Cái đẹp và cái xấu – những bài học vỡ lòng
Những vấn đề chuyên môn nói chung và đặc biệt là nghệ thuật hiện đại nói riêng bao giờ cũng phải được nhìn dưới lăng kính của các hiểu biết chuyên môn, để tránh những hiểu lầm, ấu trĩ và ngộ nhận.
Sự việc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội bất ngờ yêu cầu tạm dừng triển lãm "Hội họa Điện Biên Phủ" của họa sĩ Mai Duy Minh dự định khai mạc chiều thứ Bảy ngày 7/5 để kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ đã gây những băn khoăn cho công chúng và cả giới chuyên môn.
Để sang một bên những chi tiết trung tâm liên quan đến bức tranh đã trở thành lý do khiến triển lãm bị ách lại, vấn đề nổi lên hàng đầu ở đây là những tri thức mỹ học sơ đẳng mà ở đó có quan niệm về đẹp - xấu trong nghệ thuật nói chung và ý nghĩa của chúng.
Thử điểm qua một số nhân vật “xấu” trong các tác phẩm nghệ thuật (văn học) quen thuộc với hầu hết dân chúng vì được giảng dạy trong nhà trường. Trước 1945 thì có lẽ "cặp đôi hoàn hảo" nhất là Chí Phèo và Thị Nở – họ xấu và đáng sợ đến thế nào thì có lẽ không cần nói thêm nữa! Đó là chưa kể những người lính trong Đôi mắt cũng của Nam Cao hồi đầu chống Pháp, rất xấu! Đó cũng là chưa kể tới Thị trong Vợ nhặt của Kim Lân, xấu như một con ma đói.
Trong thời kỳ miền Bắc xây dựng CNXH thì Đào (trong Mùa lạc của Nguyễn Khải) cũng xấu đến không lấy được chồng, đâm ra ngoa ngoắt, khắc nghiệt. Thời hậu chiến thì vợ chồng nhà người đàn bà hàng chài (trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu) cũng thậm xấu. "Mụ" không những thô kệch mà mặt còn rỗ chằng rỗ chịt. Thời đổi mới thì vô địch chắc thuộc về các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp, toàn dị dạng với què quặt... Nói chung là không sao kể hết được nếu ghé mắt nhìn ra thế giới nữa.
Có một thời không ít người đã kết tội Nam Cao là thóa mạ và hạ thấp con người khi xây dựng một hình tượng phụ nữ không những xấu ma chê quỷ hờn mà còn dở hơi, nhà có mả hủi. Nhưng theo thời gian, ngày nay không ai còn có đủ dũng khí để nhắc lại cái quan niệm ấu trĩ ấy nữa, ngược lại người ta coi ông là một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của nền nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Với các tác giả khác mà chúng tôi đã dẫn trên đây cũng cùng chung một giá trị như thế. Rõ ràng, xấu hay đẹp, đó chỉ là phương tiện, chưa bao giờ là mục đích của nghệ thuật cả.
Môn mỹ học đã cung cấp cho chúng ta những tri thức cơ bản và “vỡ lòng” về các phạm trù như Cái đẹp, Cái bi, Cái hài, Cái cao cả, Cái trác việt với nội hàm của chúng. Tuy thế, để khẳng định một cái gì là đẹp cũng không phải đơn giản.
Ở đây có một sự phân biệt rất sơ đẳng nữa, là đẹp và vẽ đẹp. Vẽ đẹp không phải là cái nhân vật trong tranh phải đẹp. Khi vẽ một người xấu thì vẽ sao cho người xem thấy “xấu thật” thì đó mới chính là “vẽ đẹp”. Khái niệm cái đẹp trong nghệ thuật không đồng nghĩa với đẹp trong quan niệm thông thường, mà nó là hình tượng sinh động, sống động và tải nghĩa. Xin chớ mang cái quan niệm thường nhật ra để mà nhầm lẫn với các thuật ngữ chuyên môn.
Thêm nữa, ngoài tính khách thể, một đối tượng bao giờ cũng đi qua lăng kính của chủ thể. Cái đẹp, vì thế luôn mang tính chủ quan. Lý thuyết tiếp nhận chỉ ra rằng người đọc/nghe/xem bao giờ cũng là người đồng sáng tạo, nó có tư cách như một tác giả thứ hai.
Cùng với học vấn, trải nghiệm và cơ tầng văn hóa của mình, người tiếp nhận không chỉ giải mã, mà còn sáng tạo, cấp nghĩa cho tác phẩm. Mỗi một tác phẩm, vì thế luôn được làm mới theo thời gian dưới ánh nhìn của các cá thể và những thế hệ kế tiếp. Nghĩa là, tác giả đã làm xong công việc của mình, lúc này tác phẩm là đứa con đã trưởng thành và thoát khỏi vòng tay người sinh nở, trở nên độc lập và có đời sống riêng. Đời sống đó ở đâu? Ở người xem/đọc.
Với sức ì và quán tính của thói quen tư duy, cái mới bao giờ cũng lận đận và chịu không ít tai nạn. Cuộc chiến của cũ - mới vốn không xa lạ gì với tất cả chúng ta trong suốt trường kỳ lịch sử của nghệ thuật cũng như lịch sử xã hội nói chung. Có những cuộc sinh nở đã bị vùi dập tang thương bởi định kiến, bởi sự bảo thủ và lề thói cũ kỹ.
Cũng đã có quá nhiều minh chứng cho sự chiến thắng của một xu hướng hay là một tác phẩm nói riêng. Và đó chính là một bài học sâu sắc mà không ai được phép lãng quên, vì nó liên quan trực tiếp tới tương lai nghệ thuật của một xã hội. Nhắc tới hai chữ “tương lai” là vì nếu ta khước từ, chối bỏ hay hủy hoại cái mới/cái khác thì đó là câu trả lời chắc chắn cho một nền nghệ thuật không có tương lai. Nó mãi mãi cũ kỹ và tuồng như bất động – một hình mẫu của cái chết.
Tất cả những diễn giải trên đây để đi đến mấy nhận thức sơ đẳng sau:
Một, độc giả/khán giả phải chịu một phần trách nhiệm đối với giá trị của tác phẩm mà họ đang đọc/xem. Không phải vì anh không đủ khả năng xem tranh của Picasso thì mặc nhiên rằng những tác phẩm ấy là xấu! Bạn phải coi lại mình. Tất nhiên, bạn có quyền chê xấu, nhưng quyền ấy chỉ được dừng lại ở đó, không thể vì bản thân cho rằng nó xấu để rồi ra một quyết định tiêu hủy chúng, đơn giản vì bạn không đại diện cho tất cả công chúng. Ngay cả nó có xấu đối với 100% công chúng thì nó vẫn có quyền sống, vì còn tác giả của nó nữa – anh ta sẽ thưởng thức nó.
Hai, chúng ta cũng không thể quên hai chữ “sáng tạo”, nghệ thuật là sáng tạo, không có sáng tạo thì không có nghệ thuật. Phải mở đường hay ít nhất là chấp nhận cho những thể nghiệm. Nếu không có hành động sáng tạo thì cái mới không thể ra đời. Mỗi tác phẩm sẽ sống hoặc chết là do chính sức đề kháng của nó trước thời gian và do trình độ của công chúng. Một tác phẩm vô giá trị thì nó sẽ phải chết đi trong lòng người xem mà không cần bất cứ một quyết định hành chính nào.
Ba, không thể đối diện với một tác phẩm nghệ thuật như đọc một báo cáo. Vì nó là hình tượng, và tư duy của nó là tư duy hình tượng, ý nghĩa của nó phải thông qua cả một loạt những yếu tố cả trong lẫn ngoài tác phẩm để “thông giải”. Không thể dễ dãi mà kết luận về đẹp - xấu của một bức tranh.
Trước nghệ thuật nói chung và nghệ thuật hiện đại nói riêng, ngoài tinh thần cởi mở, dung nhận thì việc học là rất quan trọng. Thi ca hiện đại cho đến hội họa hay bất kỳ một ngành nghệ thuật nào cũng cần phải học mới có thể thưởng thức và thẩm định được.
Cùng với sự tìm tòi của người nghệ sĩ, công chúng nghệ thuật cần phải trưởng thành, trong đó có công chúng là các nhà quản lý văn hóa.
Cuối cùng một nhận định như “tác giả vẽ đẹp/xấu” không những chỉ đúng một nửa mà thậm chí còn có thể là sai hoàn toàn đối với bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào. Nó nên được sửa lại là “Tôi thấy bức tranh đẹp/xấu”. Sửa lại như thế vừa chứng tỏ người xem là người có học vấn, vừa thể hiện được vai trò và lòng tự trọng của một chủ thể tiếp nhận.
Uống Trà Thôi
Theo viettimes.vn
Sự việc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội bất ngờ yêu cầu tạm dừng triển lãm "Hội họa Điện Biên Phủ" của họa sĩ Mai Duy Minh dự định khai mạc chiều thứ Bảy ngày 7/5 để kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ đã gây những băn khoăn cho công chúng và cả giới chuyên môn.
Để sang một bên những chi tiết trung tâm liên quan đến bức tranh đã trở thành lý do khiến triển lãm bị ách lại, vấn đề nổi lên hàng đầu ở đây là những tri thức mỹ học sơ đẳng mà ở đó có quan niệm về đẹp - xấu trong nghệ thuật nói chung và ý nghĩa của chúng.
Thử điểm qua một số nhân vật “xấu” trong các tác phẩm nghệ thuật (văn học) quen thuộc với hầu hết dân chúng vì được giảng dạy trong nhà trường. Trước 1945 thì có lẽ "cặp đôi hoàn hảo" nhất là Chí Phèo và Thị Nở – họ xấu và đáng sợ đến thế nào thì có lẽ không cần nói thêm nữa! Đó là chưa kể những người lính trong Đôi mắt cũng của Nam Cao hồi đầu chống Pháp, rất xấu! Đó cũng là chưa kể tới Thị trong Vợ nhặt của Kim Lân, xấu như một con ma đói.
Trong thời kỳ miền Bắc xây dựng CNXH thì Đào (trong Mùa lạc của Nguyễn Khải) cũng xấu đến không lấy được chồng, đâm ra ngoa ngoắt, khắc nghiệt. Thời hậu chiến thì vợ chồng nhà người đàn bà hàng chài (trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu) cũng thậm xấu. "Mụ" không những thô kệch mà mặt còn rỗ chằng rỗ chịt. Thời đổi mới thì vô địch chắc thuộc về các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp, toàn dị dạng với què quặt... Nói chung là không sao kể hết được nếu ghé mắt nhìn ra thế giới nữa.
Có một thời không ít người đã kết tội Nam Cao là thóa mạ và hạ thấp con người khi xây dựng một hình tượng phụ nữ không những xấu ma chê quỷ hờn mà còn dở hơi, nhà có mả hủi. Nhưng theo thời gian, ngày nay không ai còn có đủ dũng khí để nhắc lại cái quan niệm ấu trĩ ấy nữa, ngược lại người ta coi ông là một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của nền nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Với các tác giả khác mà chúng tôi đã dẫn trên đây cũng cùng chung một giá trị như thế. Rõ ràng, xấu hay đẹp, đó chỉ là phương tiện, chưa bao giờ là mục đích của nghệ thuật cả.
Môn mỹ học đã cung cấp cho chúng ta những tri thức cơ bản và “vỡ lòng” về các phạm trù như Cái đẹp, Cái bi, Cái hài, Cái cao cả, Cái trác việt với nội hàm của chúng. Tuy thế, để khẳng định một cái gì là đẹp cũng không phải đơn giản.
Ở đây có một sự phân biệt rất sơ đẳng nữa, là đẹp và vẽ đẹp. Vẽ đẹp không phải là cái nhân vật trong tranh phải đẹp. Khi vẽ một người xấu thì vẽ sao cho người xem thấy “xấu thật” thì đó mới chính là “vẽ đẹp”. Khái niệm cái đẹp trong nghệ thuật không đồng nghĩa với đẹp trong quan niệm thông thường, mà nó là hình tượng sinh động, sống động và tải nghĩa. Xin chớ mang cái quan niệm thường nhật ra để mà nhầm lẫn với các thuật ngữ chuyên môn.
Thêm nữa, ngoài tính khách thể, một đối tượng bao giờ cũng đi qua lăng kính của chủ thể. Cái đẹp, vì thế luôn mang tính chủ quan. Lý thuyết tiếp nhận chỉ ra rằng người đọc/nghe/xem bao giờ cũng là người đồng sáng tạo, nó có tư cách như một tác giả thứ hai.
Cùng với học vấn, trải nghiệm và cơ tầng văn hóa của mình, người tiếp nhận không chỉ giải mã, mà còn sáng tạo, cấp nghĩa cho tác phẩm. Mỗi một tác phẩm, vì thế luôn được làm mới theo thời gian dưới ánh nhìn của các cá thể và những thế hệ kế tiếp. Nghĩa là, tác giả đã làm xong công việc của mình, lúc này tác phẩm là đứa con đã trưởng thành và thoát khỏi vòng tay người sinh nở, trở nên độc lập và có đời sống riêng. Đời sống đó ở đâu? Ở người xem/đọc.
Với sức ì và quán tính của thói quen tư duy, cái mới bao giờ cũng lận đận và chịu không ít tai nạn. Cuộc chiến của cũ - mới vốn không xa lạ gì với tất cả chúng ta trong suốt trường kỳ lịch sử của nghệ thuật cũng như lịch sử xã hội nói chung. Có những cuộc sinh nở đã bị vùi dập tang thương bởi định kiến, bởi sự bảo thủ và lề thói cũ kỹ.
Cũng đã có quá nhiều minh chứng cho sự chiến thắng của một xu hướng hay là một tác phẩm nói riêng. Và đó chính là một bài học sâu sắc mà không ai được phép lãng quên, vì nó liên quan trực tiếp tới tương lai nghệ thuật của một xã hội. Nhắc tới hai chữ “tương lai” là vì nếu ta khước từ, chối bỏ hay hủy hoại cái mới/cái khác thì đó là câu trả lời chắc chắn cho một nền nghệ thuật không có tương lai. Nó mãi mãi cũ kỹ và tuồng như bất động – một hình mẫu của cái chết.
Tất cả những diễn giải trên đây để đi đến mấy nhận thức sơ đẳng sau:
Một, độc giả/khán giả phải chịu một phần trách nhiệm đối với giá trị của tác phẩm mà họ đang đọc/xem. Không phải vì anh không đủ khả năng xem tranh của Picasso thì mặc nhiên rằng những tác phẩm ấy là xấu! Bạn phải coi lại mình. Tất nhiên, bạn có quyền chê xấu, nhưng quyền ấy chỉ được dừng lại ở đó, không thể vì bản thân cho rằng nó xấu để rồi ra một quyết định tiêu hủy chúng, đơn giản vì bạn không đại diện cho tất cả công chúng. Ngay cả nó có xấu đối với 100% công chúng thì nó vẫn có quyền sống, vì còn tác giả của nó nữa – anh ta sẽ thưởng thức nó.
Hai, chúng ta cũng không thể quên hai chữ “sáng tạo”, nghệ thuật là sáng tạo, không có sáng tạo thì không có nghệ thuật. Phải mở đường hay ít nhất là chấp nhận cho những thể nghiệm. Nếu không có hành động sáng tạo thì cái mới không thể ra đời. Mỗi tác phẩm sẽ sống hoặc chết là do chính sức đề kháng của nó trước thời gian và do trình độ của công chúng. Một tác phẩm vô giá trị thì nó sẽ phải chết đi trong lòng người xem mà không cần bất cứ một quyết định hành chính nào.
Ba, không thể đối diện với một tác phẩm nghệ thuật như đọc một báo cáo. Vì nó là hình tượng, và tư duy của nó là tư duy hình tượng, ý nghĩa của nó phải thông qua cả một loạt những yếu tố cả trong lẫn ngoài tác phẩm để “thông giải”. Không thể dễ dãi mà kết luận về đẹp - xấu của một bức tranh.
Trước nghệ thuật nói chung và nghệ thuật hiện đại nói riêng, ngoài tinh thần cởi mở, dung nhận thì việc học là rất quan trọng. Thi ca hiện đại cho đến hội họa hay bất kỳ một ngành nghệ thuật nào cũng cần phải học mới có thể thưởng thức và thẩm định được.
Cùng với sự tìm tòi của người nghệ sĩ, công chúng nghệ thuật cần phải trưởng thành, trong đó có công chúng là các nhà quản lý văn hóa.
Cuối cùng một nhận định như “tác giả vẽ đẹp/xấu” không những chỉ đúng một nửa mà thậm chí còn có thể là sai hoàn toàn đối với bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào. Nó nên được sửa lại là “Tôi thấy bức tranh đẹp/xấu”. Sửa lại như thế vừa chứng tỏ người xem là người có học vấn, vừa thể hiện được vai trò và lòng tự trọng của một chủ thể tiếp nhận.
Uống Trà Thôi
Theo viettimes.vn