NGUYÊN TẮC CỦA LÒNG TỐT: HÃY CHO ĐI VÀ ĐỪNG MONG CHỜ BÁO ĐÁP

NGUYÊN TẮC CỦA LÒNG TỐT: HÃY CHO ĐI VÀ ĐỪNG MONG CHỜ BÁO ĐÁP

Nếu bạn muốn biết làm thế nào để sống tử tế thật sự, thì có một cách để thực hành, không chỉ bằng những lời nói hay việc làm tốt lành, mà với lòng tốt như chính bản chất chân thật, như tính “bản thiện” của mỗi con người.

Cách đây vài năm, vì nhiều nguyên nhân tôi quyết tâm trở thành người tốt, thực hành những hành động của lòng tốt. Tôi tìm kiếm lời khuyên ở nhiều nơi, từ nhiều nguồn khác nhau. Một lần, có một người bạn đã nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Nếu bạn muốn có lòng tốt thực sự, hãy làm điều gì đó tốt cho người khác và đừng để “được” bắt gặp”. Suy nghĩ tức thời của tôi là muốn hét vào anh ta, may mắn thay, tôi đã chọn cách im lặng và tức giận một mình.

Nếu cần điều kiện, đó không phải là lòng tốt

“Làm điều gì đó tốt cho người khác và đừng để được bắt gặp”, cụm từ này ám ảnh tôi. Tôi không thể hiểu tại sao bạn muốn làm điều gì đó tốt cho người khác và không nhận được bất kỳ danh tiếng nào cho việc đó. Tôi sẽ làm gì đây? Làm sao mà họ biết tôi đã làm điều đó? Tôi không hiểu ý nghĩa thật sự của điều này là gì ?

Tôi nhớ một câu chuyện từng đọc mang tên “Quà tặng của một thiên thần”, kể về một cô gái hay làm điều tốt, dù vậy trong thâm tâm cô luôn cảm thấy bất công, rằng người khác đang lợi dụng lòng tốt của mình, rằng sự tử tế của cô không được công nhận, đền đáp xứng đáng.

Cô thường tiêu tốn tiền bạc cho những đứa bé hàng xóm có hoàn cảnh khó khăn, cô cảm thấy mình đã quan tâm chúng nhiều đến độ người bà nuôi nấng chúng có thái độ dựa dẫm vào cô, bà ta còn kể lể với cô về việc Giáng Sinh sắp đến, và một bé gái chẳng được ai cho món quà nào, rồi bà hỏi xem liệu cô có sẵn lòng tặng cô bé món quà nào không?

Cô đã “nổi khùng” lên thật sự, vì không thể chịu nổi việc bị nhờ vả làm cái này cái kia cho những người mà cô còn chẳng biết đó là ai. Cô quyết định phớt lờ bà ta.

Một hôm, trong lúc đi chợ cô thấy một cặp búp bê đang giảm giá rất rẻ, cô nghĩ đến việc sẽ mua nó, đơn giản vì nó quá rẻ, sâu thẳm bên trong cô hân hoan vì mình có thể làm điều tốt với một cái giá rẻ như thế. Tuy nhiên, cô vẫn không vui lòng, cô lo bà già sẽ tranh công của cô và nói với đứa bé rằng đó là món quà của bà ta tặng con bé.

Cô cho rằng mình không nên tin bất cứ ai. Nhưng là một người con kính Chúa, luôn muốn làm theo lời dạy của Chúa, cô nhủ thầm mặc kệ và cố không nghĩ đến những việc đó nữa.

Một khoảng thời gian sau, khi đang dắt chó đi dạo, tình cờ cô gặp và trò chuyện với một cô bé trong khu nhà hàng xóm. Sau một hồi trò chuyện, cô ngờ rằng đứa bé là người mà bà già đã nhờ cô mua quà cho. Đây là dịp tốt để xác nhận sự việc. Cô hỏi: “Giáng sinh trước con có nhận được hai con búp bê không?”

Cô bé trả lời rằng có. Khi cô hỏi ai là người tặng món quà thì cô bé trả lời rằng người bà đưa cho cô bé. Cô tức giận trong lòng khi nghĩ bà lão đã giành lấy tiếng thơm từ sự tử tế của cô. Để chắc mình nghĩ đúng, cô hỏi lại: “Bà ấy có nói với cháu những con búp bê này do đâu mà có không?”

Cô bé đáp: “Bà bảo món quà này là của một thiên thần gửi cho cháu…”

Cô thầm kêu lên: “Chúa đã cho tôi thấy tôi nhỏ nhen biết bao. Ngay cả khi cho ai nhiều đến bao nhiêu với tấm lòng đen tối thì những điều ấy cũng là nhỏ nhoi mà thôi”.

Chẳng phải chúng ta cũng giống như cô gái trong câu chuyện trên, chúng ta đã từng mong muốn làm người tốt, làm những điều tốt đẹp, nhưng nếu chúng ta chẳng vui thích gì khi làm điều tốt, hoặc mong muốn nhận được lợi ích gì từ lòng tốt đó, chẳng phải ta đang tự lừa dối chính mình hay sao, liệu thái độ ích kỷ đó có xóa tan những điều tốt chúng ta đã làm?

Lòng tốt thật sự là vô điều kiện

Câu chuyện trên tác động đến tôi một cách sâu sắc, tôi ngẫm nghĩ về điều này. Có phải rằng khi chúng ta làm điều gì đó tốt cho người khác và không để bị bắt gặp, chúng ta không mong chờ mình được công nhận, được báo đáp, chúng ta có niềm hạnh phúc của mình trong việc giúp đỡ người khác? Nhưng làm thế nào để phát triển được được lòng tốt… vô điều kiện?

Martin Luther King đã nói: “Mọi người đều có thể trở nên vĩ đại… bởi vì mọi người đều có thể phục vụ. Bạn không cần phải có bằng đại học mới có thể phục vụ được. Bạn không cần phải chia đúng chủ ngữ và động từ mới có thể phục vụ được. Bạn chỉ cần có một trái tim chứa đầy lòng vị tha. Một tâm hồn được hình thành từ tình yêu”.

Thật ra, có vẻ khó tin rằng nhiều người đã không biết sự thật cơ bản đơn giản này: chúng ta có “phần thưởng” của mình khi làm điều gì đó tốt cho người khác mà không trực tiếp giành được sự công nhận. Bên cạnh những phần thưởng rõ ràng về sự chia sẻ, kết nối, lòng tự trọng, sự khiêm tốn… chúng ta sẽ thực sự cảm thấy tốt hơn về bản thân mình khi làm điều gì đó tốt cho người khác.

Thật dễ dàng để nghĩ rằng trong một thế giới có hơn 7 tỷ người, thì những điều nhỏ bé chúng ta làm là không quan trọng. Nhưng tất cả những việc tốt nhỏ bé đều mang đến một ý nghĩa lớn lao! Nếu bạn dành một phút và suy ngẫm về vô số người bạn gặp trong cuộc sống, bạn sẽ thấy họ đã xuất hiện theo những cách khác nhau để cung cấp cho bạn sự hướng dẫn, hỗ trợ, lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và tình yêu thương vô điều kiện.

Có một câu chuyện mà Mẹ Teresa kể về lòng tốt: “Một đêm nọ, một người đàn ông đến chỗ chúng tôi và nói với tôi, rằng có một gia đình tám người con, họ đã không có thức ăn trong nhiều ngày. Tôi vội mang theo thức ăn và rời đi. Khi tôi đến gia đình đó, tôi thấy khuôn mặt của những đứa trẻ hốc hác vì đói. Không có biểu hiện của nỗi buồn hay nỗi đau khổ trên khuôn mặt họ, chỉ là sự dày vò của cơn đói.

Tôi đưa cơm cho người mẹ. Cô chia cơm làm hai, để lại cho các con một nửa, rồi lập tức mang theo nửa phần cơm đi ra ngoài. Khi cô ấy quay lại, tôi hỏi cô rằng cô đã đi đâu. Cô ấy đã cho tôi câu trả lời đơn giản này: “Tôi sang nhà hàng xóm, họ cũng đói!”

Tôi không ngạc nhiên khi cô ấy cho đi, những người nghèo thực sự rất hào phóng. Tôi ngạc nhiên khi cô biết họ đói. Như một quy luật, khi chúng ta đau khổ, chúng ta quá tập trung vào bản thân, chúng ta không có thời gian cho người khác”.

Mọi người đều có thể cho đi

Tôi tự hỏi tại sao lời khuyên “làm điều gì đó tốt cho người khác và đừng để được bắt gặp” lại khiến tôi khó chịu trong thời gian dài. Có lẽ những hành động tốt của tôi không bắt nguồn quá nhiều từ trái tim, mà từ một vị trí của cảm giác tội lỗi, hoặc tâm lý cần làm cho bản thân cảm thấy tốt hơn.

Không có gì lạ khi có nhiều cá nhân thành công về mặt tài chính đã quyên góp vì mục đích nổi danh, để tên tuổi của họ được ghi nhận, để mọi người đều biết những gì họ đã làm. Sự tốt đẹp giả tạo vuốt ve tâm trí của họ: “Hãy nhìn xem tôi tốt bụng thế nào!”

Trong khi lòng tốt thật sự bắt nguồn từ một tâm hồn tử tế, lương thiện, với mong muốn giúp đỡ hoặc làm điều tốt đẹp cho người khác. Lòng tốt là một đặc tính tự nhiên từ trái tim, nó không phải là điều bạn phải suy nghĩ, bạn sẽ tự nhiên hành động, cho đi, bởi vì đó là một điều tự nhiên phải làm!

Hãy trao đi lòng tốt của bạn, không chỉ qua hành động trao tặng tiền hay thức ăn cho người vô gia cư, nhường đường cho ai đó, giúp người già qua đường… mà quan trọng là, hãy làm những điều tốt dù nhỏ bé hay lớn lao từ chính trái tim lương thiện của mình, không phải từ việc bạn có nhận được sự công nhận hay không. Lòng tốt tạo ra những ký ức không bao giờ phai nhạt. Sự tử tế không phải chỉ làm với tiền.

Hãy nhớ rằng đằng sau hành động của lòng tốt là sự kết nối với con người chân chính của chúng ta. Mỗi ngày, khi trao đi sự tử tế, tốt đẹp, xin đừng mong chờ được “bắt gặp”, sự tử tế thật sự luôn nhẹ nhàng, bình thản, không ồn ào… đơn giản vì đó là trách nhiệm của lương tri.

Tâm An
Uống Trà Thôi sưu tầm
0 0 14,600 0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết