Vẽ chân dung, niềm đam mê của hoạ sỹ trẻ Phạm Đức Trọng

Sinh năm 1992, tại Hải Phòng, Phạm Đức Trọng là một họa sĩ trẻ dù mới hơn 10 năm theo đuổi nghiệp vẽ nhưng đã có gần 2000 bức tranh chân dung được chàng trai này vẽ nên bằng cả sự đam mê và nhiệt huyết.

Trò chuyện với tôi vào một ngày cuối tháng tư mới đây, Trọng kể, em đến với hội hoạ là duyên, là ước mơ cháy bóng dù gia đình em không ai theo hội hoạ. Trọng học Khoa Thiết kế đồ hoạ khoá 5 Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ra trường năm 2018, từ đó đến em nay say mê sáng tác tại gia với nhiều thể loại nhưng chủ yếu là tranh chân dung.

Trong nghề hội hoạ ai cũng biết, vẽ chân dung là một thể loại khó, mỗi người đi một con đường, người đi mảng trìu tượng, người đam mê phong cảnh, nhưng vẽ chân dung - vẽ người luôn là thể loại khó nhất. Bởi khai thác được thần thái, xúc cảm, đa phong cách của từng nhân vật, không phải ai cũng thành công.

Vẫn biết, mỗi người họa sĩ đều có một cái tôi rất riêng, chính vì thế mỹ thuật là lĩnh vực không ngừng sáng tạo và đổi mới. Trọng đã thành công nhờ nắm chắc bí quyết, kỹ thuật trong hội hoạ và vẽ với cả niềm đam mê. Định hướng rõ con đường mình đeo đuổi, hơn 10 năm qua, Phạm Đức Trọng đã ký họa gần 2000 bức chân dung chì than, gần 100 bức tranh chân dung sơn dầu, mỗi bức tranh là một cảm xúc riêng, vui buồn cùng nhân vật. Cái thần ẩn trong nhân vật là điều khó nhất. Muốn hoàn hảo, chinh phục được người xem là cả một hành trình tìm tòi sáng tạo không ngừng- Trọng chia sẻ.

Ngắm nhìn những bức tranh chân dung cô con gái Linh Phạm của mình do Phạm Đức Trọng vẽ, cô bạn của tôi- Phạm Lan Hương, Giám đốc Toyota Phú Mỹ Hưng thốt lên: “ Đây chắc chắn sẽ là một tài năng mỹ thuật sáng giá trong tương lai”. Tranh của em ấy đã chuyển tải được cái “thần”, “cái hồn” cùng vô vàn cảm xúc vào bức tranh.

Đem điều này chia sẻ với họa sĩ trẻ Phạm Đức Trọng, em bật mí: “Vẽ chân dung có cái khó là phải làm sao chuyển tải được thần thái của nhân vật. Vẽ từ tổng thể, khái quát trước, sau đó mới đi sâu vào các chi tiết, đặc tả, để làm sao cho bố cục, gam màu, ánh sáng thật hài hòa. Khi nào tinh thần thoải mái nhất, em mới tập trung cao vào điểm nhấn là khuôn mặt. Trong đó chú trọng vào ánh mắt của nhân vật.

Được biết, tranh vẽ của họa sĩ trẻ Phạm Đức Trọng hoàn toàn làm thủ công, bằng chất liệu sơn dầu màu sắc phong phú và bền mãi với thời gian. Với bút lực dồi dào, Trọng đã ký họa gần 2.000 bức chân dung chì than và sơn dầu không bức nào giống bức nào, mỗi bức chân dung được sáng tạo tùy theo cảm xúc, theo từng giai đoạn, từng thời điểm.

Điều đặc biệt trong mỹ thuật chân dung là sự đối mặt giữa người xem và những nhân vật trong tranh. Những cảm xúc đôi khi dâng trào như mở ra sự “kết nối đặc biệt”, cho dù họ là ai, họ đến từ đâu thì giờ đây chẳng còn là điều quan trọng nữa, hoạ sỹ trẻ đến từ Hải Phòng, Phạm Đức Trọng đã và đang thành công với thể loại tranh chân dung.

Hội hoạ là niềm đam mê, là trò chơi giải trí với nhiều người nhưng với em đó còn là nguồn sống của gia đình. Tuy không giàu có nhưng bước đầu em cũng nuôi được vợ và con trai. Mong muốn của em là đóng góp một phần nhỏ cho hội hoạ Việt Nam vươn ra thế giới- Trọng nói với tôi lúc chia tay.

Uống Trà Thôi
Theo giadinhonline.vn
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết