BÁO CHÍ VIẾT VỀ TRÀ SHAN TUYẾT

Việt Nam đang có những giống trà, sản phẩm trà hội tụ đầy đủ dưỡng chất hàng đầu thế giới, trà sạch
Hơn một năm qua, GS-TS Nguyễn Quốc Vọng cùng những thành viên của Hiệp hội Chè Việt Nam (VN) đi lang thang khắp vùng núi Đông - Tây Bắc, tìm đến các vùng trà shan cổ thụ, lấy mẫu, xét nghiệm, lập báo cáo khoa học chứng minh VN đang có những giống trà, sản phẩm trà hội tụ đầy đủ dưỡng chất hàng đầu thế giới, muốn người tiêu dùng thế giới thấy rõ giá trị thực của trà shan Việt.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, GS-TS Nguyễn Quốc Vọng là nhà khoa học hàng đầu về rau quả và trà của châu Á được người Úc vinh danh. Trở lại VN lần này (GS-TS Vọng từng về VN làm việc, xây dựng nền móng cho ngành rau quả từ 2007 - 2016), ông tham gia cùng Hiệp hội Chè VN tập trung nghiên cứu hai dự án: Trà shan cổ thụ và tiếp thị trà Việt ra nước ngoài, với mong muốn góp phần nâng tầm vị thế trà Việt trên thị trường quốc tế.
Tìm hiểu và nghiên cứu về ngành trà Việt, ông nhận thấy ở đó những ưu điểm gì khiến ông chú ý?
Trà, vốn dĩ nó đã là ưu điểm. Trà chứa nhiều chất dinh dưỡng, đáng chú ý nhất là polyphenol, catechin trong lá trà tươi hoặc trà khô, là hoạt tính giúp con người làm chậm sự hình thành tế bào ung thư, hạ cholesterol xấu trong máu.
Người sử dụng trà thời hiện đại, không chỉ uống vì là thức uống, mà vì tác dụng y dược. Rất nhiều bạn bè quốc tế không biết VN có ngành trà, vì chúng ta tiếp thị theo cách cũ, không nói lên tính khoa học của trà Việt.
Tôi tham gia vào dự án nghiên cứu trà shan, nhằm đưa ra những con số, như catechin trong trà đen, trà xanh, trà shan nó là bao nhiêu, và chất khác như a xít amin, vitamin C, caffeine, tanin, theanin... hàm lượng thế nào. Chúng tôi phân tích rất kỹ những hoạt tính như vậy, và sẽ tổ chức hội thảo, giới thiệu để thế giới biết đến trà VN mang đặc tính y dược rất tốt, là sản phẩm mà thế giới nên quan tâm.
GS-TS Nguyễn Quốc Vọng: Góp phần nâng vị thế trà shan tuyết cổ thụ1

Hẳn trà Việt cũng có những bất lợi mà quá trình nghiên cứu ông nhận ra?
VN sản xuất trà đen, trà xanh từ rất lâu (từ 1927 khi người Pháp lập đồn điền trà công nghiệp đầu tiên ở Cầu Đất, Đà Lạt - PV), đi vào thị trường quốc tế cũng rất lâu. Hiện nước ta xuất khẩu mỗi năm khoảng 150.000 tấn, nhưng bất lợi là trong quá trình dài, chúng ta ít, thậm chí không quản lý được vấn đề dịch hại, đôi khi trà chúng ta xuất khẩu vướng vào dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Một vài lần như vậy khiến trà công nghiệp của chúng ta bị mang tiếng không có chất lượng cao, không an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi thương lái nước ngoài vào VN, họ dùng lý do đó hạ thấp giá mua. Kết quả mỗi năm dù xuất khẩu lớn (đa số trà đen), giá xuất khẩu của chúng ta chỉ từ 1,5 đến cao lắm là 2,5 USD/kg trong khi thế giới là 4 - 5 USD/kg.
Theo đánh giá của ông, quá trình này còn ảnh hưởng lâu dài không?
Còn ảnh hưởng lâu dài, cho đến lúc nào VN tự chứng minh với thế giới rằng trà chúng ta an toàn, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có chất lượng cao.
Vậy trà shan cổ thụ có gì lợi thế trong cuộc chiến này?
GS-TS Nguyễn Quốc Vọng: Góp phần nâng vị thế trà shan tuyết cổ thụ2

Phát triển trà shan, nên theo hướng khác. Chúng ta sẽ nói trà shan là đặc sản của VN, không theo luồng chung như trà đen hoặc trà xanh đang xuất khẩu.
Làm như vậy để thị trường nước ngoài hiểu đây là loại sản phẩm đặc biệt, nó không dính vào bất cứ lỗi thông thường nào ở trà công nghiệp. Cộng với chứng minh trà shan có tính ưu việt về y dược, ưu việt về chất lượng, mọi người thấy rõ vì chúng sinh trưởng trong rừng, rất tự nhiên nên hữu cơ.
Điểm lợi thế khác là trà shan chỉ do người dân tộc thiểu số chăm sóc, tác động của con người với trà shan cổ thụ nhiều lắm mỗi năm 1 - 2 lần, cắt cỏ cho gốc, không tác động gì khác. Đây là loại trà tôi cho là hữu cơ tự nhiên 100%.
Nếu chúng ta tiếp thị ở nước ngoài, miêu tả đây là trà shan cổ thụ, làm bằng tay, thủ công nghệ, người dân tộc thiểu số làm, và hữu cơ, đặc tính y dược tốt, theo cách đó, sẽ bán ra nước ngoài với giá đúng với giá trị thực, tôi tính ít nhất 10 - 15, thậm chí 50 USD/kg.
Hiện 100% trà shan cổ thụ do người dân tộc thiểu số Dao, H’Mông, Tày, Thái chăm sóc, đây là những tộc người sống trên cao, đời sống khó khăn hơn so với người miền xuôi. Trà shan không đủ lượng tạo nguồn sinh kế thường trực, do vậy phải có chính sách đãi ngộ để người ta có tài chính cơ bản, có thì giờ chăm sóc trà shan.
Khai thác, cũng cần có chuyện bảo tồn, ông đã đi qua các vùng trà shan cổ thụ ở VN như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang... Ngoài giá trị của trà, ông quan tâm điều gì khác?
Có mấy vấn đề cần chú ý, thứ nhất là việc bảo tồn. Trà shan cổ thụ là loại trà mọc tự nhiên trong rừng, VN là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng về biến đổi khí hậu xấu nhất, những cây sống lâu năm trong rừng già, núi cao như trà shan rất nhạy bén với biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ tăng, hạn hán, bão tố nhiều, môi trường tiểu khí hậu thay đổi, cây trà sẽ chết. Vùng trà cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái) là ví dụ điển hình. Nhà nước cần có chính sách bảo tồn vì đây là vốn rất quý của VN.
Thứ hai, trà shan trước đây ít người quan tâm, khi chúng tôi nghiên cứu và đưa ra những công bố khoa học về trà shan, đã có một số doanh nghiệp chú ý. Điểm tốt là người ta sẽ nhân lên, bảo tồn sản xuất trà shan, và không tốt là khả năng sẽ có sự can thiệp của hóa chất vào sản xuất, kêu gọi nông dân phun thuốc, đảm bảo số lượng. Khi đó trà shan sẽ không còn hữu cơ nữa, sẽ có kiểu lợn hai chuồng, rau hai luống. Chúng ta phải làm sao không để tình trạng đó xảy ra cho ngành trà shan.

Nguyễn Đình
https://thanhnien.vn/doi-song/tra-shan-tuyet-co-thu-la-dac-san-huu-co-doc-dao-cua-viet-nam-1126214.html
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết