Phong cách uống trà theo từng vùng miền

Trà không còn chỉ là một thức uống mà đã trở thành một nét văn hóa xưa - nay. Cách thưởng thức trà của người Việt ở 3 miền cũng từ đó mang nhiều nét độc đáo, rất đa dạng và không theo chuẩn mực nào. Ở mỗi vùng miền, uống trà thể hiện được phong thái, lối sống của vùng miền đó.

Có thể do đặc điểm địa lý mà cách thức uống trà của người Việt cũng có sự khác biệt như người miền Bắc thích uống trà mạn (loại trà đã được sao tẩm) và uống nóng, người miền Trung thường hay dùng lá chè tươi dân dã, người miền Nam thường dùng trà đá, trà ướp hương nhẹ nhàng

Người miền Bắc uống trà

Ở ngoài Bắc, người ta uống trà nhiều và trồng trà nhiều hơn ở trong Nam. Điển hình là các vùng trồng trà như Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ… rồi sản xuất, cung cấp và tiêu thụ cho các tỉnh nói chung và khu vực miền Nam nói riêng, vậy nên từ đó 2 từ “trà Bắc” cứ thế mà được nhiều người gọi.

Đối với người không sành trà, họ thường đồng nhất trà Thái Nguyên và trà bắc, hai loại này chẳng có gì khác nhau cả.
Mặc dù trà bắc, trà Thái Nguyên giống nhau về ngoại hình nhưng xét về chất lượng, hình thái, cánh trà, thương hiệu thì trà Thái Nguyên là tuyệt vời nhất. Thái Nguyên có rất nhiều vùng trà với sản lượng và năng xuất cao như Tân Cương, Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ…Tuy nhiên, vùng Tân Cương được thiên nhiên ưu ái về đất đai và khí hậu, cùng bàn tay chăm sóc và chế biến đầy kinh nghiệm của người dân Tân Cương, cho nên, cây trà nơi đây sinh trưởng, phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, cây trà Tân Cương mang trong mình hương vị se lạnh của đất trời Thái Nguyên làm mê hoặc lòng người.

Các sản phẩm có hương thơm cốm, màu nước xanh trong - sánh có vị chát dịu hậu ngọt lắng sâu trong vị giác người thưởng thức, uống rồi mới thấy vị chát của trà nhưng trà xuống tới cổ họng thì lưu lại một vị ngọt dễ chịu, phải chăng cái vị ngọt ấy chính là hương vị của đất của trời Thái Nguyên. Chính điều này tạo nên nét đặc trưng “tiền chát, hậu ngọt” của thứ thức uống vừa tao nhã lại vừa sang trọng, đượm nồng hương thơm thuần khiết mà thanh nhã của người Việt - trở thành một tinh thần đặc trưng của văn hóa trà Việt.

Thưởng trà theo cách của người Huế

Với người Huế, uống trà được xem như một môn nghệ thuật giàu trí tuệ. Người ta đánh giá tính cách, quan niệm sống, nhận thức thẩm mỹ cũng như tâm trạng, tình cảm của con người qua cách uống trà. Uống trà không chỉ thưởng thức hương vị của nó mà họ còn lưu tâm đến nội dung cuộc mạn trà và nét đẹp trong phương thức thưởng trà.

Cũng như nhiều quốc gia uống trà khác trên thế giới, thú uống trà của người Huế có xuất phát từ cung đình.

Từ cung đình ra dân gian, tính chất nghi lễ giảm dần nhưng cái hồn của thú thưởng thức trà vẫn được giữ nguyên, bạn bè uống cùng nhau chén trà để tăng thêm tình thân thiết.

Dẫu không uống tại lầu son, gác tía như các bậc vua chúa, quan quyền xưa nhưng trong không gian đơn sơ, dân dã, chén trà vẫn được chủ nhân nâng hai tay mời bạn, khách và chủ đều tôn trọng nhau, chén trà vì thế vẫn nặng tình, nặng nghĩa.

Người Huế uống trà như là một hình thức lễ nghi, dẫu uống một người (độc ẩm), hai người (đối ẩm), ba người, bốn người hay nhiều người (quần ẩm) thì mọi thao tác vẫn được giữ nguyên, kể cả những cung cách pha trà, rót trà, nâng ly trà. Người Huế thưởng trà biểu hiện lối ứng xử, giao tiếp ân tình giữa người với người. Một cuộc trà là dịp gặp gỡ để đàm đạo văn chương, luận bàn thế sự, hàn huyên tâm sự.

Phong cách uống trà miền Nam

Nếu người miền Bắc cầu kỳ trong cách uống trà thì người miền Nam lại có phần giản dị hơn nhưng vẫn có được sự ấm cúng và chân thành. Ở Nam Bộ trước đây người bình dân thường ưa chuộng loại trà pha chế sẵn hiệu quả bầu hay con cua, loại trà có nước đượm và mùi vị được đánh giá là ngon.

Trong việc thưởng trà người miền Nam có thể bỏ bớt những cầu kỳ của nước mưa, nước suối, chỉ cần có nước giếng trong cũng là điều quý.

Nấu nước trong ấm bằng than hay củi đều được, song không để nước sôi quá “già” và khi pha trà phải tráng trà hay còn gọi là “rửa trà”, loại bỏ bụi và tạp chất nếu có, bởi trà nước thứ hai mới ngon. Bình pha trà chỉ cần một cái bình con (bình tích) hoặc bình lớn và có thể sử dụng chén uống trà, ly, tách, không cầu kỳ phân biệt “chén quân, chén tống” và cũng không sử dụng chén “mắt trâu” hay “bôi”. Không kén chọn dụng cụ để uống và thưởng thức trà như ở miền Trung hay miền Bắc với những bộ đồ trà cầu kỳ, đắt giá có khi là đồ cổ, bảo vật… Bên cạnh đó người miền Nam thích hương vị trà nhẹ nhàng và cách họ thưởng thức cũng thoải mái chẳng mấy cầu kỳ.

Người miền Nam uống trà như là giao thoa văn hóa giữa phương Đông với phương Tây, giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Các tiệm trà ngày càng xuất hiện nhiều hơn, hầu như chợ nào cũng có các tiệm trà lớn và đầy đủ các loại trà. Trà có đủ loại từ Đông Bắc, Tây Bắc cho đến trà các vùng châu thổ sông Hồng. Trà lài Quảng Nam, trà đen Phú Yên, cho đến trà B’Lao ướp hương, trà Thái Nguyên...

Uống Trà Thôi
Theo đời sống tiêu dùng
0 0 11,574 0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết