn. Mình bèn hỗn dịch một phen:

Thu sang chẳng báo nhạn về
Cười nhân gian tạm não nề thương thay
Con đừng quyến luyến, không hay
Thầy xưa tái thế thầy nay mấy hồi.

Đề Ngạn
Thông tin về Thiền sư: Từ Đạo Hạnh
https://phatgiao.org.vn/thien-su-tu-dao-hanh-lich-su-va-huyen-thoai-d34584.html

Team Uống Trà Thôi sưu tầm
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết