Chén trà trong nền văn hóa phương Đông

Trà là một loại hình nghệ thuật ẩm thủy độc đáo, chiếm vị trí đáng kể và chứa nhiều giá trị nhân bản trong nền văn hóa phương Đông. Đối với người xưa, trong đời sống thường nhật, ngoài lương thực, vải vóc, trà là một trong bảy vật dụng thiết yếu: Củi, nước, dầu, muối, tương, dấm, trà. Trong đời sống tinh thần, trà lại là một trong bảy loại hình nghệ thuật tao nhã không thể thiếu, đó là cầm, kỳ, thi, họa, thư, tửu, trà.

Trà đã làm một cuộc hành trình ngoạn mục từ Đông sang Tây, chinh phục những kẻ khó tính nhất, từ bậc chí tôn thiên tử đến người nông dân bần hàn

Là loại thức uống rất đặc biệt và có hương vị rất riêng, người xưa biết đến trà không chỉ là nước uống giải khát thông thường mà biết đến trà như một loại dược thảo dùng để trị bệnh, tăng thêm sức khỏe. Nhưng có lẽ, trà hấp dẫn, lôi cuốn hơn vì việc uống trà được nâng lên thành thú chơi tao nhã, một loại hình nghệ thuật thưởng thức, và hơn nữa nó thấm đượm nét đẹp văn hóa truyền thống.

Từ đây, trà đã làm một cuộc hành trình ngoạn mục từ Đông sang Tây, chinh phục những kẻ khó tính nhất, từ bậc chí tôn thiên tử đến người nông dân bần hàn. Ngày nay, trà có mặt ở hầu khắp thế giới, mỗi ngày tính ra người ta uống đến cả tỷ chung trà. Đặc biệt, ở những vùng “phong, hoa, tuyết, nguyệt” vẫn xem trà là chuyện bất khả chia lìa.

Tuy nhiên, trong chén trà của nhân loại, từ nghi thức uống trà đến ý nghĩa thưởng thức trà ở mỗi nước có nhiều sự khác biệt, không đồng nhất nhau. Người Trung Quốc xem trà là “chất” khơi nguồn cảm hứng thi ca, kết nối tình bằng hữu. Còn người Hàn Quốc dùng trà để thờ cúng trong dịp lễ hội và giới tri thức thường dùng nó với ý thức có được sự mẫn tiệp. Việc thưởng trà ở Nhật lại khác, nó là một hình thức tôn kính cái đẹp Thiền lý, trong đó các thành viên (trà đồ) tập trung thanh lọc tâm hồn bằng việc tĩnh tại với thiên nhiên. Triết lý thưởng trà này đã trở thành một nghi thức luật cao cấp mà ta gọi là Trà Đạo, khiến thế giới xem như là di sản văn hóa đặc biệt của nhân loại.

Đối với người Việt Nam, trà mang dấu ấn của nền văn hóa lâu đời, con người quen thuộc với chén trà từ khi còn nhỏ, uống trà trong mọi khoảnh khắc của đời sống, và trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc.

Khi nói về giá trị nhân văn của trà, TS. Tôn Thất Nguyễn Thiêm có cái nhìn rất sâu sắc, hiển lộ được đặc tính của Trà Việt với tinh thần vượt trội, siêu thăng: Tính nhân văn của trà chứa chan, tràn đầy trong Trà Đạo của Nhật Bản, Trà Thiền Trung Hoa, Trà Lễ Hàn Quốc và Trà Thức Việt Nam. Theo đó, tác giả cho rằng: Nếu Trà Đạo Nhật Bản và Trà Thiền Trung Hoa có khuynh hướng xuất thế nhập thần thì Trà Lễ Hàn Quốc lại thiên về tính xuất thần nhập thế. Trong lúc ấy, sự ứng đối và hòa thông giữa xuất thế nhập thần và xuất thần nhập thế lại là khung sườn chủ đạo tác thành tính chất đặc trưng của Trà Thức Việt Nam…

Thức bao gồm đồng thời hai phạm trù: Niệm thức (cảm nhận có được trong lúc uống trà) và kiểu thức (cách thức, nghi thức của diễn tình trà ẩm nhằm hiển xuất niệm thức của bản thân). Khái quát hơn, Trà Thức Việt Nam nổi bật với ba loại kiểu thức: Trà mộc, Trà ngự và Trà văn. Và mẫu số chung của 3 kiểu thức này được cấu thành một phạm trù cơ bản là Nhàn, vốn là mong ước chung của mọi thành phần xã hội và căn tính cá thể của con người Việt Nam.

Chén trà của người Việt vừa có chất Trà mộc rất đơn sơ giản dị của bát chè xanh, lại có nét phong hóa của buổi trà quê hết sức nhàn lạc, văn nghệ theo tinh thần của Trà văn, nhưng lại không thiếu chất oai phong, tính uy dũng của Trà ngự: Vắt chân chữ ngũ/Đánh củ khoai lang/Bớ cô hàng nước/Cho bát chè xanh…

Uống Trà Thôi
Theo Tạp chí kinh tế
0 0 10,828 0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết