“MẸ ƠI, TẠI SAO CON PHẢI ĐỌC SÁCH?”

“MẸ ƠI, TẠI SAO CON PHẢI ĐỌC SÁCH?”
Team Uống Trà Thôi sưu tầm

Một ngày khi con gái tôi đang cầm quyển sách trên tay, cháu quay lại hỏi “Mẹ ơi, tại sao con phải đọc sách?”
Với câu hỏi bất ngờ, tôi trả lời như những gì bố mẹ nói với tôi “Đọc sách có thể giúp con thu được nhiều kiến thức mà kiến thức sẽ thay đổi cuộc sống của con”. Nghe câu trả lời, con gái nhún vai vẻ khó hiểu nhưng rồi lại mở sách đọc tiếp, như một thói quen hình thành từ lâu.

Khi tôi kể cuộc hội thoại này cho một người bạn là chuyên gia tâm lý, chị kể với tôi một câu chuyện về ý nghĩa của việc đọc sách.

“Tại một ngôi chùa trên núi, có một vị sư phụ đều thức dậy sớm ngồi vào bàn để đọc sách – dù những cuốn sách này đã cũ kỹ. Tiểu hòa thượng bên cạnh sư phụ thấy vậy, cũng cố gắng bắt chước sư phụ mình đọc sách.

Một ngày cậu hỏi sư phụ: “Thưa sư phụ, con đã cố gắng đọc những quyển sách như sư phụ nhưng vẫn không thể hiểu nó. Có những đoạn con hiểu, nhưng khi gấp sách lại thì quên nó ngay. Vậy đọc sách có lợi ích gì đâu?”.

Vị sư phụ liền đứng dậy, lấy hết than trong giỏ đặt vào lò và nói: “Con hãy mang giỏ đựng than này ra ngoài sông và mang nước về giúp ta nhé!”.

Vị tiểu hòa thượng làm theo lời dặn, nhưng toàn bộ nước chảy ra hết trước khi cậu quay về đến nhà. Sư phụ liền cười và nói: “Lần sau con cần đi nhanh hơn nữa”. Rồi ông đưa lại cho cậu bé cái giỏ để đi lấy giỏ nước khác.

Lần này, cậu bé chạy nhanh hơn, nhưng cái giỏ đã trống rỗng khi cậu về đến nhà. Thở không ra hơi, cậu nói với sư phụ: “Chúng ta không thể đựng nước trong cái giỏ này được”, và cậu định đi lấy cái xô để chứa nước.

Vị sư phụ liền nói: “Ta không muốn đựng nước trong chiếc xô mà là trong chiếc giỏ kia. Con có thể làm được điều này, do con chưa cố gắng hết sức đấy thôi”. Vị sư phụ lại đưa cái giỏ và bảo cậu bé ra ngoài sông lấy nước lần nữa.

Mặc dù cậu biết điều đó không thể nhưng không muốn cãi lời sư phụ, cậu cố chạy nhanh hết sức, nước vẫn chảy hết ra ngoài giỏ trước khi cậu về đến nhà.

Tiểu sư phụ nói: “Sư phụ nhìn này, thật là vô ích!”.

“Con nghĩ nó vô ích? Hãy nhìn vào chiếc giỏ kia!”, vị sư phụ nói.

Tiểu sư phụ liền nhìn vào chiếc giỏ và lần đầu tiên cậu nhận thấy rằng chiếc giỏ trông thật khác. Thay vì một chiếc giỏ đựng than cũ kỹ và bẩn, nó lại trông sạch sẽ.

‘Quá trình đọc sách giống như cái giỏ tre này. Mặc dù mỗi lần sử dụng, nước đều chảy ra hết nhưng điều này sẽ khiến chiếc giỏ trở nên sạch sẽ hơn. Nó rõ ràng và tươi sáng như trí óc của con người vậy’, vị sư phụ nói với tiểu hoàng thượng”.

Kể xong câu chuyện, người bạn tôi nói rằng ai cũng có thể giống như tiểu hoàng thượng, không thể nhớ những cuốn sách đã đọc trong đời. Nhưng chính những cuốn sách đó có thể làm cho họ trở thành người tốt hơn, dù trong vô thức.



Vậy khi một đứa trẻ hỏi “Tại sao con nên đọc sách”, cha mẹ nên trả lời như thế nào?
Nhà văn nổi tiếng Đài Loan, Long Ứng Đài khi được con trai 15 tuổi hỏi câu “Tại sao bắt con phải đọc sách”, đã trả lời như sau:

“Mẹ yêu cầu con đọc không phải chỉ mong muốn con sẽ thành công hơn những người khác, mà vì hy vọng con có nhiều lựa chọn hơn trong tương lai, tìm được công việc ý nghĩa, đúng với ước mơ mà không cần phải bắt buộc làm những việc nặng nhọc, nguy hiểm.

Nếu con giỏi thì con sẽ có nhiều cơ hội, nắm quyền quyết định điều con muốn. Ngược lại, con không đủ khả năng thì hãy chấp nhận cuộc đời mình bị người khác điều khiển số phận. Con muốn sở hữu thứ mà người khác không chạm tới, thì phải chấp nhận trả giá cho những nỗ lực mà người khác không thể, không có mục tiêu con sẽ không bao giờ có được hạnh phúc”, nhà văn nói.



Chỉ khi cha mẹ hình thành thói quen đọc tốt, con cái họ mới có thể hình thành thói quen đó. Làm thế nào để hướng dẫn trẻ tìm thấy niềm vui khi đọc sách và cảm thấy đọc là hạnh phúc là một chủ đề giáo dục rất quan trọng đối với cha mẹ.

Bạn biết đấy, trẻ em rất tò mò và khao khát khám phá, nhưng chúng cũng nhanh chán trong vài ba phút. Bởi vậy mới nói cha mẹ là “ngôi trường” đầu tiên trẻ học được kiến thức và làm quen với thế giới. Thói quen đọc sách của trẻ cần có sự hướng dẫn chính xác từ cha mẹ.

Tôi tin rằng những đứa trẻ thích đọc luôn có hành vi tốt và sẽ chẳng bao giờ bị thất thế với xã hội. Tuy nhiên, đằng sau những đứa trẻ này phải có những bậc phụ huynh ưu tú, những người luôn âm thầm khích lệ và cổ vũ văn hóa đọc cho con.

Nguồn: sưu tầm
2 0 11,683 0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết