Đoàn Hương – Khi người đàn bà đẹp vẽ tranh

Nhắc đến Đoàn Hương, ai biết chị cũng đều nhớ tới hình ảnh một người phụ nữ xinh đẹp, sắc sảo và mặn mà. Sinh năm 1961, đã từng là Cục phó Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm; Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh. Không những thế chị là họa sĩ sơn mài chuyên nghiệp theo đúng nghĩa đen…

Chuyên nghiệp ở đây được hiểu theo ý nghĩa sáng tác liên tục. Ở Việt Nam, có rất nhiều nghệ sĩ sau khi được bổ nhiệm “làm quan” thường ít có thời gian sáng tác. Cục Mỹ thuật nơi chị làm việc là một cơ quan thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nên công việc càng bộn bề với công việc quản lý ngành, những kế hoạch và triển lãm quanh năm, nhưng Đoàn Hương vẫn sáng tác và sáng tác miệt mài.

Sau rất nhiều năm cống hiến, ngoài công việc quản lý, chị còn là tác giả trang trí toàn bộ phần mỹ thuật của các lễ kỷ niệm lớn của quốc gia. Đặc biệt là ba kỳ Đại Hội Đảng (X; XI, XII); ba kỳ diễu binh, diễu hành trên quảng trường Lăng Bác trong đó có Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội (2005, 2010, 2015).

Đoàn Hương nghỉ hưu theo đúng “lịch trình” của một công chức Nhà nước. Nhưng theo như chị nói: “Bây giờ mình mới đúng là mình. Toàn tâm toàn ý thời gian cho sáng tác. Bây giờ mình chỉ phục vụ anh nghệ thuật mà thôi”.

Đoàn Hương đã từng là một học trò của Nguyễn Sáng. Những năm thứ nhất, thứ hai thời sinh viên chị đã cùng họa sĩ Hoàng Đình Tài thường xuyên đến nhà phụ vẽ cho hoạ sỹ Nguyễn Sáng. Chất ngang tàng, hào sảng của người thầy Nam Bộ cũng đã ảnh hưởng phần nào đến chị. Thoạt tiếp xúc với Đoàn Hương hẳn ai cũng có ý nghĩ người phụ nữ xinh đẹp này hẳn là liễu yếu đào tơ lắm đây. Nhưng dưới vẻ ngoài xinh đẹp ấy là một cái đầu thép, một cá tính kiên định hơi có chút ngang tàng bướng bỉnh. Đoàn Hương lại khôn khéo, không lộ ra ngoài nên dễ dàng gây hiểu lầm cho đối phương. Đấy cũng là một điểm cộng để con người Đoàn Hương trở nên bí ẩn và dễ dàng thu phục người khác.

Sơn mài là chất liệu bí ẩn, gây nhiều bất ngờ từ khi làm đến khi hoàn thành. Từng bước, từng bước hé lộ dần vẻ đẹp qua mỗi công đoạn. Nếu Đoàn Hương xinh đẹp dễ gây thiện cảm thì cá tính sáng tạo cũng thế. Chị sáng tác đa dạng đề tài tất cả những gì trong xã hội và xung quanh. Bởi chị quan niệm chất liệu và đề tài chỉ là một phương tiện trải nghiệm và biểu đạt trên tác phẩm của mình.

Trong tranh Đoàn Hương ranh giới giữa hiện thực và trừu tượng được trung hòa. Nếu như trong triển lãm cá nhân lần đầu năm 2000 chị được nhà lý luận phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng viết lời giới thiệu và đánh giá cao và nhận định chị theo chủ nghĩa biểu hiện (Expressionism), thì giờ đây, cho tới thời điểm này các tác phẩm của chị vẫn trung thành với trường phái chị theo đuổi, nhưng đã có những tác phẩm đa dạng hơn trong ngôn ngữ tạo hình.

Khái niệm dường như chẳng cần rõ ràng. Gọi tên gì cũng được. Hiện thực, trừu tượng, biểu hiện đan xen hài hòa và hợp lý. Chúng đẹp về thẩm mỹ, dễ cảm thụ, dễ truyền cảm hứng với người xem. Cả phái yêu truyền thống lẫn phái ưa hiện đại đều có thể cảm nhận được. Thực ra, xem tranh Hương là muốn xem cái chất chơi của sơn mài, xem bản phối của sắc màu lộng lẫy, độ trong sâu thẳm nằm dưới bề mặt tranh kia. Ngắm mèo, ngắm sen trong một cảm giác tự tại…

Đoàn Hương là người mạnh mẽ cả về trí và lực. Những nét viền công tua luôn khỏe khoắn, nhiều công lực kết nối các mảng hình khiến chi tiết được rõ ràng và mạch lạc, tổng thể trên bề mặt tranh luôn tạo được sự hài hoà, hấp dẫn. Chị cho biết có được thành công như hôm nay là do chị may mắn trong năm thứ nhất được học chương trình Bauhaus của Đức tại trường Mỹ thuật công nghiệp. Sự quyết liệt trong nghề là thứ nhận thấy rất dễ dàng trong tranh của Đoàn Hương. Nó như món ăn tròn vị, đẹp mắt, dễ chịu và hài hòa.

Đoàn Hương đam mê và yêu sơn mài do từ nhỏ đã ảnh hưởng từ những món đồ cổ của gia đình. Vàng son lộng lẫy thẳm sâu là thứ chị kiếm tìm. Để có được những kỹ năng hoàn hảo ấy, chị tự nhận mình lại thêm may mắn khi đã được những người thầy, những nghệ nhân sơn mài rất giỏi dạy bảo. Chị cho rằng mình ảnh hưởng dessin, thần thái, tinh thần của Nguyễn Sáng nhiều nhất. Ngoài ra, thầy Ngọc Thọ dạy chị kỹ thuật, nhưng thầy Kim Đồng mới là người mà chị vô cùng tri ân về sáng tác trên con đường nghệ thuật.

Đoàn Hương được kế thừa các kỹ thuật làm sơn mài cổ truyền một cách bài bản và kỹ lưỡng. Từ đánh sơn, làm vóc và các kỹ thuật thể hiện tranh. Những nghệ nhân như cô Phụng (vợ của họa sĩ Trần Đình Thọ); thầy Huy, cô Thi, thầy Vượng đã dạy dỗ chỉ bảo tận tình cho chị ở xưởng trường Mỹ thuật công nghiệp. Được đào tạo tại một nơi bài bản như thế nên Đoàn Hương tự tay đánh sơn, tự pha chế, tự làm vóc…qua quá trình làm việc tự đúc kết, hoàn thiện những kinh nghiệm riêng cho bản thân.

Không những được đào tạo bài bản, tự trau dồi và sáng tác liên tục. Năm 2005 tốt nghiệp cao học tại Đại học mỹ thuật Đoàn Hương nhận được kiến thức quý báu từ các thầy trường Đại học Mỹ thuật trong đó có thầy Huy Oánh và thầy Lê Anh Vân. Chị chia sẻ: nhờ có hai thầy mà năm 2007 chị aplly và nhận được fellowship hai tháng tại trại sáng tác quốc tế Vermont (Hoa Kỳ)

Năm 2012-2014 chị nằm trong nhóm họa sĩ được giao sáng tác tranh treo trong nhà Quốc Hội. Tác phẩm “Suối Yến- Chùa Hương” có kích thước lớn 11m x 6m được chị và các cộng sự hoàn thành trong hai năm được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao, đồng thời chị cũng được giao chép tranh “Dọc mùng” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí cũng có kích thước 11m x 6m. Đây là một dự án trang trí mỹ thuật cho nhà Quốc Hội mới, nhằm mục đích giới thiệu tác phẩm kinh điển của các danh họa Việt Nam với các Đại biểu Quốc Hội, các nguyên thủ quốc gia, bạn bè quốc tế tới thăm Nhà Quốc hội.

Trong quá trình thể hiện lại bức tranh của Nguyễn Gia Trí, chị mới hiểu tại sao ông lại “vĩ đại” đến như vậy. Nguyễn Gia Trí hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “bậc thầy tranh sơn mài” của Việt Nam. Tranh lớn như vậy nhưng từ bao quát tổng thể, đến chi tiết nhỏ nhất đều được Gia Trí làm kỹ lưỡng và tỉ mỉ với hàng hàng lớp lớp màu sơn, vàng, bạc để cuối cùng bản phối lộng lẫy về sắc màu sơn mài của ông đã trở thành quốc bảo, hồn cốt nghệ thuật của cả dân tộc.

Đoàn Hương vẫn còn sung sức và đang say mê trên con đường sáng tác. Ngôn ngữ tạo hình của chị mạnh mẽ, khúc triết, nhưng lại bay bổng. Xem tranh của chị thấy độ vang của màu, âm hưởng của sắc, của đường nét, hình khối, như một bản giao hưởng với những cung bậc và tiết tấu va đập trong một cảm xúc mãnh liệt luôn có năng lượng trào dâng.

Chị yêu sơn mài, thành danh nhờ sơn mài, sống tốt nhờ sơn mài. Nên sáng tác với chị là máu thịt, là niềm đam mê. Là những gì chị yêu thích và muốn cống hiến. Đoàn Hương quan niệm: Chỉ cần làm việc hết sức, và cuộc đời sẽ tự nở hoa cho mình…

Uống Trà Thôi
Theo tạp chí mỹ thuật
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết