VỀ SÁCH: HOA TRÔI TRÊN SÓNG NƯỚC

VỀ SÁCH: HOA TRÔI TRÊN SÓNG NƯỚC

Trong cuộc sống bộn bề khi chủ nghĩa vật chất lên ngôi, chúng mình thường quên đi mục đích sống, mục tiêu chúng ta đến với thế giới này là gì, ta chỉ mãi đuổi theo vật chất đến cuối đời, rồi đến lúc ra đi cũng không biết mấy chục năm qua mình đã sống ra sao, sống vì cái gì.

Ơn Trên gửi chúng ta xuống với phương án hay sứ mệnh đã được lập trình sẵn mà chúng ta bị cơm áo ghì sát đất đến nỗi quên bẵng đi bài toán mình cần giải để rồi xoay vần muôn kiếp với ức ức khổ đau. Càng nhiều tiền của người ta lại càng muộn phiền lo phải giữ, phải kiếm nhiều hơn, sầu đau, phiền muộn vốn dĩ là cái nghiệp mà con người phải gánh và vượt qua trong kiếp này, nhưng lại chồng chất thêm. Rồi chúng ta đổ lỗi cho chúng ta không may, không sinh hợp thời nên chả làm nên đại sự gì cho chính mình và cho chúng sinh?

“Hoa Trôi Trên Sóng Nước” kể về hành trình của một người phụ nữ nhỏ bé đi cô độc trên con đường Đạo, bà đi tìm con đường để cứu rỗi bản thân và chúng sinh ra khỏi khổ đau. Một câu chuyện xúc động về hành trình đi tìm Đạo đầy chông gai, kịch tính của chính ni sư Satomi Myodo.

“Hoa trôi trên sóng nước” là quyển hồi ký của ni sư được thầy Nguyên Phong phóng tác. Cả cuốn sách kể về hành trình tìm đạo kéo dài hơn 40 năm của Ni Sư. Đến cuối cùng, Người đã trở thành “ni sư lỗi lạc nhất của Thiền tông Nhật Bản”. Một hành trình mà khi bắt đầu bước lên, ni sư sẽ muốn đi tiếp, đi tiếp, để xem điều gì sẽ xuất hiện.

Cuộc đời của ni sư trải qua rất nhiều sự kiện, nhưng chưa một lần ni sư bỏ cuộc. Nếu như tìm được cách thực tập nào ni sư được giới thiệu hay sư cho là đúng, ni sư đều kiên trì thực tập nhiều năm, đều đặn và kỉ luật. Cho dù với phương pháp cực kì gian khổ thì ni sư có thể theo đuổi kiên trì như thế. Sau đó, ni sư sẽ có bước nhìn nhận lại, để xem bản thân đã đi đến đâu. Những căn duyên nối nhau. Ni Sư chính là minh chứng hùng hồn cho thuyết: không có chuyện gì cả thèm chóng chán mà đem lại thành quả, cũng không có sự cố gắng nào là vô ích.

Điều quan trọng nhất về cuộc đời của ni sư, cũng là tinh thần của quyển sách, chính là việc thay vì đi tìm điều này điều kia bên ngoài, hãy tập quay vào bên trong, để nhận ra vốn dĩ bản thân ta đã có đầy đủ những điều đang tìm kiếm rồi. Cái lúc bắt đầu ý niệm ban sơ ấy, Ni Sư không bao giờ hình dung được chặng đường tiếp theo sẽ như thế nào nhưng Sư không bao giờ dừng bước chân kiếm tìm. Sư đã luôn sẵn lòng cất lên tiếng nói để tự tìm cơ hội cho bản thân và cho cả chúng sinh.

Cuốn sách giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về những duyên nghiệp chằng chịt trong đời người. Hiểu cả về việc đường lối tu của mỗi người là mỗi khác - do căn cơ, do nghiệp quả suốt bao đời kiếp của người đó. Nhờ đó mà mình biết mình đang đi đúng: tự phải tìm lấy những cơ hội tu tập triệt để cho căn cơ và nghiệp của mình.

Về phương pháp tu rèn, luyện học thì chung cho tất cả:
1. Phải biết mục đích của mình
2. Phải biết rõ về phương pháp và thầy dạy
3. Người thầy đích thực hướng đạo tâm linh cho mình phải có lòng từ bi, sự phân tích về tiến trình tu học cho mình luôn rộng lượng, cặn kẽ, yêu thương hơn hẳn những người thầy khác mình gặp trên đường tu.
Đó là người thầy định mệnh, là một linh hồn tri kỷ giúp đỡ mình tiến hoá.

Sự hiểu biết không bao giờ là đủ. Khi thấy mình đã học đủ, tức là có điều gì đó mình chưa biết. Có một câu chuyện về mười bảy vị tăng đi tìm đạo ở đỉnh Tuyết Sơn. Họ xuất phát từ Nhật Bản, đi đến chân núi Tuyết Sơn thì quay về vì nghĩ mình đã học được đạo rồi, cần phải đi cứu khổ chúng sinh. Nhưng thật sự thì họ chưa tìm được con đường cứu khổ cho bản thân mình, làm sao có thể cứu người khác. Trong việc học, tuổi tác không có nghĩa gì cả. Việc quan trọng là mình có muốn học hay không mà thôi. Cứ mỗi ngày qua, như hôm nay, và ngày mai, chúng mình lại thêm những phần xúc động nhỏ, vì những góp sức từ “vũ trụ” mà ta đang được nhận.

“Hoa trôi trên sóng nước” không chỉ là một câu chuyện xúc động về hành trình tu tập theo chân Đức Phật của ni sư Satomi Myodo mà chắc chắn còn là những trải nghiệm, chia sẻ sâu sắc và hữu ích với những người đang đi tìm chánh pháp, sự giác ngộ. Nếu bạn từng thất bại trên con đường tìm đạo, đừng nản chí. Bởi ai dám bảo rằng 99 lần bạn bắn hụt thì lần thứ 100 bạn cũng không thể bắn trúng hồng tâm?

Vậy nên nếu bạn đang có một khởi niệm tu tập, quay về bên trong, Uống Trà Thôi nguyện bạn giữ gìn.
Không phải ý niệm nào ban đầu rồi cũng có thể trở thành con đường chân chính hay dễ dàng, nhưng chặng đường bạn đi cùng ý niệm đó luôn mang lại cho bạn nhiều bài học quý báu hơn bạn tưởng. Rất nhiều. Ngay cả những vấp váp khi đi qua rồi cũng là một món quà quý.

ZenKi
Team Uống Trà Thôi
0 0 12,499 0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết