Về một người mình thương.

Về một người mình thương.

Ông ngoại là tượng đài trong lòng cũng là người thầy lớn của tôi.

Lần đầu tiên và duy nhất tôi thấy ông ngoại khóc là trong đám tang bà cố. Bà cố là mẹ kế của ông ngoại. Nghe ông ngoại kể mặc dù là mẹ kế nhưng bà đối xử công bằng phân minh giữa ông và con của bà. Ông nói đứng ở vị trí một người vợ kế, chỉ cần không ghét bỏ con chồng thì bà đã là một người tốt, nhưng bà cố là một người đàn bà vĩ đại vì bà đã có thể yêu thương, chăm sóc và nuôi dạy con riêng của chồng, kể cả khi chồng bà đã mất từ rất sớm.

Đám tang bà cố cũng là lần đầu tiên tôi chứng kiến toàn bộ một đám tang. Từ đó tôi hay thắc mắc về cái chết. Ba má tôi hay gạt đi vì con nít mà toàn hỏi ba chuyện chết chóc. Nhưng ông ngoại tôi đã trả lời cho tôi rất tường tận và chi tiết mỗi khi tôi tò mò về chuyện kiếp sống này hay kiếp sống khác.

Có lần tôi hỏi ông nếu mình là người nằm trong cái hòm đó thì lúc đó mình có nghẹt thở hay có sợ không ông ngoại? Ông trả lời ông nghĩ lúc đó chắc vui lắm vì được họ khiêng đi rồi còn có ca nhạc nữa. Ông bảo khi mình chết đi mình không còn nhu cầu thở nữa, mình cũng không còn nhu cầu gì nữa cả con ạ. Mà người không có nhu cầu gì nữa thì cũng chả sợ gì nữa nhỉ. Rồi hai ông cháu đùa với nhau việc lúc đó mình sẽ dòm chừng coi trong đám bạn của mình có được bao nhiêu đứa đến đưa tang mình đây.

Có lần tôi hỏi ông ngoại có sợ chết không. Ông suy nghĩ chặp rồi bảo lúc đó chắc hơi buồn vì mặc định là sẽ không được thấy mấy đứa thôi chứ ông không sợ. Ông bảo ông vua ông tướng ông nào rồi cũng chết nên mình có sợ chết thì mình cũng phải chết thôi. Mà cái gì biết trước hết trơn rồi thì sợ chi nữa. Rồi ông bảo có khi thế giới mình đang ở đây là mình đang chết đấy, đến lúc chết có khi lúc đó là lúc mình được sinh ra ở thế giới khác. Vì cái hiểu biết của mình nó hạn hẹp, tưởng biết hết trơn rồi rồi chê người khác ngu dại chứ thực tế ai ngu ai dại chưa đến lượt mình nhận xét đâu con.

Ông ngoại tôi là người lao động suốt đời. Đến lúc mắt ông bị mờ, đi lại phải cần nhờ gậy ông vẫn đan tre mây, chẻ tăm, trồng cây, tự giặt giũ quần áo. Tôi hỏi sao trước sau gì cũng chết mà ông cứ làm quần quật vậy. Ông bảo chứ chẳng lẽ nằm dài ra chờ đến ngày chết đến sao. Kiếm việc mà làm để tạo giá trị cho cuộc sống chớ. Nếu ngồi không thì phải thực sự ngồi không, không suy nghĩ điều gì hết, chỉ ngồi không rồi hít vào thở ra thôi.

Sau này tôi bị bệnh nhiều thì mình thấy đúng là ngồi không phải thực sự là ngồi không nó vô cùng khó. Khi mình bị bệnh, cái sợ hãi, cái tiêu cực, cái mất mác, chết chóc, đau đớn nó quật ngã tâm trí mình, nó không cho mình ngồi không. Cũng chính bí quyết ngồi không chỉ để hít thở của ông đã giúp tôi trấn tĩnh hơn. Sự thật là khi mình điềm tĩnh hơn, mọi việc sẽ không quá khó nhằn.

Một lần có bà nào đó gây lộn với bà ngoại tôi, bà tôi bị oan nên mặt mày bơ phờ, tức giận bà hàng xóm nên về nhà toàn buông lời cay đắng. Ông ngoại tôi cười cười bảo mấy người này thiệt tình. Người họ quý mình thì họ sẽ không để mình phải suy nghĩ hay buồn phiền. Còn người họ không quý mình thì mình để họ trong lòng làm chi khổ mình vậy. Cho dù có phân bua trắng ra trắng đen ra đen thì mình có tốt hơn và họ có thương mình hơn không. Rồi bà bảo nghe nó tức chớ. Ông cười bảo tức vì mình sai hay tức vì họ không hiểu biết vậy.

Có lần tôi bị ba đánh đòn, chạy lại ông ngoại khóc hu hu. Ông ngoại bảo bây chừ khóc quá thì cũng hơi mệt, hãy thử “nín là hết khóc liền”. Tôi thử nín và đúng là hết khóc thiệt. Sau này lớn lên nhớ về ông ngoại thì thấy buồn cười nhưng chân lý của ông đơn giản và tôi đã áp dụng được nhiều trong cuộc sống. Ví dụ như nếu suy nghĩ mệt quá thì đừng suy nghĩ nữa là hết mệt liền.

Hồi xưa nhà ông bà ngoại còn ở phố cũng có của ăn của để. Sau này sa sút, tiền bạc không có nhưng ông vẫn chưa một lần oán trách gì cả. Ông cứ thế lao động và nuôi dạy con cháu. Có khi nhà không còn cơm ăn ông cũng để dành cho con chó ăn trước. Ông bảo mình là người ráng nhịn được chứ chó nó không ráng được, tội nó.

Có lần tôi hỏi ông ngoại có vàng không ông ngoại. Ông bảo ngày xưa cũng có nhiều mà giờ không có nữa. Tôi hỏi chắc hồi xưa ông ngoại sống vui lắm. Ông bảo đúng rồi, ngày xưa ông ngoại sống vui lắm mà giờ ông cũng sống lắm niềm vui vì trước giờ nhu cầu ông không nhiều nên trước sau gì ông cũng thấy dư. Mà mình dư như thế này thì nên biết ơn và chia sẻ cho người thiếu.

Ai cũng bảo cuộc đời ông quá khổ, quá sóng gió nhưng tôi chưa thấy ông than khổ hay than cực bao giờ. Trời tháng 10 lạnh căm căm, mắt ông mờ nhưng vẫn cứ đi ra múc nước giếng tắm xong cười hề hề. Ăn cơm thì ông chỉ ăn 1 chén và ăn sạch sẽ không chừa dư một hột. Quần áo thì ai tặng gì ông mặc nấy nhưng ông rất gọn gàng sạch sẽ. Ông nói ít nhưng rất vui tính. Kỳ ông yếu lắm không ăn được nữa, tôi vào nắm tay ông bảo con đi học ông ngoại ở nhà giữ sức khoẻ nghe ông ngoại. Ông bảo ừ giữ hấn lại đừng cho hấn chạy theo bé đi học hen. Ông có lẽ không giữ được lời hứa nuôi bé ăn học cả đời rồi.

Ông tôi chưa ghét ai cũng chưa giận ai cả. Bà ngoại có càm ràm ông thì ông bảo thôi cứ bình tĩnh từ từ nói hết ra cho hấn nhẹ lòng tha thứ. Ông không có nhu cầu sử dụng tiền nên ai cho tiền ông ông sẽ không nhận hoặc ông bảo đưa cho bà ngoại đi. Đời sống ông cứ đơn giản như vậy suốt 80 năm. Ai nói ông tôi số khổ, mình chỉ thấy ông đã sống một cuộc đời quá chất lượng.
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết