Người cha lấm lem dầu nhớt đi họp phụ huynh, cả phòng cười nhạo nhưng khi nghe những lời anh nói, họ nín lặng

Người cha lấm lem dầu nhớt đi họp phụ huynh, cả phòng cười nhạo nhưng khi nghe những lời anh nói, họ nín lặng.

Dưới đây là câu chuyện cảm động về một buổi họp phụ huynh mà một giáo viên chủ nhiệm được chia sẻ trên mạng.

Đúng 7 giờ, các phụ huynh lần lượt đến ký tên rồi về chỗ của con mình ngồi. Ai cũng ăn mặc chỉnh chu, lịch sự. Tuy nhiên có chị trang điểm khá đậm, đi lại õng ẹo khiến mọi người trong phòng học đều thấy khó chịu.

Khi ký tên, có phụ huynh nhã nhặn lịch sự, có người tỏ vẻ khinh khỉnh, có người cẩn thận tỉ mỉ, có người qua loa đại khái. Trong đó có một phụ huynh bị những người khác nhìn với ánh mắt đầy ác cảm bởi lời nói và cử chỉ của mình.

Vừa gặp cô giáo, chị ta liền nói: “Cô giáo, thảo nào Hứa Ngọc học kém vậy. Đó là tại các thầy cô xếp cháu ngồi cuối lớp.”

Nói xong, chị ký xoẹt một cái rồi tiện tay quăng bút đi, vênh mặt, ưỡn ngực, sải bước về phía chiếc bàn gần bục giảng nhất, ngồi phịch xuống mà chẳng thèm để ý đến ai.

Buổi họp bắt đầu lúc 7 rưỡi. Sắp đến giờ họp, cô chủ nhiệm liên tục nhìn đồng hồ treo tường và trả lời các câu hỏi của cha mẹ học sinh.

Đến giờ họp, cô giáo ra hiệu cho các mọi người trật tự, nhẹ nhàng đóng cửa lại. Khi cô chuẩn bị phát biểu thì cửa lớp vừa đóng lại khẽ mở ra. Một người đàn ông trung niên người đầy bùn đất xuất hiện ở cửa lớp, miệng nở nụ cười, nói xin lỗi cô giáo.

Giọng anh không lớn nhưng cũng thu hút ánh nhìn của tất cả phụ huynh. Người đó mặc bộ đồ bảo hộ lao động màu xanh lam, trên mặt còn lấm lem sơn màu, quần phủ kín bụi, ống thấp ống cao, đi đôi ủng dính đầy xi măng. Nhìn là biết anh vừa từ công trường đến.

“Xin hỏi, con của anh là…”

“Tôi là bố cháu Vương Chí Hào.”

“Ồ…” Cô giáo thốt lên ngạc nhiên.

“Xin hỏi cô giáo, tôi ngồi ở đâu?”

Thấy phòng học đầy kín phụ huynh, người công nhân đó không tìm được chỗ của con mình khiến cả phòng học lại cười ầm lên.

“Chính là chỗ trống bên phải của anh đấy ạ.” Nói xong, cô chủ nhiệm lại quay đầu nói với bố của Chí Hào, “Phiền anh ký tên vào đây. Ở đây có bút đấy ạ.”

Phụ huynh đó cầm bút lên, mặt lo lắng, xoay tờ danh sách 360 độ mà không biết ký thế nào.

Cô tưởng anh không tìm thấy tên của em Chí Hào liền chỉ vào đó và nói: “Anh ký vào đây.”

“Cô, cô giáo, tôi, tôi không biết chữ…” Bố của Chí Hào cúi đầu rất thấp ấp úng, phòng học lại rộ lên tràng cười.

“Ồ, không sao, không sao. Tôi sẽ ký thay. Mời anh về chỗ của em Chí Hào.”

“Thưa các anh chị! Đây là buổi họp phụ huynh cuối cùng của học kỳ này. Cảm ơn các anh chị đã luôn dốc sức ủng hộ công việc của chúng tôi. Hôm nay tôi xin phép nói ngắn gọn.

Tôi biết, tất cả cha mẹ đều quan tâm đến thành tích của con mình, mong con thành tài là tâm nguyện của mỗi người. Giờ tôi xin mời những phụ huynh có con học giỏi lên chia sẻ một chút về phương pháp dạy con cũng như những tâm đắc của mình.”

Cả phòng học xôn xao, cô chủ nhiệm vẫy tay ra hiệu cho mọi người trật tự.

“Xin mời phụ huynh của em Hứa Hạo Kiệt lên bục giảng…”

Bố của Hạo Kiệt chia sẻ xong, tiếp theo có 2 phụ huynh nữa lên nói về kinh nghiệm dạy con của mình. Không có gì mới, đều là quản lý con nghiêm khắc thế nào, bắt con làm nhiều bài tập, mời gia sư kèm thêm…

Khi cô giáo mời bố của em Vương Chí Hào lên nói chuyện, cả phòng học đang bàn tán xôn xao bỗng im bặt. Dường như điều này khiến họ vô cùng bất ngờ.

Làm sao anh công nhân nghèo mù chữ có thể dạy con học giỏi thế được? Bố của Chí Hào rụt rè cúi người đứng lên. Khi bước ra khỏi bàn, anh sơ ý vấp phải ghế băng. Phụ huynh này vội nói xin lỗi mấy lần liền, mau chóng kê lại ghế rồi từ từ bước lên bục giảng.

“Hề hề hề…” Anh cười mấy tiếng, mắt không dám nhìn thẳng vào phụ huynh ngồi trước mặt.

“Em Vương Chí Hào là học sinh có thành tích học tập tốt nhất lớp chúng tôi. Điểm tổng kết môn Toán của em luôn đứng đầu lớp.

Hoàn cảnh của học sinh này khá khó khăn nhưng em chưa bao giờ đi muộn, luôn hòa đồng với bạn bè. Giờ xin mời các anh chị nghe bố em chia sẻ kinh nghiệm dạy con của mình.”

“Kinh, kinh nghiệm thì tôi không dám nói. Tôi chỉ thích nhìn con làm bài tập. Hàng ngày đi làm về, dù mệt đến mấy, tôi vẫn ngồi nhìn con làm bài tập.”

Bố Chí Hào dừng lại nhìn cô giáo, cô mỉm cười ra hiệu cho anh nói tiếp.

Vì công việc vất vả thu nhập thấp nên người bố không thể đem lại một cuộc sống đầy đủ cho con. Nhưng không phải vì thế mà anh không quan tâm đến tâm tư, tình cảm và việc học của con mình. Ảnh minh họa.

“Một hôm, con trai hỏi tôi: ‘Bố, ngày nào bố cũng ngồi nhìn con làm bài tập, bố có hiểu bài tập này không?’

Tôi nói, ‘Bố không hiểu.’ Con tôi lại hỏi, ‘Bố không hiểu thì sao bố biết con có làm được không?’

Tôi nói, ‘Nếu con làm nhanh, cầm bút lên là viết xoèn xoẹt thì bố biết con làm được bài này và làm rất tốt. Nếu con muốn bật quạt, uống nước thì bố biết là bài này khó.’.”

Phòng học im phăng phắc như có thể nghe thấy tiếng một cây kim rơi xuống đất. Phụ huynh các lớp khác đã lũ lượt ra về, cũng có người đứng ở cửa sổ lắng nghe.

“Tôi là thợ xây. Thường ngày, tôi rất bận. Nếu nói về dạy con thì thật sự tôi không hề có thời gian dạy cháu. Tôi chỉ nói chuyện với con. Mỗi lần cháu xem tôi chọn đá, trộn xi măng, tôi đều nói chuyện cùng cháu.

Tôi hỏi: ‘Con trai, con có muốn ra nước ngoài như chủ tịch nước không?’

Chí Cường nói: ‘Con muốn.’

Tôi nói: ‘Vậy con chịu khó học nhé.’ Con tôi gật đầu.

Tôi ngước nhìn tòa nhà mình đã xây rồi lại hỏi cháu: ‘Con trai, con có muốn ở trong căn hộ cao rộng, đẹp đẽ không?’

Con trai gật đầu. Tôi nói: ‘Vậy con chịu khó học nhé.’

Thấy trên đường có chiếc xe hơi dài bóng loáng màu đen chạy vù qua, tôi lại hỏi: ‘Con có muốn lái chiếc xe hơi dài như thế không?’

Con nói: ‘Muốn ạ.’ Tôi nói: ‘Vậy con chịu khó học nhé.’

Cậu bé đã học rất tốt nhờ cách kèm cặp hết sức tự nhiên xuất phát từ trái tim yêu thương vô tận của bố.

Tôi chưa từng đi học, cũng không biết chữ nên không tìm được đạo lý thâm thúy để dạy con. Tôi chỉ có thể thấy gì thì nói với con thứ đó trong lúc mình làm việc. Thấy con trai gật đầu lia lịa, tôi rất vui. Mỗi khi vui, tôi đều thích xoa đầu con.

Chí Hào rất thích ngồi bên cạnh tôi, xem tôi làm việc. Có lúc cháu mang cho tôi cốc nước. Tôi rất ít khi cho con tiền tiêu vặt, gần như không cho.

Thế nên con tôi không biết lên mạng cũng không biết tán gẫu trên mạng, càng không biết mua đồ ăn vặt bên ngoài. Phần lớn thời gian, cháu làm việc nhà, có lúc còn giặt quần áo giúp tôi.

Chúng tôi là thợ xây, bốn biển là nhà. Công trường ở đâu thì nhà ở đó. Nói đến kinh nghiệm, tôi thật sự không có. Tôi chỉ thích ở bên con, nhìn con làm bài tập, xoa đầu cháu, hỏi chuyện cháu,… Cảm ơn nhà trường, cảm ơn thầy cô đã dạy dỗ con tôi tốt như vậy, hiểu chuyện như vậy. Các thầy cô đã vất vả rồi.”

Nói xong, anh cúi gập người trước cô giáo khiến toàn thể phụ huynh trong lớp sững sờ.

Những người làm cha làm mẹ như chúng ta đã từng cúi người cảm ơn thầy cô của con mình như vậy bao giờ chưa? Thành tích của con không tốt thì trách thầy cô dạy không tốt, con học giỏi thì lại nhận đó là công của mình.

So với người bố mù chữ này, những người được đi học như chúng ta đều thật sự thấy xấu hổ.

Khi tôi vẫn trầm tư, anh đã nhẹ nhàng về chỗ, cả phòng học vang rền tiếng vỗ tay.

Lời kết
Đây là bài viết khiến người đọc cảm động và phải suy ngẫm. Tại sao anh thợ xây nghèo không biết chữ lại có thể dạy được đứa con học giỏi, chăm ngoan như thế?

Đọc kỹ bài viết này, từ việc bố Chí Hào tỉ mỉ quan sát con “Nếu con làm nhanh, cầm bút lên là viết xoèn xoẹt thì bố biết là con làm được bài này và làm rất tốt.

Nếu con muốn bật quạt, uống nước thì bố biết là bài này khó”, đến việc anh sẵn lòng nói chuyện với con mỗi khi có thời gian, hay việc anh kính trọng thầy cô, tôn trọng người xung quanh thì chúng ta đều có thể tìm ra câu trả lời.
Team Uống Trà Thôi sưu tầm
1 0 12,401 0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết