PHƯỚC ĐỨC KHÁC CÔNG ĐỨC

Trong Pháp bảo đàn kinh, phẩm Giải quyết nghi hoặc có đoạn Vi thứ sử hỏi Lục tổ về chuyện tổ Bồ Đề Đạt Ma từng bảo Lương Võ Đế bao năm cất chùa tạo tượng bố thí chư tăng là “không có công đức gì cả”.

Lục tổ khẳng định: “Thật không công đức, chớ nghi ngờ lời của thánh nhân xưa”. Sau đó Lục tổ giảng thêm sở dĩ vậy là vì Lương Võ Đế lúc làm các việc tốt đẹp kia nhưng với tâm tà, không biết chánh pháp, chỉ làm với tâm cầu phước chứ không phải công đức. “Không thể đem phước mà bảo là công đức”, Lục tổ nói với Vi thứ sử.

Ở đoạn sau giảng cho đại chúng, Lục tổ nhắc lại: “Vì phước đức và công đức khác nhau. Võ đế không biết chơn lý, chứ không phải tổ sư chúng ta nói sai”.

Như vậy, rất có thể từ bấy đến nay còn không ít người nhận lầm phước đức là công đức. Tất nhiên tu phước cũng là hay rồi, ra sức làm thiện để kiếm chút phước đức còn hơn là làm ác để đọa vào chỗ xấu chớ.

Nhưng tu thì không phải vậy, vì tu là giải thoát. Giải là cởi ra, thoát là hết bị ràng buộc.

Cởi cái gì ra? Cái gì ràng buộc?

Câu trả lời thuộc về thế giới tướng. Người đời bị phiền não trói buộc. Phiền não do nghiệp xấu từ trước ứng thành quả xấu hiện hành. Cởi là cởi cái nghiệp xấu ấy, không để bị trói buộc nữa. Thoát là không còn bị nghiệp xấu ràng buộc nữa.

Người không tu, tâm còn tham sân si kiêu mạn vân vân, sẽ dẫn đến hành động xấu, tạo thành nghiệp xấu trói buộc lẩn quẩn trong luân hồi.

Người tu phước không trừ bỏ tham sân si kiêu mạn vân vân, mà khởi tâm làm thiện để cầu được quả tốt. Tu như vậy sẽ được nghiệp thiện trói buộc lẩn quẩn trong luân hồi.

Cổ nhân lấy thí dụ nghiệp xấu như xiềng xích bằng gai sắt, nghiệp thiện như xiềng xích bằng dây vàng. Rốt cuộc người bị trói vẫn còn bị trói.

Bị trói bằng xích sắt và bị trói bằng xích vàng, thì vật trói khác nhau mà tình trạng bị trói vẫn như nhau.

Nhưng chúng sanh chưa vội nghĩ sâu, lòng tham thấy đổi được xích sắt sang xích vàng là hay rồi.

Nhưng Nho gia như Nguyễn Công Trứ còn nhận thấy rằng “Dù ai ruộng sâu trâu nái đụn lúa kho vàng cũng bất quá thủ tài chi lỗ”, thế mà lắm người tự nhận mình tu theo Phật, lại chỉ một lòng cầu sao cho được phước, thấy kiếp này có phận giữ tiền thì quên mất đâu là chánh pháp đâu là công đức. Chẳng đáng tiếc hay sao?

Thế còn công đức thì nhận biết thế nào?

Cái này Lục tổ có giảng một đoạn, rõ ràng giản dị. Trong đó có một ý thế này: “Tự tu tánh là công, tự tu thân là đức. Thiện tri thức! Công đức thì cốt thấy trong tự tánh, không phải tìm cầu nơi việc bố thí cúng dường”.

Nói vậy nhưng là việc khó. Ai có hiểu không?

Đề Ngạn
Team Uống Trà Thôi sưu tầm
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết