Dệt hương cho trà

Dệt hương cho trà không phải là dệt hương hoa vào trà với mục đích nhằm làm mất đi mùi mốc của trà. Dệt hương là quá trình tìm đến sự hòa hợp, hòa quyện giữa trà và hương hoa nhằm sáng tạo ra cái mới, tìm ra sự thi vị của sự kết hợp đó.

Trong cuốn sách “Dưới mái hiên nhà” tác giả có phần hướng dẫn cách dệt hương cho trà, đại khái là ướp trà với các loại hoa có hương thơm mình thích. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế dệt hương trà là quá trình kỳ công và phức tạp đòi hỏi sự tỉ mỉ, am hiểu về trà cũng như về nguồn hương. Đó không chỉ là hương hoa mà còn rất nhiều nguồn hương khác.

Dệt hương là công việc tạo điều kiện thúc đẩy quá trình nhiễm hương từ một nguồn đã chọn (như các loài hoa: sen, nhài, ngâu, sói, gừng,...) vào trà. Sau quá trình dệt, trà sẽ mang thêm hương từ nguồn mà chúng ta lựa chọn. Hiểu theo nghĩa đó, ta có thể hình dung ra rằng, bất cứ một nguồn mang hương nào đều có thể trở thành nguồn tán hương để dệt vào trà, điều duy nhất ta cần lưu ý, đấy là tác động của nguồn hương ấy lên cơ thể người có hại hay không, nguồn hương ấy có ăn nhập với trà hay không!

Theo chia sẻ của anh Việt Bắc - chủ quán Thưởng trà: Có thể phân chia nguồn hương dệt trà thành hai tuyến tính cho đặc tính nguồn hương đó là tính thảo – tính mộc và hương nổi – hương chìm.

Nguồn hương tính mộc là những nguồn hương như gừng, quế, hồi. Kết quả thu được là hương thơm từ nguồn này thường cho ta cảm giác trầm ấm rất dễ chịu. Đặc tính tuyệt vời đó thì nguồn hương này là nguồn hương bền, hầu như nó không trở thành nguyên nhân khiến trà bị hỏng nếu trong quá trình dệt có gì sai sót về kỹ thuật, nó cũng là nguồn hương vững, khả năng nhiễm và lưu của hương rất cao vì thế sau khi đã có trà dệt hương thì việc lưu giữ cũng rất dễ dàng.

Nguồn hương tính thảo: Hầu như những dòng trà dệt hương hiện tại của chúng ta lấy hương từ nguồn này (các loài hoa: nhài, sen, lan...). Đây là nguồn hương tự nhiên, có chức năng quyến rũ côn trùng tới lấy mật và qua quá trình đó sẽ thụ phấn cho hoa, hoặc động vật tới ăn quả đồng thời mang theo hạt giống giúp thực vật di thực và phát tán giống loài. Vì đặc tính tự nhiên đó mà hương từ nguồn này thường rất nổi bật và nồng nàn. Tuy vậy, bởi quá nổi bật nên không giữ được lâu, và đó là một trong những đặc tính của hương từ nguồn này.

Anh Việt Bắc trà gọi nguồn hương này là “hương nổi”, bởi nó dễ nhiễm vào trà và cũng dễ rời bỏ trà. Ngoài ra, nguồn mang hương này thường có cấu trúc thực vật mong manh và thủy phần rất cao, nguồn này cũng thường là phần dồi dào dưỡng chất đối với vi sinh vật và động vật, thành thử trong quá trình dệt nó dễ thành tác nhân gây hỏng trà, một trong những điểm cần lưu ý là sự dễ dãi đối với việc lựa chọn trong nguồn hương này, nó có thể là một mùi thơm tuyệt vời khi thoảng qua cánh mũi.

Nguồn hương phát tán tự nhiên: Khi quan sát trong tự nhiên, ta thấy hầu như các loài hoa sẽ tự tỏa hương, bởi chức năng của hương hoa là xua đuổi hoặc quyến dụ côn trùng, với nguồn hương này ta sẽ nương theo các đặc tính thực vật của nguồn hương và các pha của nguồn hương, người ta chia thành ba pha: ngậm hương, tán hương, phai hương. Cái dễ trong việc dệt hương cho trà từ nguồn này là chúng ta không cần lo đến việc tách hương từ nguồn hương, nhưng có một vấn đề rất cần được lưu ý, đấy là độ bền thực vật của nguồn hương, ví như hoa nhài, hoa bưởi, hoa sen... các loài hoa hầu như có hàm lượng nước rất cao, và độ bền của các thành phần thực vật ở nguồn hương này khá yếu, chúng có thể hỏng trong vòng 24-48 giờ (thối, ủng, dập nát,...) thậm chí, ở điều kiện không tốt, chúng có thể hỏng trong vòng 12 giờ. Vì đặc tính đó, việc dệt hương từ nguồn này rất cần lưu tâm đến điều kiện môi trường dệt hương, nguồn hương tỏa được mạnh mẽ và tươi mới hay không phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường diễn ra quá trình dệt hương

Một vấn đề tối quan trọng trong việc lựa chọn nguồn hương này, đấy là độc tính của hương, nguồn hương phát tán tự nhiên chủ yếu là các loài hoa. Trong hương hoa có thể đồng thời có chất quyến rũ một số loại côn trùng, nhưng lại cũng có thể mang cả độc tính để xua đuổi một số loại côn trùng khác. Một loài hoa có thể mang hương thơm rất tuyệt vời, khi ngửi thoáng qua ta thấy hầu như không có tác động đến cơ thể, câu chuyện sẽ khác đi khi ngửi với hàm lượng lớn hơn. Vậy nên tuyệt đối không tùy tiện lựa chọn nguồn hương khi chưa biết chắc đặc tính của nguồn hương ấy.

Một nguồn hương khá thú vị, nhưng hầu như chưa được sử dụng trong việc dệt hương cho trà ở Việt Nam, nguồn hương này thường là gỗ, củ, quả hoặc các nguồn phát tán tự nhiên đã chế biến, như hoa khô, quả khô,... Anh Việt Bắc chi sẻ: “Tôi gọi nhóm này là “phát tán hương cưỡng bức” bởi lẽ, hầu như nguồn này nếu không có tác động từ bên ngoài thì hương thơm phát tán rất yếu, khi có tác động thì hương thơm sẽ phát tán với cường độ mạnh hơn. Khi đã phải sử dụng một phương pháp tác động từ bên ngoài thì sẽ luôn khiến cho tính chất của hương và nội chất của nguồn hương thay đổi.”

Dệt hương cho trà là quá trình lao động nghệ thuật mang tính văn hóa. Trà hương cũng là môn nghệ thuật đối với những người thưởng trà. Dệt hương là một công đoạn quan trọng, hương được dệt chuẩn và khéo sẽ giúp trà đượm vị, hai thức hương quyện lại với nhau, tôn vinh nhau. Ngược lại, nếu định lượng sai hoặc không đúng nguyên liệu, một trong hai mùi hương sẽ lấn át mùi còn lại, làm mất cái tinh túy của trà.

Uống Trà Thôi
Theo đời sống tiêu dùng
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết