Lê Quý Đôn

QUẢ BÁO

Lê Quý Ðôn (1726 - 1784) người tỉnh Thái Bình, con của Tiến sĩ Thượng thư Lê Phú Thứ đời Dụ Tông. Tuổi trẻ nổi tiếng là thần đồng. Lên năm tuổi học Kinh Thi, mỗi ngày thuộc cả chục dòng sách. Mười một tuổi, mỗi ngày học Sử ông thuộc tám, chín chương . Mười bốn tuổi đã thông hết Ngũ kinh, Tứ thư, Sử, Truyện. Trong một ngày có thể làm 10 bài phú, không phải nghĩ, không viết nháp. Mười tám tuổi thi Hương đậu Giải Nguyên. Hai mươi bảy tuổi thi Hội, thi Ðình đậu Tam Nguyên Bảng Nhãn. Ông để lại nhiều tác phẩm giá trị với đủ thể loại (triết, văn, sử, địa, ngôn ngữ ...kể cả khoa học nữa) nên người đời sau tôn ông là một nhà bác học.

1) Tương truyền thuở nhỏ, một hôm ông cởi truồng đi tắm với các bạn. Dọc đường gặp một quan Thượng hỏi thăm nhà. Ông liền đứng dạng chân và dăng tay ra bảo quan Thượng:

- Nếu ông biết được cháu đang ra dấu chữ gì, cháu sẽ chỉ nhà cho ông. Quan Thượng cũng tha thứ cho sự nghịch ngợm của tuổi trẻ nên bỏ đi. Ông cười ầm lên và bảo với các bạn:

- Ông ấy làm quan to mà không biết chữ các bạn ơi!

Quan Thượng bực mình quay lại nói:

- Trẻ con đừng hỗn láo. Mày mới học lỏm được chữ Ðại (大) mà đã dám đi trêu chọc người rồi.

Ông càng cười to hơn:

- Thế thì ông không biết chữ thật! Có cái chấm ở dưới nữa thì là chữ Thái (太) chứ sao lại chữ Ðại !?

2) Khi quan Thượng vào nhà ông Lê Trọng Thứ, mới biết cậu bé ấy là con của bạn mình. Ông kể lại câu chuyện dọc đường. Lê Trọng Thứ gọi con ra trách mắng và đánh đòn. Quan Thượng thấy ông thông minh nên đã xin tha cho ông với điều kiện phải ứng khẩu một bài thơ tạ tội. Ông xin quan Thượng ra đầu đề. Quan Thượng nói:

- Phụ thân anh đã bảo anh "rắn đầu rắn cổ", anh cứ lấy đó làm đề bài.

Ông ngẫm nghĩ một chốc rồi đọc:

Chẳng phải liu điu cũng giống nhà,
Rắn đầu biếng học lẽ không tha.
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét mai gầm rát cổ cha.
Ráo mép chí quen phường láo lếu,
Lằn lưng cam chịu vết năm ba.
Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học,
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.

Bài thơ câu nào cũng có tên một giống rắn, đồng âm với chữ rắn (cứng rắn) trong đề bài. Quan Thượng phải tấm tắc khen là kỳ tài!

3) Tính ông kiêu ngạo, tự nghĩ rằng mình thuộc cả thiên kinh vạn quyển, nên sau khi đậu Trạng, ông cho treo ngoài cửa tấm bảng:

"Thiên hạ nghi nhất tự lai vấn"
(Ai có một chữ nào không biết thì lại mà hỏi)

Khi cha qua đời, ông thường lên chùa cầu siêu. Một hôm, ông vừa vào chùa thì sư cụ reo mừng nhờ ông giải cho câu đố:

"Thượng bất khả thượng, hạ bất khả hạ, chỉ nghi tại hạ, bất khả tại thượng"

(Trên không thể trên, dưới chẳng thể dưới, chỉ nên ở dưới, không thể ở trên).

Câu đố nghe sao thật lạ kỳ, ông suy nghĩ hồi lâu vẫn chưa giải nổi, thì chú tiểu chạy vào thưa:

- Bẩm quan lớn, ngài đã nghĩ ra chưa?

- Chưa!

- Con mới nghĩ ra nghĩa thế này, quan lớn xem có đúng không? Ðó là chữ "Nhất"!

Thưa:

"Thượng bất khả thượng (上不可上) là trong chữ Thượng (上) thì chữ Nhất (一) nằm dưới.

Hạ bất khả hạ (下不可下) là trong chữ Hạ (下) thì chữ Nhất nằm trên!

Chỉ nghi tại hạ (止宜在下) là chữ Chỉ (止) và chữ Nghi (宜) thì chữ Nhất nằm dưới.

Bất khả tại thượng (不可在上) là chữ Bất (不) và chữ Khả (可) thì chữ Nhất nằm trên!"

Bẩm quan Bảng, câu đố này không đến nỗi khó phải không, vì con cũng nghĩ ra!

Từ đó ông không dám treo cái bảng trước nhà nữa vì biết người đời đã dựa vào chữ Nhất trên tấm bảng mà nhạo mình!

Thời trẻ ông đã từng chê bai người không biết chữ Thái, bây giờ chính ông lại bị người trẻ tuổi chế giễu không biết đến cả chữ Nhất. Thật là quả báo! Và cũng là một bài học về tính khiêm nhường.

Team Uống Trà Thôi sưu tầm
0 0 17,099 0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết