Tranh tượng hình của Francis Bacon giá hơn 50 triệu USD

"Triptych 1986-1987" - gồm ba bức tranh tượng hình của họa sĩ người Anh Francis Bacon - được bán giá 50,2 triệu USD.

Con số được chốt trong phiên đấu Thế kỷ 20/21: Giảm giá buổi tối tại London của Christie's hồi tháng 3, đứng thứ ba trong các tác phẩm đấu giá đắt nhất từ đầu năm đến nay.

Tác phẩm gồm ba bức ghép lại. Bức bên trái dựa trên khoảnh khắc Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson rời Quai d'Orsay trong các cuộc đàm phán Hiệp ước Versailles năm 1919 được đăng trên báo chí.

Bên phải là hình ảnh mô tả thiết bị ghi âm được bọc vải của Thành viên Quốc hội Lập hiến Nga Lev Davidovich Trotsky, lấy cảm hứng từ bức ảnh chụp hiện trường ông bị ám sát ở Mexico tháng 8/1940. Ngọn đèn chiếu sáng xuống tờ giấy dính máu, ẩn dụ cho bản chất phù du của cuộc sống.

Trung tâm là nhân vật giống John Edwards - cộng sự lúc bấy giờ của Bacon - ở tư thế gợi nhớ đến George Dyer - người tình của họa sĩ - trong bức Black Triptychs mà Bacon vẽ sau khi Dyer tự sát năm 1971. Nhân vật khỏa thân và ánh mắt như đang nhìn chằm chằm vào tấm vải trắng dính máu ở bên phải. Cơ thể như đang bị siết chặt bởi hai miếng đai bảo vệ đùi, thể hiện sự tuyệt vọng ở hiện tại.

Theo Christie's, ba khung hình được kết nối bằng hình ảnh vỉa hè xuất hiện ở khung thứ nhất và thứ ba. Tuy nhiên, mỗi khung hình đều có giá trị độc lập. Sự đơn độc của chủ thể càng được tôn lên bởi khoảng trống màu đen phía sau.

Tác phẩm truyền đạt sự cô độc, cái chết của con người và lồng ghép những vấn đề lịch sử, theo giới chuyên môn. Katharine Arnold - đứng đầu mảng Nghệ thuật đương đại và hậu chiến châu Âu tại Christie's ở London - cho biết qua hai nhân vật đề cập trong tranh, kiệt tác gói gọn suy ngẫm của Bacon về nỗi đau, sự cô độc và cái chết khi đối mặt sự tàn nhẫn của lịch sử.

"Trong bức tranh lớn về cuộc sống, cái chết, tình yêu, nghệ thuật và chiến tranh, Bacon dường như cho thấy rằng cuối cùng chúng ta đều cô đơn", ông nói.

Theo nhà đấu giá, hình ảnh Wilson và Trotsky đặt cạnh nhau được giới chuyên môn giải thích là ngụ ý "vẽ nên lịch sử châu Âu trong cuộc đời Bacon". Đồng thời ám chỉ việc Trotsky từ New York, Mỹ về Nga năm 1917.

Hình ảnh Edwards ngồi trên ghế trên một chiếc bục, trông như cuốn sách tham khảo cỡ lớn được sử gia nghệ thuật Martin Harrison gọi là bài phê bình về nỗi đau và sự cô độc.

Năm 1988, Triptych 1986-1987 là một trong 23 tác phẩm của Bacon được trưng bày tại phòng triển lãm New Tretyakov ở Moscow - triển lãm đầu tiên của một nghệ sĩ phương Tây nổi tiếng diễn ra tại Nga. Arnold nói: "Mặc dù nhiều người xem không công nhận một phần tác phẩm có nguồn gốc từ bức ảnh của Trotsky, việc trưng bày bức tranh cho thấy sự thay đổi lớn trong thái độ chính trị của Nga đối với nghệ thuật". Hơn một thập niên sau, tác phẩm được trưng bày tại nhiều sự kiện ở Mỹ.

Katharine Arnold nhận định dạng tranh gồm ba bức kích thước lớn mang đến cho Bacon cơ hội ghi lại cuộc đời mình qua các sự kiện lịch sử. Thời điểm vẽ Triptych 1986-1987, Bacon sống gần trọn vẹn thế kỷ 20, đạt được những thành tựu cá nhân và trải qua cả những sự kiện khắc nghiệt. Họa sĩ vẫn bị ám ảnh bởi cái chết bi thảm của người tình đồng tính George Dyer. Bởi thế, các nguồn ảnh lấy cảm hứng trong tác phẩm kéo dài gần như toàn bộ cuộc đời Bacon. "Các bức tranh được vẽ bằng kinh nghiệm sống, những thành tựu và cả tổn thương của ông ấy", Arnold nói.

Tại một sự kiện năm 1991, họa sĩ nói với nhà phê bình nghệ thuật John Gruen: "Tôi cảm thấy một nghệ sĩ phải được nuôi dưỡng bởi đam mê và cả sự thất vọng của mình".

Từ năm 1962 đến 1991, Bacon chỉ sáng tác 28 bộ ba tác phẩm cỡ lớn, mỗi bức có kích thước 198 x 147,5 cm. Gần một nửa số đó nằm trong các viện bảo tàng trên toàn thế giới. Triptych 1986-1987 thuộc số ít tác phẩm nằm trong tay tư nhân.

Francis Bacon (1909-1992) là họa sĩ tượng hình người Anh sinh ra tại Ireland. Ông nổi tiếng với những tác phẩm táo bạo, cảm tính, thô sơ và có phần kỳ cục. Tên tuổi của ông bắt đầu nổi tiếng từ tác phẩm Three Studies for Figures at the Base of a Crucifixion (1944), hiện được lưu giữ tại phòng trưng bày Tate, Anh. Bức tranh từng được Chris Stephens - giám tuyển của Tate - gọi là "một bước ngoặt trong lịch sử nghệ thuật Anh".

Từ năm 1950, Bacon bắt đầu đưa công việc, chân dung bạn bè, người yêu vào trong các tác phẩm. Họa sĩ thích vẽ từ ảnh hơn là người thật. Theo Christie's, Bacon từng nói rằng vẽ từ ảnh chụp giúp ông tương tác với các xung động của hệ thần kinh. Ông cố gắng hé lộ linh hồn hoang dã ẩn sâu bên trong của con người, điều ông hay gọi là "nhịp điệu của một người". "Ngay cả khi bạn bè đến và tạo dáng, tôi cũng chụp ảnh lại rồi vẽ", họa sĩ nói. Tại sự kiện năm 1985, ông Alan Bowness - giám đốc phòng trưng bày Tate - tuyên bố Bacon là họa sĩ còn sống vĩ đại nhất.

Nhiều tác phẩm của Francis Bacon được bán với giá cao. Bức Triptych 1976 được bán giá 86,3 triệu USD trong phiên của Sotheby's năm 2008. Tranh Three studies for a portrait of John Edward (1984) được nhà Christie's bán giá 80,8 triệu USD vào tháng 5/2014. Portrait of George Dyer Talking (1966) bán được 70 triệu USD hồi tháng 2/2014.

Uống Trà Thôi
Theo vnexpress
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết