Bỏ đi tính nóng nảy là mấu chốt để bồi dưỡng chính khí

Bỏ đi tính nóng nảy là mấu chốt để bồi dưỡng chính khí

Trong phần “Táo chi nhẫn” của cuốn “Khuyến nhẫn bách châm” khuyên rằng: “Dưỡng khí chi học, giới hồ táo cấp”, nghĩa là để bồi dưỡng hạo nhiên chính khí của bản thân thì mấu chốt là ở chỗ phải bỏ hẳn được tính cách nóng nảy vội vàng. Trong các sách cổ có chép nhiều điển cố về vấn đề này.

Vương Thuật, người thời Đông Tấn, là con trai của Thái thú Vương Thừa. Cha mất sớm nên Vương Thuật được kế tục tước Lam điền hầu, vì thế người đời gọi ông là Vương Lam Điền. Vương Thuật là người có tính cách nóng nảy, hấp tấp vội vàng. Trong “Thế thuyết tân ngữ. Phẫn quyến” viết: Một lần Vương Thuật đói bụng, khi trở về nhà đã dùng đũa để ăn trứng. Quả trứng vừa luộc chín, Vương Thuật dùng đũa gắp nhưng gắp mãi không trúng, khiến ông vừa đói vừa giận. Ông ta bực tức cầm quả trứng ném xuống mặt đất, không ngờ quả trứng không vỡ mà xoay tròn không ngừng, tựa hồ như trêu tức ông ta vậy. Vương Thuật lại càng tức giận hơn, dùng chân đi guốc gỗ giẫm vào quả trứng nhưng vẫn không trúng. Vương Thuật càng tức giận hơn, cầm lấy quả trứng nhỏ cho vào miệng nhai rồi nhổ ra đất cho hả cơn tức giận. Câu chuyện Vương Thuật ăn trứng được truyền ra ngoài khiến nhiều người chê cười ông ta.

Vương Thuật tính tình vô cùng nóng nảy, vội vàng nhưng sau này khi có địa vị cao, thấu hiểu hậu quả của việc nóng tính nên ông đã tu sửa bản thân trở thành một người khoan dung nhẫn nại. Phàm là mọi việc, Vương Thuật đều lấy nhu thắng cương, bình tĩnh xử thế.

Tạ Dịch là anh trai của Tạ An, một viên quan nổi tiếng thời Đông Tấn. Tạ Dịch tính tình thô lỗ, từng có lần vì oán giận Vương Thuật mà chỉ trích, chửi mắng Vương Thuật. Nhưng Vương Thuật không mảy may đáp trả mà đứng quay mặt vào tường, cho đến khi Tạ Dịch chửi mắng xong rời đi, ông mới lại ngồi vào chỗ của mình tiếp tục làm việc.

Trong “Táo chi nhẫn” viết: “Đại thịnh tắc suy, bất nại tắc bại. Nhất thì chi táo, phệ tề chi hối”, nghĩa là hưng thịnh đến cùng cực thì sẽ suy, không nhẫn nại tất sẽ thất bại. Sự nôn nóng vội vàng nhất thời chỉ có thể đổi lấy sự hối hận không thể vãn hồi.

Vương Tư, người nước Ngụy thời Tam Quốc, tính tình nóng nảy lại bảo thủ, thường vì việc nhỏ mà tức giận. Khi Vương Tư về già, tính tình kỳ quái, thường xuyên vô cớ tức giận, những người thủ hạ thường xuyên bị ông chửi mắng vô cớ. Trong “Ngụy lược” chép, một lần, Vương Tư đang viết bản thảo thì có một con ruồi đậu trên cán bút, cứ đuổi đi nó lại bay đến đậu lại, liên tiếp mấy lần khiến Vương Tư tức giận ném bút xuống đất rồi đuổi ruồi khắp phòng. Kết quả không bắt được ruồi, ông ta trút giận lên bút, khiến cây bút mà ông vốn yêu quý bị hỏng phải bỏ đi.

Hoàng Phủ Thực là đại thần nhà Đường cũng là một người nóng tính. Một lần, con trai của Hoàng Phủ Thực khi chép thơ bị sai một chữ. Hoàng Phủ Thực tức giận, nhất thời lại không tìm được gậy để phạt con nên đã tự cắn tay mình đến mức chảy máu ròng ròng.

Kỳ thực, những người như Vương Tư và Hoàng Phủ Thực chỉ vì một chút việc nhỏ mà đã tức giận không thể chịu được thì rất khó để có thể khoan dung với lỗi lầm của người khác. Nếu họ không chú ý tu sửa tính nóng nảy của bản thân thì rất có thể gây ra những hậu quả hối hận khôn cùng.

Những người hiểu biết được tầm quan trọng của nhẫn nại cũng như hậu quả của tính tình nóng nảy vội vàng sẽ tự mình tu sửa cho chính lại. Ví như Tây Môn Báo người nước Ngụy thời Chiến Quốc tự biết mình là người nóng nảy vội vàng nên thường xuyên mang theo đai làm bằng da trâu bên mình để tự cảnh giới bản thân phải luôn trầm ổn. Bởi vì trâu hành động đều luôn thong thả, chậm rãi.

Lâm Tắc Từ, Khâm sai đại thần triều Thanh, tự biết mình là người nóng tính, hay tức giận. Để sửa bỏ tính xấu này, ông đã treo trên đại đường hai chữ “chế nộ” (khắc chế cơn tức giận). Trong suốt cuộc đời mình, ông đã dùng hai từ “chế nộ” ấy để răn mình nhẫn nhịn, tu dưỡng bản thân.

Tu dưỡng bản tính lương thiện cũng là một cách để kìm chế cơn giận, khoan thứ cho lỗi lầm của người khác. Lưu Khoan tự là Văn Nhiêu, là danh thần hoàng tộc thời Đông Hán, là cháu của của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Lưu Khoan từ sớm đã làm quan, làm qua các chức vị như Đại tướng quân duyện, Đông hải quốc tướng, Thượng thư… về sau chuyển sang đảm nhận chức Thị trung. Lưu Khoan từng hai lần đảm nhận chức Thái úy, đứng đầu Tam công. Lưu Khoan thường xử lý công việc dựa vào cách khoan thứ là chính, được dân chúng gọi là Trưởng giả.

Có một lần khi Lưu Khoan ra ngoài thì gặp một người bị mất bò. Người này nhìn thấy con bò ở xe của Lưu Khoan liền nói đó là con bò của ông ta. Lưu Khoan nghe thấy vậy, không tranh biện mà trực tiếp đi bộ về nhà. Mấy hôm sau, người đàn ông kia tìm được con bò của mình nên đem con bò của Lưu Khoan trả lại, cũng dập đầu tạ tội: “Tôi hổ thẹn với trưởng giả, tình nguyện nhận phạt”. Lưu Khoan nói: “Đồ vật đều có những thứ cùng loại nên có thể có nhầm lẫn, đã phiền ông đưa nó về đây rồi, vì cái gì còn phải xin nhận phạt nữa?” Câu chuyện được truyền ra ngoài, mọi người trong châu ai nấy đều bội phục Lưu Khoan ở tinh thần khoan dung rộng lượng, không so đo tính toán với người.

Lưu Khoan tính tình ôn hòa lương thiện, không phát giận, cho dù gặp tình huống cấp bách vội vàng mọi người cũng không nhìn thấy vẻ mặt nghiêm khắc và lời nói tức giận của ông. Vợ ông từng cảm thấy kỳ lạ về thái độ này của ông nên đã từng làm một việc để thử tính kiên nhẫn, khoan dung của ông. Có một lần, Lưu Khoan đang sửa sang lại trang phục chuẩn bị vào triều thì vợ ông sai người hầu mang một bát canh thịt vào cho ông, cố tình làm đổ bát canh lên triều phục của ông. Trong tình huống gấp rút như vậy, Lưu Khoan vẫn giữ thần sắc không thay đổi, còn an ủi người hầu và hỏi: “Bát canh có đổ vào làm phỏng tay ngươi không?” Tấm lòng khoan dung độ lượng, nhẫn nại của ông đạt đến mức độ như vậy khiến người trong thiên hạ đều tôn kính và lấy ông làm tấm gương.

Team Uống Trà Thôi sưu tầm
1 0 11,135 0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết