Kiệt tác hơn 140 triệu USD của Tề Bạch Thạch

"Thập nhị phong cảnh đồ" của Tề Bạch Thạch từng bán giá 140,8 triệu USD - đắt nhất Trung Quốc.

Thevalue công bố danh sách "10 tác phẩm nghệ thuật đắt nhất được bán đấu giá" hồi cuối tháng 11, sau khi cập nhật những tác phẩm đoạt giá cao trong năm, Thập nhị phong cảnh đồ của Tề Bạch Thạch đứng thứ tám với mức 931,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 140,8 triệu USD).

Con số này được ấn định trong phiên đấu của Poly Bắc Kinh hồi tháng 12/2017. Tác phẩm có mức giá khởi điểm là 450 triệu NDT, sau hơn 20 phút với hơn 60 lượt đặt giá, tác phẩm được chốt ở mức 931,5 triệu NDT bao gồm thuế phí. Người mua là nhà sưu tập Trung Quốc. Tranh lập kỷ lục tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc đắt giá nhất. Tề Bạch Thạch trở thành danh họa Trung Quốc đầu tiên vào "câu lạc bộ" nghệ sĩ có tác phẩm trị giá trên 100 triệu USD.

Thập nhị phong cảnh đồ ra đời năm 1925, gồm 12 bức tranh riêng biệt mô tả cảnh sông núi chân thực ở Hồ Nam và Quế Lâm. Mỗi bức có kích thước 180x47 cm, được vẽ bằng mực nho, màu nước trên giấy xuyến chỉ. Ngoài ra, mỗi bức đề một bài thơ do ông sáng tác bằng thư pháp, đóng dấu. Các học giả cho rằng tác phẩm được Tề Bạch Thạch vẽ sau khi đi du lịch khắp Trung Quốc. Bộ tranh thể hiện đầy đủ kỹ năng vẽ tranh phong cảnh bậc thầy của nghệ sĩ.

Theo ThePaper, tranh là tổng hợp của các thể loại thơ, thư, họa, triện. Hoa Thiên Tuyết - Chủ tịch Học viện Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc - nhận xét: "Đây là 12 bức tranh huyền thoại trong lĩnh vực thư pháp và hội họa". Theo Sina, trong 10 năm từ 1917-1927 là cải cách thoái trào của Tề Bạch Thạch. Họa sĩ thay đổi mô hình và phương pháp sáng tác trong những năm cuối đời. Vì vậy, tác phẩm năm 1925 được coi là tác phẩm phong cảnh tiêu biểu nhất cho thời kỳ chuyển đổi phong cách của Tề Bạch Thạch. Trước đó, ông chủ yếu vẽ tôm, cá và các loài động vật...

Câu chuyện mua bán tranh có nhiều bước ngoặt. Theo Sohu, tranh là món quà sinh nhật Tề Bạch Thạch tặng bạn thân, bác sĩ nổi tiếng ở Bắc Kinh Trần Tử Lâm. Đầu năm 1950, Trần Tử Lâm nhờ Lưu Kim Đào - họa sĩ nổi tiếng ở Bắc Kinh - bán tác phẩm. Hai nhà sưu tập Trương Đình và Ngải Thanh được Lưu Kim Đào đưa tới nhà Trần Tử Lâm. Sau khi nhìn thấy bức tranh, Trương Đình liền quỳ xuống, hết lời khen ngợi. Cả hai thương lượng mỗi người mua hai bức. Tuy nhiên, Trần Tử Lâm không bán giá dưới 45.000 nhân dân tệ (156 triệu đồng)

Quách Tú Nghi - đệ tử của Tề Bạch Thạch - cùng chồng Hoàng Kỳ Tường là khách hàng tiếp theo. Cả hai đồng ý mua tranh mà không mặc cả. 45.000 NDT khi đó rất lớn. Theo cải cách tiền lương năm 1955, lương của chủ tịch Mao Trạch Đông chỉ có 440 NDT (1,5 triệu đồng).

Năm 1989, Vương Đài Khánh - nhà sưu tập và buôn bán nghệ thuật người Đài Loan - thuyết phục thành công gia đình Hoàng Kỳ Tường bán lại bức tranh. "Khi tôi mua nhóm 12 bức từ nhà họ, tôi không có nhiều tiền trong tay như vậy. Tôi đã mua từng bức một. Sau khi mua một bức, tôi bán nó ở Đài Loan rồi quay lại mua tấm thứ hai", ông kể lại.

Vương Đài Khánh cho biết thêm ban đầu định bán lại cho một nhà sưu tập họ Trịnh. Tuy nhiên người này muốn giảm giá nên không thành. Ông đành bán trao tay cho Hoàng Thừa Chí - chủ một phòng trưng bày tranh tại Đài Loan.

Trên Sina, Hoàng Thừa Chí cho biết: "Vương Đài Khánh tới tìm tôi nói có một bộ sơn thủy của Tề Bạch Thạch muốn bán. Tôi nghe xong cảm thấy rất tốt nhưng mức giá đưa ra là 1 triệu USD (30 triệu Đài tệ) - con số trên trời. Mặc dù lúc đó các tác phẩm của Trương Đại Thiên bán với giá hàng chục triệu Đài tệ, nhưng giá tranh của Tề Bạch Thạch vẫn không cao".

Quá trình mua bán gặp nhiều vấn đề vì tranh ở Bắc Kinh, tiền ở Đài Bắc. Người bán không muốn giao tranh cho người trung gian mang đi, người mua không yên tâm trả tiền mà không xem tác phẩm gốc. Phương pháp hợp lý nhất là hai bên gặp nhau. Tuy nhiên, người trung gian phản đối việc này. Hoàng Thừa Chí cũng không muốn đến cuộc hẹn với số tiền lớn và trở về Đài Loan với bức tranh quý như bảo vật quốc gia - hai lần mạo hiểm. Vì vậy, họ thống nhất mua từng bức một, mỗi lần trả 100.000 USD. "Mất ba tháng chạy đi chạy lại. Đến tháng 3/1990, tôi mới có đủ 12 bức tranh", Thừa Chí nói.

Thập nhị phong cảnh đồ lần đầu được trưng bày vào tháng 4/1954 tại "Triển lãm tranh Tề Bạch Thạch" do Hiệp hội Nghệ sĩ Trung Quốc tổ chức. Sau đó, tranh được giới thiệu tại "Triển lãm di cảo của Tề Bạch Thạch" vào năm 1958 - một năm sau khi họa sĩ qua đời.

Tề Bạch Thạch (1864-1957) là tên tuổi vĩ đại của hội họa Trung Quốc, sở trường vẽ sơn thủy, hoa lá, chim cá. Theo thống kê do ArtPrice - công ty nghiên cứu thị trường của Pháp - thực hiện, Tề Bạch Thạch xếp thứ ba toàn cầu trong danh sách họa sĩ có tác phẩm bán được nhiều tiền nhất năm 2009, sau Andy Warhol và Picasso. Sinh thời, danh họa Picasso từng nói: "Tôi không dám đến Trung Quốc, bởi vì ở đó có Tề Bạch Thạch".

Theo ThePaper, Tề Bạch Thạch từng nói: "Cái hay của tranh nằm ở giữa 'giống' và 'không giống'. Giống thì tầm thường quá, thiếu tư tưởng và góc nhìn của nghệ sĩ, mà không giống thì là lừa phỉnh người xem". Ông còn từng khuyên các học trò: "Học ta thì sống mà giống ta thì chết", nhắc học trò tìm tòi sự khác biệt, nếu không tác phẩm sẽ không có sức sống lâu bền.

Uống Trà Thôi
Theo vnexpress
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết