Ba chú cá của Trang Tử: Ba cảnh giới nhân sinh

Trang Tử có lẽ là một triết gia “thích cá” nhất trong lịch sử. Có câu rằng: “Cho người con cá không bằng cho người chiếc cần câu”. Nhưng Trang Tử đã dùng câu chuyện về ba chú cá để thể hiện trí huệ mà mình đã lĩnh ngộ được. Hiểu được những điều này, con người có thể sống tự do tự tại hơn.

Cá Bắc Minh – Không phiền luỵ bởi ngoại vật
Trong “Tiêu Diêu Du”, Trang Tử có viết về một chú cá ở Bắc Minh có tên là Côn. Chú cá này có thể biến thành con chim Bằng bay lượn suốt 9 ngày. Nó có thể đạp gió tháng 6, bay tới Nam Minh. Nhưng Trang Tử lại nói nó không tự do, hễ không có gió thì nó chỉ có thể từ không trung cao vút mà rơi xuống.

Quả thật, nếu được gió nâng đỡ thì ai cũng có thể bay lên. Nhưng sự tự do này là nhờ vào vật bên ngoài, là dựa vào tài phú, danh tiếng, tài năng để bù đắp vào khoảng trống của bản thân. Trong trí huệ của Trang Tử, không phiền luỵ bởi những thứ bên ngoài là cảnh giới đầu tiên của đời người.

Đào Uyên Minh từng nói một câu rất nổi tiếng rằng: Con người không thể sống chỉ vì năm đấu gạo dắt lưng. Ông tình nguyện trồng đậu dưới chân núi Nam Sơn, tháng ngày nỗ lực cày cuốc. Áo gấm, sơn hào hải vị nơi quan trường dẫu tốt hơn nữa cũng không bằng một ly rượu hoa cúc trong tay.

Có câu thơ rằng: “Ngô Cung thâm xứ mai hoang thảo, Tấn Đại y quán thành cổ khâu” (Ngô Cung chốn sâu chôn vùi trong cỏ dại, Triều Tấn y phục cũng lại thành cổ phong). Vinh hoa, phú quý chớp mắt lại trở thành câu chuyện nói nói cười cười của người khác, có gì đáng phải bận tâm đây?

Chuyện kể rằng, có một người câu cá bên sông. Mỗi lần câu được cá, ông đều dùng thước đo, chỉ cần lớn hơn thước của ông thì ông sẽ thả lại xuống sông. Người khác hỏi ông là vì sao. Ông nói: “Nồi nhà tôi chỉ dài như cái thước này, cá to quá không đựng hết.” Nhu cầu về vật chất cũng cần có một thước đo phù hợp, “đủ dùng là được” là một thái độ sống đúng đắn.

Cá Hào Lương – Không lo phiền vì bình phẩm của người khác
Trong cuốn “Thu Thuỷ”, Trang Tử có nói về chú cá thứ 2, tên là Thúc, là cá ở sông Hào Hà. Một hôm, Trang Tử và Huệ Tử đi lên trên cầu Hào Thuỷ. Trang Tử nói: “Ông xem những chú cá Thúc kia bơi lội dưới nước mới vui vẻ làm sao.”

Huệ Tử lại nói: “Ông không phải là cá, sao biết rằng cá vui hay không?” Trang Tử lập tức đáp rằng: “Ông cũng đâu phải là tôi, sao lại biết tôi không biết về niềm vui của cá?”

Cuộc sống như một vở kịch, chúng ta không ở trong khúc nhạc của người khác sao có thể biết người vui buồn của họ. Niềm vui của cá là tự do bơi lội trong dòng nước, niềm vui của con người là được sinh trưởng tự nhiên trong cõi thế gian.

Trong trí huệ của Trang Tử, cảnh giới thứ hai của đời người là: Đừng lo phiền vì bình luận của người khác, hãy chọn cách sống mình thích.

Một người vì muốn lấy lòng người khác mà thay đổi bản thân, ắt hẳn sẽ không vui vẻ, bắt chước người khác cũng chẳng vẻ vang gì. Bi ai lớn nhất của đời người là rõ ràng bạn khác với mọi người, nhưng lại luôn hy vọng mình giống với người khác. Niềm vui thực sự đều xuất phát từ bản thân mình, chứ không nằm trong ánh mắt của người khác. Vắt óc suy nghĩ vì muốn sống như ý người khác mong muốn, chi bằng hãy nỗ lực sống chân chính với lương tri của mình.

Cá trong đầm – Tìm lại bản ngã
Trong cuốn “Đại Tông Sư”, Trang Tử viết về chú cá thứ 3, là một con cá diếc, tên là Phụ. Trong một cái đầm đang dần khô cạn, hai chú cá nổi trên mặt đất. Cá Phụ cố gắng mớm bọt cho bạn, làm ướt cho bạn, và con cá kia cũng vậy. Chúng làm thế để duy trì sinh mệnh của nhau. Trang Tử lại nói, cùng nhau gắng gượng như vậy, chi bằng phóng sinh cho nhau, tới nơi sông rộng sông dài sống cuộc đời mới của mình.

Thiên mệnh vô thường, con người chỉ như ngọn đèn trước gió, không biết được ngày nào nước của bạn sẽ khô cạn, những người bên bạn rồi cũng sẽ có ngày rời đi. Con người đều là những vị khách lữ hành cùng nhau đi một đoạn đường, nhưng chỉ có bản thân mình mới có thể đi hết hành trình ấy.

Đỗ Phủ và Lý Bạch cũng từng kết bạn, nguyện cùng nhau rong ruổi khắp giang hồ. Đỗ Phủ ngưỡng mộ sự tiêu diêu và thoát tục của Lý Bạch, sùng bái tài hoa thiên bẩm của ông. Nhưng tiếc là tâm ta hướng về núi, tâm ngài lại hướng về nước, cuối cùng đành vẫy tay chào nhau, mỗi người mỗi ngả.

Nhưng chia ly như vậy cũng có sao? Nếu hai người đi cùng nhau thì có lẽ chúng ta đã không có những vần thơ tuyệt tác của một trong hai người.

“Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,
Mạc sử kim tôn không đối nguyệt”

(“Thương Tiến Tửu”, Mời rượu, Lý Bạch)

“Đời người đắc ý hãy vui tràn,
Chớ để bình vàng suông bóng nguyệt!”

(Bản dịch của Hoàng Tạo, Tương Như)

“Quốc phá sơn hà tại,
Thành xuân thảo mộc thâm”

(Xuân Vọng, Đỗ Phủ)

“Nước mất, còn sông núi
Thành xuân cỏ chất chồng”

(Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu)

Trong trí huệ của Trang Tử, cảnh giới thứ 3 trong đời người là tìm được chính mình, dẫu rằng trên hành trình ấy, có lẽ bạn sẽ cảm thấy cô độc.

Hạnh phúc là điều không thể sao chép. Những người sống thư thái đều hiểu được ba cảnh giới mà Trang Tử nhắc tới: Không phiền bởi vật, không bấn loạn bởi người, không mê hoặc trong tâm.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
1 0 18,236 8
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết