Văn hóa thưởng trà của người Việt

Không biết từ bao giờ, trà có mặt trong đời sống hàng ngày của người Việt Nam, từ ấm trà bên vỉa hè đến ấm trà trong gia đình. Chén trà cũng là khởi nguồn của rất nhiều câu chuyện, gắn kết thêm những con người chưa từng quen biết lại với nhau.

Trà từ lâu cũng đã được các nhà khoa học chứng minh là rất có lợi cho sức khỏe. Không chỉ kích thích trí não, uống trà xanh còn giúp đem lại niềm vui, lợi ích cho hô hấp và tim mạch. Ngoài ra, trà còn có khả năng ức chế, ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư. Nhưng sâu xa hơn, uống trà từ lâu đã trở thành một nét văn hóa ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nếu như ở Nhật Bản, trà đạo là một nền văn hóa toàn diện với tuổi đời lên đến 400 năm cùng nghi thức độc đáo về cách pha trà và thưởng trà, bộ trà và phòng trà thì ở Việt Nam, việc thưởng thức trà vô cùng gần gũi và giản dị. Rất nhiều câu chuyện được ra đời bên những chén trà, như nhà thơ Nguyễn Duy đã từng viết: “Nước chè tươi rót vàng mơ/Đôi khi hạnh phúc đơn sơ vô cùng”.

Chính vì thế, văn hóa uống trà của người Việt thiên về sự đơn giản, không quá bình dân nhưng cũng không nhiều nghi lễ mà vẫn phản ánh văn hóa một cách toàn diện và thường qua các khâu: Chọn trà, xử lý trà, đun nước, pha và rót trà, cuối cùng là tận hưởng hương vị của trà. Chọn trà là khâu quan trọng nhất, bởi người Việt thích uống trà nguyên thủy, trà mộc, rồi sau đó ướp với các loại nguyên liệu khác nhau để tạo thành trà sen, trà long nhãn, trà nhài,… Mỗi loại trà lại mang một hương vị riêng, không thể trộn lẫn. Ở Việt Nam, trà chủ yếu được phân ở ba vùng lớn: Trà bắc ở Thái Nguyên; trà hương, trà Ô long ở Bảo Lộc và các loại trà Shan cổ thụ ở Tây Bắc.

Ngày xưa, ở chốn cung đình, các ông vua bà chúa thưởng trà rất cầu kỳ và công phu, trà được ủ từ hôm trước, nước dùng để pha trà thường phải là thứ nước mưa được hứng giữa trời, hay từ suối nguồn tự nhiên, cầu kỳ hơn nữa là được hứng từ những giọt sương trên búp sen vào sáng sớm. Cách đun nước cũng phải đảm bảo giữ được độ thanh tịnh và không làm ảnh hưởng đến hương vị của trà. Khi pha xong, trà được rót ra tách sứ long phụng, dâng bằng hai tay một cách cung kính lên “ơn trên”.

Về không gian thưởng trà của người Việt cũng đòi hỏi có một không gian rộng để tận hưởng được hết sự tinh túy của trà. Không gian thưởng trà thường mang hơi hướng của văn hóa thiền - là không gian thanh tịnh, thuần khiết, tao nhã, êm dịu. Lý tưởng nhất là những nơi có khung cảnh thiên nhiên đẹp, yên tĩnh, bên trong có tranh ảnh, thư pháp, góc đọc sách báo hoặc bàn cờ.

Ngày nay, việc uống trà đã bớt cầu kì hơn cả về cách pha trà lẫn không gian thưởng trà. Trà có mặt trong đời sống hàng ngày của người Việt Nam. Từ dịp lễ Tết cho đến ma chay, cưới hỏi, cho đến những cuộc gặp thường nhật, những sinh hoạt hàng ngày. Người Việt thường bắt đầu câu chuyện bằng một chén trà. Nhà văn Thạch Lam đã từng viết trong Hà Nội băm sáu phố phường thế này: “Ăn cơm, uống rượu xong mà được một cốc nước chè nóng thì ai chả thích”. Người thưởng trà cũng rất đa dạng, từ các bậc lớn tuổi cho đến lớp thanh niên đều có thể thưởng trà. Ở nơi dân dã, không một ngôi làng Việt Nam nào thiếu quán cóc dưới gốc đa, với một ấm trà, vài chiếc ghế, một ống điếu thuốc lào, người uống trà có thể nhấm nháp thêm kẹo lạc, kẹo vừng, bánh đậu xanh,.. Chỉ có ngần ấy thứ giản dị là có thể bắt đầu một câu chuyện dài.

Không chỉ xuất hiện trong đời sống thường nhật, trà còn được các nhà làm nghệ thuật sân khấu và điện ảnh thường sử dụng như một đạo cụ, một phương tiện để các nhân vật giao lưu. Bên cạnh đó, trà còn hiện diện trong văn học dân gian thông qua ca dao, hò vè, câu đối, tục ngữ truyền khẩu và văn chương với những bài thơ kiệt tác của các nhà văn, nhà thơ. “Tập quán uống trà thời xưa của danh nhân, luôn biểu lộ một nhân sinh quan, một nếp nghĩ, một nghệ thuật sống, một cái nhìn bao quát về cuộc đời trong một chén trà. Tâm hồn thi nhân Việt Nam luôn cởi mở, hài hoà, trong tinh thần nhân ái, cảm thông chia sẻ là nét đặc trưng của đạo đức truyền thống Việt Nam” (Trà luận, Nguyễn Bá Hoàn).

Dù đã phần nào giảm bớt sự cầu kì, công phu trong cách pha và thưởng trà nhưng văn hóa uống trà vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống thường ngày. Một tách trà không chỉ làm cơ thể trở nên khoan khoái, mà còn khiến cho tâm hồn con người trở nên thanh tĩnh lạ kì. Uống trà không chỉ đơn giản là một thói quen, sự yêu thích, mà nó còn là nét đẹp văn hóa của người Việt cần phải gìn giữ.

Uống Trà Thôi
Theo laodongthudo.vn
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết