Lý do nước trà chuyển sang màu đỏ theo thời gian

Trà là thức uống quen thuộc được nhiều người tin dùng, đây không chỉ là loại thức uống mà còn là dược liệu, uống trà thường xuyên có thể giúp bạn thanh lọc cơ thể, giải tỏa căng thẳng. Để pha được ấm trà ngon về hương vị và đẹp về hình thức cần nhiều yếu tố kết hợp… Không ít người thường tự hỏi vì sao nước trà ban đầu mới pha có màu xanh, nhưng để một thời gian nước trà chuyển sang màu đỏ.

Nhiều người hay thắc mắc rằng tại sao khi pha trà lúc đầu nước trà rất xanh, thơm ngon nhưng để ngoài không khí một thời gian màu nước lại chuyển sang màu đỏ. Hay có những người hỏi rằng tại sao khi trà mới mua về uống thời gian đầu rất ngon nhưng để lâu thì không còn ngon như ban đầu nữa, liệu có phải nhà sản xuất đã trộn trà kém chất lượng ở dưới gói trà hay không?

Theo phương diện khoa học các đặc tính lý hóa của trà nói chung chứa nhiều chất có tính chống oxi hóa, đại diện là họ catechin, chúng có đặc tính bắt lấy các gốc tự do, làm mất khả năng oxi hóa theo cơ chế gốc tự do vốn xảy ra rất phổ biến trong các loại dầu, mỡ, và trong cơ thể sống (một phần nguyên nhân của hiện tượng lão hóa theo thời gian).Họ catechin bao gồm các chất: gallocatechin(GC); epigallocatechin (EGC); epicatechin(EC); epigallocatechin gallate(EGCG); gallocatechin gallate(GCG); epicatechin gallate(ECG); catechin gallate(CG); gallic acid(GA), và các đồng phân quang học của chúng.

Một điều đặc biệt là các chất họ catechin bị thay đổi cấu trúc, hoạt tính dưới tác dụng của nhiệt độ, và các yếu tố môi trường. Vì thế, việc chúng tồn tại ở dạng nào trong thức uống của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào cách mà ta chế biến chẳng hạn như: nhiệt độ của nước dùng pha trà, loại nước (thành phần các chất hòa tan trong nước) mà ta dùng, điều kiện khí hậu,…

Trong trà thì các dạng gallate có hàm lượng nhiều nhất, và cũng ít bị biến đổi hơn các dạng khác trong quá trình chế biến do tác dụng nhiệt. Còn các dạng (+)-catechin và (-)-epicatechin sẽ có khá ít trong các loại trà sau khi pha, mặc dù đó là hai dạng có hoạt tính chống oxi hóa mà theo một số nghiên cứu là mạnh nhất trong nhóm các catechin vừa kể.Ví dụ như: khi tăng nhiệt độ dùng để pha trà thì lượng (+)-catechin và (-)-epicatechin sẽ giảm khi đó chúng sẽ chuyển sang các dạng có ít hoạt tính hơn như EGCG, GCG,… hoặc khi để lâu ngoài không khí thì nước trà lúc đầu có màu vàng nhạt (màu sắc tùy thuộc vào từng loại trà) sẽ chuyển sang màu đỏ thẫm.

Đồng thời với quá trình đó là sự biến đổi dạng của các catechin có trong nước trà. Một số nghiên cứu cho thấy rằng pha chè ở nhiệt độ nước từ 75 đến 90 độ C là tốt nhất vì lúc đó nước chè giữ lại được nhiều nhất những dạng catechin có hoạt tính mạnh, hơn nữa sau khi pha xong thì nên dùng ngay khi nước trà còn đang nóng, với các loại nước có nhiều muối khoáng thì các catechin có hoạt tính mạnh cũng giảm đi đáng kể.

Như vậy nôm na chúng ta có thể hiểu rằng trường hợp 1 là trà khi để lâu ở ngoài không khí sẽ bị oxi hóa, đặc biệt khi bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp sẽ dẫn đến màu nước chuyển dần từ xanh sang vàng và đỏ thẫm theo thời gian, càng để lâu thì nước càng đậm màu. Trường hợp 2 là nhiều người thường có thói quen pha trà và ngâm trà trong ấm để uống dần cả buổi hoặc cả ngày, việc ngâm trà trong ấm sẽ khiến trà bị chín nẫu, mùi vị nồng và đỏ nước. Điều kị nhất khi pha trà là không được ngâm nước trà trong ấm mà khi hãm trà xong phải rót hết nước ra cốc ngay để tránh làm mất hương vị thơm ngon vốn có của trà. Đây là phản ứng hoàn toàn tự nhiên của trà xanh nguyên chất.

Nhiều người nói rằng trà họ mua pha ra nước xanh để từ sáng tới chiều hoặc thậm chí để sang tận hôm sau nữa vẫn xanh ngon thì mọi người cần phải lưu ý không dùng loại trà như vậy.

Bảo quản trà đúng cách là một trong những điều cần lưu ý để trà giữ được hương vị và màu sắc đẹp. Nếu trà bảo quản trà không được tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của lá trà. Đặc tính của trà khô là hút ẩm, hút mùi rất cao chính vì vậy khi sản xuất đã được đóng gói hút chân không để bảo quản trà được tốt nhất. Khi hút chân không thì không khí sẽ được rút ra hết khỏi túi trà, trà không tiếp xúc được với không khí nên sẽ không diễn ra quá trình oxi hóa và giữ được chất lượng trà tốt nhất. Nhưng khi chúng ta cắt gói ra uống nhiều người thường chỉ dùng dây nịt buộc trực tiếp luôn vào gói trà đã cắt, việc bảo quản tạm bợ như vậy khiến trà để 1 thời gian khi đã tiếp xúc lâu với không khí sẽ dần bị mất hương thơm, bị ẩm trà, đặc biệt bị oxi hóa nên càng về sau trà sẽ bị mất đi hương vị thơm ngon vốn có của nó. Điều đó dẫn đến việc trà khi cắt ra uống để lâu pha nước sẽ bị đỏ, mất hương thơm.

Uống Trà Thôi
Theo tạp chí kinh tế
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết