Môi Trường Của Nhân Quả

Một hòn đá rớt xuống hồ nước yên lặng, thế rồi những vòng sóng tỏa đi càng lúc càng xa. Mặt nước là môi trường để cho sóng lan tỏa sau khi nhận được kích động bởi sự va chạm của hòn đá.

Không khí là môi trường truyền đi của âm thanh. Nước là môi trường sinh sống của cá. Vật trong suốt là môi trường của ánh sáng.

Những gì có biến thiên thay đổi đều có môi trường của nó và luật Nhân Quả cũng vậy, cũng có một môi trường để cho một tác nhân biến đổi thành quả báo.

Chị Chín đã khóc khá nhiều sau cái chết đột ngột của anh Chín. Hôm anh Chín từ nhà đi bộ qua thăm Bác Ba bên kia làng. Anh đã chọn lối đi bên trái thay vì lối đi bên phải và giữa đường một cành cây khô gãy rơi xuống trúng vào đầu anh. Anh tắt thở khi được đem đến bệnh viện.

Tai nạn của anh được kết thành bởi hai điều kiện, do ý tưởng của anh chọn lối đi bên trái (điều kiện nội tại) và do cành cây khô gãy đúng lúc anh đi ngang (điều kiện ngoại tại).

Luật Nhân Quả đã chi phối và tác động khắp nơi, tận trong tư tưởng và trùm phủ nơi vạn vật.


Môi trường để cho Nhân Quả vận hành quả là lớn lao và thấu đáo, thẳm thấu nơi tâm và vật, ứng hiện nơi loài có tri giác và loài không tri giác, rõ ràng nơi từng tâm niệm vi tế và trùm khắp mênh mông trong vũ trụ, nhỏ nhiệm như mũi kim và thênh thang như pháp giới. Môi trường này mắt không thể thấy tai không thể nghe, rờ không thể chạm, không có hình tướng, rất là thanh tịnh vắng lặng, nhưng khi đã khởi tác dụng thì giông bão quay cuồng, quả đất rung chuyển, gió thổi sóng xô, bốn mùa thay đổi. Tốt đẹp thì mưa gió thuận hòa, nắng ấm xuân sang, mùa màng tươi tốt. Xấu xa thì ngập lụt bão tố, hạn hán khô cằn, cây trồng trơ trụi. Ứng nơi vạn hữu thì gọi tên là Pháp tánh, Chân như, nếu cần gọi là Thượng đế cũng được nhưng không phải Thượng đế theo quan niệm sai lầm từ trước. Ứng nơi con người cũng thành nhiều tên gọi. Theo tính cách biết rõ Nhân Quả thì gọi là lương tâm, theo tính cách bất sanh bất diệt (không có bắt đầu, không có chấm dứt) thì gọi là Chơn tâm, theo tính cách sáng suốt liễu tri thì gọi là Trí tuệ, theo tính cách giải thoát thanh tịnh thì gọi là Niết Bàn, theo tính cách thương yêu bình đẳng vạn loài thì gọi là Thể Đại bi, theo tính cách vượt khỏi tâm thức sinh diệt thì gọi là Vô ngã... Chính vì có môi trường kỳ diệu này mà có sự vận hành của Nhân Quả Nghiệp báo. Nếu không có môi trường kỳ diệu này thì không có sự vận hành của Nhân Quả.

Nếu người nào có thể lắng tâm mình đến tột cùng và giác ngộ được môi trường này, thể tánh này sẽ thấy rõ sự vận hành của Nhân Quả. Có nhiều người tu tập Thiền Định, tuy có phần định tâm nhưng chưa thể giác ngộ toàn triệt thể tánh kỳ diệu này vẫn không thấy được đường đi của Nhân Quả. Phải là bậc giác ngộ viên mãn thể tánh đó mới "KHÔNG MƠ HỒ VỀ NHÂN QUẢ".

Thiền sư Tổ Giác Hoa Nghiêm sau khi triệt ngộ đã làm bài kệ:

"Ra rừng như cũ vào bồng hao (2 loại cỏ)

Lưới trời lồng lộng trốn được nào

Ai tin nghiệp duyên không thể trốn

Trở về chẳng sợ lời nói cao"

Nếu ngộ đến chỗ thấy không lầm Nhân Quả mới có thể không còn lúng túng trước sự gạn hỏi của người khác về thiền đạo.

Thể tánh này vừa trùm khắp không gian, tuy có nơi tâm một người mà vẫn bao hàm cả pháp giới, tuy rõ ràng tại một sát na mà vẫn phủ trọn cả ba đời (Quá khứ, hiện tại, vị lai). Với người chưa giác ngộ thể tánh này, còn nhìn vạn hữu theo tâm thức dao động, những kiến thức hạn chế trong tập hợp này thì thấy không gian là sai khác. Điểm A không phải là điểm B, lúc 5 giờ không phải là lúc 6 giờ. Nhưng người có tâm thức an định, giác ngộ thể tánh này một cách viên mãn thì không phải vậy. Thể tánh này hiện hữu nơi điểm A nhưng vẫn rõ ràng tại điểm B, chẳng những riêng tại A và B mà còn đầy đủ cả pháp giới. Dòng thời gian đều đặn trôi chảy nhưng không trôi chảy khỏi thể tánh này, dòng thời gian vô vùng vô tận vẫn nằm gọn trong thể tánh kỳ diệu kia.

Đây là điều mà người chưa giác ngộ không thể nào thấy được, không thể nào tưởng tượng suy nghĩ tới được. Bởi vì sao? Chỉ vì tâm suy tưởng quá nhỏ hẹp và hạn chế. Cũng như không thể tìm thấy số vô tỷ trong tập hợp N chỉ gồm các số nguyên tự nhiên.

Với con mắt phàm tục đầy loạn động như chúng ta, quá khứ là cái gì đã qua mất không còn tìm thấy được nơi hiện tại, và vị lai là cái gì chưa đến cũng không tìm thấy được nơi hiện tại. Nhưng người giác ngộ lại thấy rõ cả quá khứ, hiện tại và vị lai đều nằm gọn trong thể tánh. Tác nhân từ quá khứ trôi chảy trong môi trường thể tánh đến hiện tại và vị lai, kết thành quả báo khi duyên đã đầy đủ. Chính vì môi trường thể tánh thông đạt cả tâm và vật nên có những quả báo sinh ra nơi tâm như được thông minh trí tuệ, hoặc sinh ra nơi vật như mùa màng thuận lợi, hoặc kết hợp vừa tâm vừa vật như một người dự định công chuyện lại được hoàn cảnh may mắn để thành công.

Cái dụng của thể tánh rất lớn người chưa giác ngộ còn si mê tạo các nghiệp, đến khi quả báo thành có thể làm đất sụp, núi lở, cuồng phong, lửa cháy. Hoặc người tạo thiện nghiệp đến khi quả báo thành có thể gió yên sóng lặng, nắng ấm trời trong, thú dữ qui phục, cây trái tốt tươi, mùa màng thạnh mậu. Khi có phước tâm người ta dễ ứng thành những trực giác bén nhạy quyết đoán công việc mau lẹ chính xác, hoặc đoán ra thủ đoạn của đối phương để đối phó, hoặc ứng ra qui luật chinh phục lòng người. Những nhà lãnh tụ chính trị đều có cái phước này. Tuy nhiên đó là dụng lực theo nghiệp. Đối với người đã giác ngộ đạt được quả báo lớn lao, có thể từ nơi thể tánh này khởi lên những dụng lực phi thường. Đây là dụng theo nguyện. Những thần thông của Phật và chư vị đệ tử Alahán ghi đầy trong kinh điển đều là dụng lực theo nguyện. Các vị có thể một thân hóa thành nhiều thân, dập tắt một cơn cháy rừng, hóa ra lửa cháy, biến ra nước trôi, thâu ngắn kéo dài không gian thời gian... tùy ý tự tại rất là kỳ diệu.

Có nhiều thể tánh hay chỉ có duy nhất một thể tánh?

Đây là câu hỏi tế nhị và cần thiết.

Thể tánh này là tịch lặng và vô ngã.

Bản ngã là riêng nhưng VÔ NGÃ thì không phải riêng. Tất cả những ai đã thể nhập được thể tánh này thì cùng hòa chung nhau trong tính chất trí tuệ và từ bi. Tất cả đều cảm ứng giao hòa với nhau không còn ngăn cách. Một vị khởi dụng thì các vị khác đều biết rõ. Trong thể tánh này, mọi cái riêng rẻ đều vắng bóng. Tuy nhiên, nếu một vị chợt khởi niệm quan sát, khởi công hạnh từ bi thì vẫn là thuộc về riêng của vị đó mà tất cả vị Alahán, tất cả chư Phật đều biết rõ và hỗ trợ. Thể thì không phải riêng, nhưng dụng và hạnh thì riêng. Tất cả chư Phật đã nhập Niết Bàn đều trở thành duy nhất.

Chính vì tính chất chung của thể tánh nên có hiện tượng cộng nghiệp (nghiệp chung).

– Người dân Koweik cùng sống trên cái túi dầu và chính phủ phải phát lương cho học sinh vì thu nhập quá nhiều.

Cánh đồng phù sa màu mỡ, sông nước mênh mông nên người dân miền nam bộ Việt Nam được dễ dàng lương thực.

Cơn bão vừa rồi làm ngập lụt cuốn trôi cả làng ven biển và phá hoại cánh đồng lúa của huyện.

Cơn động đất ở Tây Ban Nha làm chết nhiều người và hư hại tài sản khá nặng của dân chúng trong vùng.

Những trường hợp tương tự như trên đều là nghiệp chung của nhiều người. Chính vì các loài sống trên hành tinh này cộng nghiệp nên trăng quay quanh trái đất hơn 29 ngày một vòng, trái đất quay quanh mặt trời nghiêng nghiêng hơn 365 ngày một vòng, các mùa thay đổi như thế, không khí nhiệt độ như thế, biển trời mây gió như thế. Tất cả biển, trời, sông, núi, ghềnh thác đều do nghiệp chung của chúng sinh nơi đây mà hiện thành, chẳng phải ngẫu nhiên bừa bãi.

Cái dụng của thể tánh thật vô hạn. Người có thể giác ngộ được thể tánh rồi thì ứng nơi mình được đầy đủ lương tâm, đầy đủ trí tuệ, đầy đủ từ bi, được niềm vui của sự giải thoát ra khỏi mọi ràng buộc của khổ đau nhân thế. Thể tánh này thênh thang như bầu trời tự do mà cuộc sống tâm thức xao động hiện tại của chúng ta như ngục tù nhỏ bé. Trong bài kệ Pàli từ nguyên thủy (Tiểu bộ kinh, XLH, DUK II 6, T 37) Phật đã xác nhận về thể tánh này với nguyên văn:

"Này các Tỳ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra (không bởi một cái gì làm ra cái đó) (Asarkhatan). Này các Tỳ kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra thì ở đây không có vấn đề xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra (những tướng hữu vi sanh diệt). Do vì, này các Tỳ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra nên mới có vấn đề xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra."

Ví như nếu không có vùng trời tự do thì không thể có vấn đề ra khỏi nhà ngục. Chính vì thật sự có vùng trời tự do nên mới có thể ra khỏi nhà ngục. Nhà ngục chính là tâm thức xao động đầy dẫy những tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, ích kỷ. Chính những tâm niệm này trói buộc chúng ta trong đau khổ và tội lỗi từ vô lượng kiếp đến nay. Sự giải thoát an vui chỉ thật sự có khi chúng ta mở cửa nhà ngục tham sân si để bước ra bầu trời tự do của thể tánh bất sinh bất diệt kia. Người giác ngộ thể tánh đó, kinh Nguyên thủy gọi là bậc vô sanh (Arhat) kinh Đại thừa gọi là bậc Giác ngộ hữu tình (Bodhisatva), Thiền tông gọi là Đấng giác ngộ (Buddha).

Chính chúa Jésus cũng đã định nghĩa Thiên chúa theo ý nghĩa này trong khi cả dân tộc Do Thái cứ đinh ninh Thiên Chúa là hình ảnh ông già râu dài toàn quyền sinh hóa và thưởng phạt.

Một hôm Chúa cùng các môn đệ đến xứ Samaria một xứ có thù hằn với Do Thái. Chúa ngồi nghỉ tại bờ giếng ngoài làng trong khi các môn đệ vào làng tìm lương thực. Có một cô gái Samaria đến giếng gánh nước. Chúa bảo:

– Cô hãy cho ta xin miếng nước.

Cô gái khinh khỉnh đáp:

– Ông là người Do Thái mà lại xin nước của tôi à?

– Nếu cô biết người xin nước của cô là ai thì có lẽ cô đã trở lại xin ta mạch nước của sự sống đời đời.

– Ông là ai mà có mạch nước đó trong khi giếng này là của tổ phụ Jacobe tôi đào nên. Ông hơn Jacobe sao!

Chúa bảo:

– Nước giếng này không làm người ta vĩnh viễn hết khát, còn nước của ta có thể đưa đến sự sống đời đời.

– Nếu có ông hãy cho tôi đi!

Chúa bảo:

– Cô hãy gọi chồng cô ra đây!

– Tôi không có chồng.

– Đúng! cô đã ở với năm người đàn ông và người thứ sáu này cũng không phải là chồng cô.

Cô gái kinh ngạc thưa:

– Ngài thật là bậc tiên tri... Thưa Ngài, tổ tiên con thì bảo phải thờ Thiên Chúa trên đỉnh núi kia, tại sao người Do Thái lại thờ nơi đền thánh ở Jérusalem?

Chúa bảo:

– Này cô gái, đã đến lúc không phải thờ Thiên Chúa trên đỉnh núi hay trong đền thánh, mà phải thờ Thiên Chúa trong tinh thần và trong sự thật, bởi vì Thiên Chúa chính là tinh thần và sự thật!

Tôi vô cùng kính trọng Chúa Jésus từ khi được đọc đoạn Phúc Âm trên và cũng buồn vì người Thiên Chúa không hiểu ý Chúa. Tôi cũng nghi ngờ người dịch sau này tách đôi hai chữ tinh thần và sự thật, nếu ghép lại hai chữ đó nghĩa là Chân tâm.

Nếu hiểu Thiên Chúa theo nghĩa này thì sự thưởng phạt của Thiên Chúa chính là luật Nhân Quả công bình và tự nhiên.

Bạn muốn rõ thêm về thể tánh này có thể xem kinh Lăng Nghiêm của Đại thừa Phật giáo.

Team Uống Trà Thôi sưu tầm
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết