Câu chuyện về "Bố thí trân trọng"

Câu chuyện về "Bố thí trân trọng"

Vua Payàsi có tà kiến tin không có luân hồi, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo. Nghe tin Tôn Giả Kumàra Kassapa đến gần trú xứ, vua cùng tùy tùng đến tham vấn và đưa ra quan điểm của mình. Sự tranh biện lý luận qua lại rất là dài dòng và lý thú. Với nhiều luận cứ xác đáng và độc đáo, cuối cùng Tôn Giả Kumàra Kassapa chiết phục được vua Payàsi. Vua xin quy y và xin Tôn Giả hướng dẫn một cuộc tế đàn để bố thí rộng rãi cho mọi người thức ăn và quần áo. Tôn Giả căn dặn vua chớ có giết thịt một thú vật nào. Vua mở một cuộc thí đàn với những thức ăn bằng cháo, đồ phế thải, các loại vải thô xấu.

Có một thanh niên tên Uttàra, bị bỏ quên, đã nói lên lời ngạo sau khi thí đàn chấm dứt:

"Với cuộc bố thí này, tôi được gặp tôn chủ Payàsi trong đời này, nhưng không còn gặp lại trong đời sau."

Lời ngạo này đến tai vua Payàsi, vua vời Uttàra đến hỏi nguyên do của câu nói.

Uttàra đáp:

"Này tôn chủ, trong cuộc bố thí của Ngài, các món ăn như thế này được đem cho như cháo, đồ ăn phế thải. Các món này, Ngài không muốn lấy bàn chân đụng đến huống nữa là ăn. Vải thô xấu này Ngài không muốn lấy chân đụng đến huống nữa là mặc. Tôn chủ, Ngài là người thân và kính mến của chúng tôi. Như thế nào, chúng tôi có thể phối hợp cái gì thân yêu và kính mến với cái gì không thân yêu?"

"Vậy này thân hữu Uttàra, hãy đem phân phát các món ăn như tôi đã ăn, hãy phân phát các vải mặc như tôi đã mặc."

"Xin vâng, Tôn chủ"

Vì Tôn chủ Payàsi đã bố thí không được hoàn bị, vì đã bố thí không tự tay mình làm, vì đã bố thí không có suy tư, vì đã bố thí các đồ vật phế thải, sau khi thân hoại mạng chung được lên cõi trời Tứ Thiên Vương (tầng trời thấp nhất) trong cung điện trống không của Serisaka. Còn thanh niên Uttàra, bị bỏ quên trong cuộc bố thí này, vì đã bố thí một cách hoàn bị, vì đã bố thí tự tay mình làm, vì đã bố thí có suy tư, vì đã bố thí các đồ có giá trị, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, cõi trời Đế Thích.

Lúc bấy giờ tôn giả Gavampati (Kiều Phạm Ba Đề, Ngưu chủ, vị thường ngụ ở cõi trời hơn ở nhân gian) hay đi nghỉ trưa ở cung điện trống không của Serisaka, thiên tử Payasi đi đón tôn giả Gavampati đảnh lễ ngài và đứng một bên.

"Hiền giả, ngươi là ai? " Tôn giả hỏi.

"Bạch tôn giả. Con là tôn chủ Payasi"

" Này hiền giả, có phải ngươi có tà kiến như sau; Không có luân hồi, không có các loại hóa sinh, hành vi thiện ác không có quả báo?"

"Bạch tôn giả, con có tà kiến như vậy, nhưng nhờ tôn giả Kumara Kassapa, con thoát ra khỏi ác kiến ấy"

"Này hiền giả, còn thanh niên Uttara bị bỏ quên trong cuộc bố thí đó, được thác sinh ở đâu?"

"Bạch tôn giả, vì Uttara đã bố thí một cách hoàn bị trân trọng nên được sinh lên cõi trời Đế Thích. Mong tôn giả hãy đi đến thế giới loài người để nói lên sự sai biệt này giữa con và thanh niên Uttara"

Cũng như cõi địa ngục, ngạ quỷ không thể trông thấy bằng mắt thịt, cũng vậy, những cõi trời vi diệu phước báo chỉ được nhận biết bởi một trình độ công đức hoặc tâm linh tương đương.

Đoạn kinh này nói lên quả báo sai biệt giữa hai trường hợp bố thí.
Vua Payasi đã bố thí một cách hời hợt, xem thường người thọ thí, bố thí những vật thô xấu, bố thí không trân trọng. Tuy được sinh lên cõi trời nhưng chỉ là một cõi trời thấp nhất, trong một cung điện trống trải thiếu thốn. Trái lại thanh niên Uttara biết rõ kết quả của Nghiệp nên dám nói lời ngạo về thí đàn của vua Payasi và về chỗ đến kém cõi do việc làm đó đưa đến. Khi được quyền bố thí, Uttara đã bố thí một cách trân trọng, bố thí những phẩm vật có giá trị, bố thí tận tay, quý trọng người thọ thí, nên đã sinh lên cõi trời Đế Thích, cõi vui nhất trong các cõi trời dục giới.

Tuy Đồng Là Hành Vi Bố Thí, Nhưng Hai Người Đã Mang Hai Tâm Trạng Khác Nhau.
Vua Payasi đã bố thí với tâm ích kỷ, mong cầu phước báo cho mình, không có tình nhân ái. Sự bố thí một cách hời hợt đã nói lên tâm trạng thiếu lòng thương của vua Payasi. Trái lại Uttara với lòng thương người nên đã bố thí một cách trân trọng kỹ lưỡng. Nguồn gốc của công đức là tâm từ ái. Thiếu tâm từ ái, phước nghiệp không viên mãn và lâu dài.

Chúng ta cũng dễ có tâm trạng giống vua Payasi khi bố thí vài đồng vào cái nón lật ngửa của người ăn mày bên đường. Những đồng xu rơi lạnh lùng khô khan và người bố thí đi qua vội vàng khinh khỉnh, phước của vài đồng bố thí không bù đắp nổi cái tội khinh thường kẻ nghèo. Bà cố tôi thường dạy mẹ tôi lúc nhỏ phải đưa hai tay khi bố thí với bất cứ ai. Chúng ta phải bố thí trong thương yêu và trân trọng. Và khi thương yêu quý mến, chúng ta sẽ bố thí những phẩm vật có giá trị tốt đẹp. Bố thí những phẩm vật giá trị và bố thí một cách trân trọng mới là sự bố thí đúng nghĩa. Dĩ nhiên tùy sở hữu của chúng ta mà mức độ giá trị có khác. Đối với người giàu thì tấm áo lụa là giá trị, đối với người nghèo thì tấm áo vải là giá trị. Người giàu có thể cố gắng bố thí đến vài ngàn, vài trăm ngàn, nhưng người nghèo chỉ có thể cố gắng bố thí đến vài mươi đồng, vài trăm đồng. Tuy số tiền sai biệt nhưng sự cố gắng được xem là tương đương, và chính sự cố gắng này đã đem lại phước báo lớn lao cho thí chủ.

Team Uống Trà Thôi sưu tầm
0 0 3,197 10
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết